Qua 10 lần tổ chức, Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành một sự kiện du lịch, văn hóa tiêu biểu, tạo được ấn tượng mạnh mẽ đối với du khách trong nước và nước ngoài. Lễ hội áo dài là cầu nối quan trọng đưa Việt Nam vươn cao và hội nhập thế giới, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Áo dài Việt Nam. Lễ hội Áo dài còn mang đến tác động tích cực đối với kinh tế-xã hội, kích cầu du lịch, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp thời trang, thủ công mỹ nghệ và dịch vụ, mở ra cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận thị trường, gia tăng cơ hội hợp tác và phát triển.
Tương tự Lễ hội Áo dài, Lễ hội Bánh mì Việt Nam lần thứ 3 sẽ được thành phố tổ chức. Đây là một trong những lễ hội “trẻ” nhất của thành phố nhưng đã thu hút hơn 100 nghìn lượt khách qua mỗi lần tổ chức bởi sự hấp dẫn, đa dạng của các sản phẩm bánh mì và nhiều chương trình mới lạ. Chính sự độc đáo mà ban tổ chức mang đến cho du khách, Lễ hội Bánh mì Việt Nam đang dần trở thành một trong những lễ hội đặc trưng của thành phố luôn được người dân và du khách đón chờ.
Cùng với những lễ hội hiện đại, Thành phố Hồ Chí Minh còn có nhiều lễ hội truyền thống như Lễ hội Nghinh Ông-Cần Giờ, Lễ hội Nguyên tiêu, Lễ hội Khai hạ-Cầu an tại lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt trên địa bàn quận Bình Thạnh. Đây là 3 lễ hội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của thành phố. Đó là chưa kể nhiều lễ hội tại các đình làng, lăng miếu diễn ra tại nhiều quận, huyện trên địa bàn. Các lễ hội này có truyền thống lâu đời và mang màu sắc riêng của từng địa phương. Chính vì thế, nếu quảng bá tốt, những lễ hội dân gian này sẽ trở thành điểm nhấn trong phát triển du lịch văn hóa, thu hút đông đảo du khách đến tham dự, nhất là du khách nước ngoài.
Dù đã đạt được nhiều thành công, nhưng theo nhiều chuyên gia, đến nay thành phố vẫn chưa khai thác, phát huy hết lợi thế, tiềm năng của các lễ hội. Việc hạn chế trong công tác truyền thông về lễ hội, thiếu kết nối trong việc xây dựng các tour gắn với lễ hội dân gian, cơ sở hạ tầng tại các lễ hội chưa được đầu tư tương xứng, chưa tạo thêm nhiều hoạt động hấp dẫn mang tính trải nghiệm cho du khách tại các lễ hội truyền thống,… đã phần nào hạn chế việc phát triển du lịch thông qua các sự kiện lễ hội.
Việc hơn 2 triệu lượt khách đến Thành phố Hồ Chí Minh trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ vừa qua cho thấy du khách ngày càng quan tâm đến các lễ hội truyền thống. Nếu có chiến lược phát triển bài bản, có sự kết nối chặt chẽ giữa các đơn vị quản lý, các công ty lữ hành trong việc hình thành các sản phẩm du lịch gắn với lễ hội, thành phố sẽ phát huy được hết lợi thế sẵn có để xây dựng thành công thương hiệu “thành phố của những lễ hội” đặc trưng cho riêng mình ■