Tại Việt Nam, kể từ ca nhiễm đầu tiên được phát hiện năm 1990 tại thành phố Hồ Chí Minh, ước tính hiện nay có khoảng 267.391 người đang sống chung với HIV. Đến nay, đã có 100% số tỉnh, thành phố; 701/705 quận/huyện có người nhiễm HIV (chiếm 99,43%) và trên 96% số xã/phường báo cáo có người nhiễm HIV/AIDS.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 11.421 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính, 1.263 trường hợp tử vong. Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV đầu năm đến nay có 82,9% là nam giới, độ tuổi chủ yếu là từ 15 - 29 (40%) và 30 - 39 (27,3%), đối tượng chiếm tỷ lệ cao nhất là nam quan hệ tình dục đồng giới (42,2%).
Trong những năm qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách và có nhiều hoạt động chuyên môn để đẩy nhanh các mục tiêu 95-95-95 trong trong phòng, chống HIV/AIDS.
Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 141/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (Luật Phòng, chống HIV/AIDS).
Về hoạt động chuyên môn, hiện giám sát ca bệnh được triển khai đồng bộ tại 63/63 tỉnh, thành phố thông qua hệ thống HIV-INFO 4.0. 100% người nhiễm HIV được quản lý trên hệ thống HIV-INFO 4.0.
![]() |
Cấp phát thuốc cho người đang điều trị ARV. |
Giám sát trọng điểm HIV triển khai tại 20/63 tỉnh, thành phố theo Quyết định số 64/QĐ-AIDS ngày 24/04/2024 về việc ban hành Hướng dẫn địa bàn, đối tượng, phương pháp chọn mẫu và quy trình tổ chức triển khai giám sát trọng điểm.
Triển khai đa dạng các hoạt động và mô hình tư vấn, xét nghiệm HIV. Toàn quốc có hơn 1.300 phòng xét nghiệm sàng lọc và 251 phòng xét nghiệm khẳng định HIV: Tuyến Trung ương 31 phòng (trong đó có 5 phòng thuộc Công an bao gồm 2 trạm giam; 3 phòng thuộc Quận đội); tuyến tỉnh 80 phòng, tuyến huyện 136 phòng, tư nhân: 4 phòng.
Xét nghiệm nhiễm mới HIV được triển khai tại 50/63 tỉnh thành phố. Kết quả nhiễm mới HIV nhằm cung cấp các bằng chứng khoa học cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Kết quả này cung cấp dữ liệu cấp độ quần thể về nhiễm mới HIV để phân tích nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV, xác định điểm nóng cần lập kế hoạch dự phòng và đáp ứng y tế công cộng
Đồng thời giúp nhân viên y tế xác định ưu tiên và tư vấn tăng cường, hiệu quả trong việc tìm ra các ca nhiễm HIV khác, kết hợp đồng bộ việc chăm sóc điều trị ngay, can thiệp dự phòng, chuyển gửi ưu tiên và giám sát chủ động.
![]() |
Tăng số khách hàng tham gia điều trị PrEP mới. |
Chương trình đáp ứng y tế công cộng với chùm ca nhiễm HIV đã triển khai tại 5 tỉnh: Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Cao Bằng. Việc triển khai đáp ứng y tế công cộng đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật như: tăng tỷ lệ chuyển gửi điều trị ARV thành công, tăng tỷ lệ điều trị ARV trong ngày và tăng số khách hàng tham gia điều trị PrEP mới.
Cơ quan chuyên môn thường xuyên theo dõi số liệu để phát hiện sự gia tăng bất thường về dịch HIV ở các tỉnh/thành phố và họp giao ban với địa phương nhằm tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS để kiểm soát dịch. 9 tháng đầu năm đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với 4 tỉnh: Đăk Lăk, Gia Lai, Hà Tĩnh, Hậu Giang.
Triển khai đồng bộ báo cáo định kỳ hoạt động phòng, chống HIV/AIDS qua hệ thống phần mềm báo cáo Thông tư số 05 xuống các tuyến tỉnh/huyện/xã. Số liệu báo cáo được cập nhật đầy đủ định kỳ theo quý, chất lượng số liệu được cải thiện và nâng cao, số liệu báo cáo được sử dụng thường xuyên trong việc lập kế hoạch triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý điều hành và quản lý chuyên môn trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS. Xây dựng kế hoạch xây dựng hệ thống thông tin y tế và chuyển đổi số hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2024-2030.
![]() |
Giải pháp đáp ứng y tế công cộng với chùm ca nhiễm HIV là cách tiếp cận mới, đòi hỏi sự chủ động của địa phương. |
Hoàn thiện hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn thông tin mạng của hệ thống thông tin HIV/AIDS hướng tới bảo đảm an toàn an ninh cấp độ 3, trong đó xây dựng phương án bảo vệ hệ thống thông tin và phương án ứng cứu xử lý sự cố tấn công mạng. Định kỳ đánh giá an toàn hệ thống thông tin và triển khai thực hiện quy chế bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng của theo quy định.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, dịch HIV vẫn đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng nhiễm mới nhất là nhóm thanh thiếu niên trẻ, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV vẫn còn tồn tại và sự hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư còn thấp, là rào cản trong việc tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của người nhiễm HIV và các nhóm đích nguy cơ cao.
Giải pháp đáp ứng y tế công cộng với chùm ca nhiễm HIV là cách tiếp cận mới, đòi hỏi sự chủ động của địa phương. Tính linh hoạt trong lập kế hoạch và phê duyệt kế hoạch để đáp ứng nhanh, kịp thời, hiệu quả.
Để đạt mục tiêu 95-95-95 trong phòng, chống HIV/AIDS, trong thời gian tới, ngành y tế tiếp tục phổ biến nội dung Nghị định Quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) cho 63 tỉnh/thành phố;
Hướng dẫn cụ thể cho 63 tỉnh/thành phố các nội dung về can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV, hồ sơ thủ tục trình tự điều trị nghiện Methadone, tư vấn và xét nghiệm HIV được quy định trong Nghị định.
Theo dõi và cập nhật số liệu dịch HIV tại 63 tỉnh/thành phố để kịp thời đưa ra cảnh báo và triển khai các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật đáp ứng tình hình dịch.