Hỗ trợ người nhiễm HIV tiếp cận dịch vụ y tế

Nhiều năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã không ngừng nỗ lực triển khai các chương trình, chính sách và sáng kiến nhằm bảo đảm người nhiễm HIV có cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế một cách hiệu quả, toàn diện.
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động trình chiếu video thông tin-giáo dục sức khỏe tại các khoa điều trị tại Bệnh viện Nhân Ái (Bệnh viện chuyên khoa HIV/AIDS trực thuộc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh).
Hoạt động trình chiếu video thông tin-giáo dục sức khỏe tại các khoa điều trị tại Bệnh viện Nhân Ái (Bệnh viện chuyên khoa HIV/AIDS trực thuộc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh).

Thành phố hiện có số lượng người nhiễm HIV cao nhất cả nước. Theo thống kê, số ca nhiễm HIV mới tại thành phố vẫn chiếm tỷ lệ đáng kể trong tổng số ca mới trên toàn quốc. Tính đến tháng 9/2024, thành phố đã ghi nhận 52.695 người nhiễm HIV được quản lý, với 100% số quận, huyện, phường, xã, thị trấn có người nhiễm HIV. Theo kết quả giám sát hằng năm, tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới là 12,3%, phụ nữ mại dâm 3%, người nghiện chích ma túy hơn 11%.

Những năm gần đây, tỷ lệ lây nhiễm HIV qua đường tình dục đang gia tăng, vượt qua tỷ lệ lây nhiễm qua đường máu. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này bao gồm nhận thức xã hội chưa đồng đều, sự kỳ thị đối với người nhiễm HIV, những rào cản trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Điều này không chỉ làm gia tăng số ca nhiễm mới mà còn khiến nhiều người nhiễm HIV không được chẩn đoán hoặc điều trị kịp thời, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cá nhân và cộng đồng.

Thực hiện mục tiêu chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, một trong những hành động cần thực hiện là bảo đảm tổ chức điều trị cho người nhiễm HIV, kiểm soát tải lượng vi-rút ở người nhiễm HIV dưới mức lây nhiễm.

Trong bối cảnh nguồn lực quốc tế tài trợ nguồn thuốc kháng vi-rút (ARV) miễn phí ngày càng giảm, thành phố đã triển khai hỗ trợ chi phí mua thẻ bảo hiểm y tế và hỗ trợ chi trả cho người nhiễm HIV từ năm 2019, với 31 cơ sở y tế điều trị ARV qua bảo hiểm y tế đang hoạt động.

Thành phố cũng đã triển khai nhiều mô hình can thiệp hiệu quả theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, như điều trị dự phòng trước phơi nhiễm; điều trị kháng vi-rút ngay khi phát hiện nhiễm HIV và nhiều chương trình, dự án nhằm cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ y tế cho người nhiễm HIV.

Đồng thời, xây dựng mạng lưới các cơ sở y tế, bao gồm bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện, các trạm y tế phường, xã để cung cấp dịch vụ chăm sóc và điều trị HIV. Các cơ sở này không chỉ tập trung vào điều trị mà còn cung cấp các dịch vụ tư vấn, xét nghiệm, dự phòng, phân phối ARV miễn phí.

Bên cạnh đó, là việc triển khai các chiến dịch xét nghiệm lưu động, xét nghiệm tự nguyện nhằm phát hiện sớm các ca nhiễm mới; từ đó, đưa vào chương trình điều trị kịp thời; tổ chức nhiều chiến dịch truyền thông, hội thảo và các hoạt động cộng đồng để nâng cao nhận thức về HIV/AIDS, đồng thời khuyến khích sự đồng cảm và hỗ trợ từ xã hội.

Để nâng cao hiệu quả hỗ trợ người nhiễm HIV, thành phố vẫn cần tiếp tục đầu tư, đổi mới trong cách tiếp cận. Trước tiên, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, các ứng dụng di động và hệ thống quản lý trực tuyến có thể được sử dụng để theo dõi và nhắc nhở người nhiễm HIV về lịch điều trị, kết nối họ với các dịch vụ y tế phù hợp.

Tăng cường giáo dục cộng đồng, các chương trình giáo dục cần được đẩy mạnh để xóa bỏ định kiến, giúp xã hội hiểu rằng, HIV không còn là “bản án tử hình” và người nhiễm HIV hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh nếu được điều trị kịp thời; khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức tư nhân tham gia vào việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, từ xét nghiệm đến điều trị, với mô hình giá cả phải chăng và dễ tiếp cận; người nhiễm HIV cần được hỗ trợ không chỉ về y tế mà còn về các vấn đề xã hội như việc làm, nhà ở và các dịch vụ tâm lý để giúp họ tái hòa nhập cộng đồng một cách bền vững.