Tại Việt Nam, kể từ ca nhiễm đầu tiên được phát hiện năm 1990 tại Thành phố Hồ Chí Minh, ước tính hiện nay có khoảng 267.391 người đang sống chung với HIV[1]. Đến nay, đã có 100% số tỉnh, thành phố; 701/705 quận/huyện có người nhiễm HIV (chiếm 99,43%) và trên 96% số xã/phường báo cáo có người nhiễm HIV/AIDS.
[1] Báo cáo Giám sát phát hiện, Giám sát ca bệnh 2024
Hiện nay, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đang tập trung vào mục tiêu mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng và tự xét nghiệm, hướng đến việc đạt 95% người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng của mình vào năm 2030.
Để đạt được mục tiêu này, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã chỉ đạo các địa phương phối hợp với các dự án và tổ chức quốc tế để triển khai tư vấn xét nghiệm HIV thông qua nhiều mô hình khác nhau. Mục tiêu là đưa dịch vụ này đến gần nhất với nhóm người có hành vi nguy cơ cao, từ đó giúp phát hiện sớm và tăng tỷ lệ người biết tình trạng nhiễm HIV của mình.
Các hoạt động cụ thể bao gồm: Duy trì các cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV trên toàn quốc, với hơn 1.300 cơ sở y tế thực hiện tư vấn xét nghiệm HIV; triển khai dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng ở 33 tỉnh/thành phố.
Cung cấp tư vấn xét nghiệm HIV cho bạn tình và người chích chung của người nhiễm HIV, cũng như các nhóm có hành vi nguy cơ cao và các hoạt động truy vết; cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm tại các tỉnh trong khuôn khổ dự án Quỹ Toàn cầu và Dự án EPIC.
Triển khai cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm trực tuyến qua website http://tuxetnghiem.vn tại 32 tỉnh/thành phố, từ năm 2020 đến nay đã cung cấp hơn 40.000 đơn hàng, ghi nhận gần 30.000 lượt phản hồi kết quả và khoảng 1.000 lượt báo cáo có phản ứng với sinh phẩm tự xét nghiệm.
Việc triển khai xét nghiệm nhiễm mới HIV được mở rộng tại 50 tỉnh/thành phố. Việc mở rộng xét nghiệm nhằm phát hiện sớm các ca nhiễm mới, giúp can thiệp kịp thời và hỗ trợ người nhiễm HIV tiếp cận điều trị ARV.
![]() |
Cộng đồng CBO có vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV để đưa vào tầm soát. |
Cục đã duy trì và phát triển mạng lưới gồm 251 phòng xét nghiệm khẳng định HIV: (Tuyến Trung ương 31 phòng (Trong đó có 5 phòng thuộc Công An bao gồm 2 trạm giam; 3 phòng thuộc Quận đội) ; tuyến tỉnh 80 phòng, tuyến huyện 136 phòng, tư nhân: 4 phòng).
Để bảo đảm chất lượng hoạt động tư vấn xét nghiệm và điều trị HIV, Cục đã thực hiện giám sát, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo và nâng cao năng lực cho các cơ sở xét nghiệm. Ngoài ra, các hướng dẫn chuyên môn và hành lang pháp lý cũng được xây dựng để hỗ trợ triển khai hoạt động này một cách hiệu quả.
Ông Eamonn Murphy, Giám đốc Khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Khu vực Đông Âu và Trung Á chia sẻ, dịch HIV ở Việt Nam vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, bao gồm gia tăng lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục. Ngoài ra, khoảng một phần ba số ca nhiễm HIV mới là trong nhóm người trẻ thuộc độ tuổi 15-24.
Việc thiếu hiểu biết về HIV, và tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV vẫn đang tiếp tục cản trở tiếp cận đến các dịch vụ thiết yếu để phòng, chống HIV/AIDS.
"Hơn bao giờ hết, bây giờ chính là lúc Việt Nam cần dồn tổng lực để đẩy mạnh đáp ứng với HIV nhằm thực hiện được mục tiêu của quốc gia. Các can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV có hiệu quả cao cần được mở rộng độ bao phủ nhiều hơn nữa. Khoảng trống còn lớn giữa số người được chẩn đoán nhiễm HIV và số người tham gia điều trị kháng HIV cần được lấp đầy.
Các hành động để giảm kỳ thị, phân biệt đối xử và bảo đảm mọi người dân có nhu cầu đều có thể tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV cần được đẩy mạnh hơn nữa. Và để làm được như vậy trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch HIV, Việt Nam sẽ cần gia tăng nỗ lực trong công tác xây dựng chính sách và phối hợp liên ngành phòng, chống HIV/AID", ông Eamonn Murphy nói.
Ngoài ra, trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với những khủng hoảng về an ninh và các vấn đề ưu tiên mới nổi trong phát triển bền vững, các quốc gia đặc biệt là các quốc gia có thu nhập ở mức trung bình như Việt Nam sẽ cần đầu tư nhiều nguồn lực trong nước hơn cho đáp ứng với HIV và cho mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS.
![]() |
Ông Eamonn Murphy, Giám đốc Khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Khu vực Đông Âu và Trung Á. |
Việt Nam đã có những thành tựu nổi bật trong việc sớm chuẩn bị cho sự suy giảm tài chính quốc tế dành cho phòng, chống HIV, được coi là những thực hành tốt để các quốc gia khác học tập. Đó là điều trị HIV hiện đã được đảm bảo tài chính bằng nguồn quỹ bảo hiểm y tế; và ngân sách nhà nước đã chi trả hầu hết cho chương trình điều trị methadone.
Tuy nhiên, còn rất nhiều việc phải làm theo hướng này để bảo đảm tính bền vững của toàn bộ chương trình phòng, chống HIV của quốc gia, đặc biệt là với các can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV có hiệu quả cao như PrEP hay hoạt động cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV của các tổ chức cộng đồng – cộng đồng đã và đang là cánh tay nối dài hiệu quả của hệ thống y tế trong việc giúp những người dễ bị tổn thương nhất tiếp cận tới các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV, cũng như duy trì sử dụng những dịch vụ này.