Lâu nay, thành phố chưa giải quyết căn cơ, đồng bộ tình trạng quá tải về hạ tầng giao thông do nhiều nguyên nhân. Trong đó sự gia tăng nhanh về dân số, công tác quy hoạch hạ tầng giao thông chưa đồng bộ với quy hoạch phát triển kinh tế là nguyên nhân chính. Cùng với đó, quy hoạch chung còn chậm điều chỉnh, chưa sát thực tiễn cuộc sống dẫn đến hạ tầng giao thông chậm theo kịp với yêu cầu của một thành phố xấp xỉ 12 triệu dân.
Mặt khác, một vướng mắc kéo dài nhiều năm là công tác đền bù giải phóng mặt bằng triển khai còn chậm, địa phương chưa vào cuộc tích cực đã làm đội vốn đầu tư nhiều công trình thi công, ảnh hưởng đến chủ trương chung của dự án…
Đơn cử là công trình nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của (thành phố Thủ Đức), sau 10 năm thi công vẫn chưa hoàn thiện do vướng hơn 22.000 m2 mặt bằng, ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm hộ dân khu vực lân cận; hay dự án mở rộng Quốc lộ 13 (đoạn từ Thành phố Hồ Chí Minh đến tỉnh Bình Dương) chỉ vì sự lúng túng trong việc xác định lộ giới và nguồn vốn đầu tư mà sau 15 năm thành phố vẫn đang bàn thảo. Và vẫn còn không ít dự án đầu tư, mở rộng cầu đường có thời gian thực hiện hàng chục năm với các thủ tục, hồ sơ phức tạp, khiến việc đầu tư "dừng cũng khó, làm không xong".
Theo UBND thành phố, thành phố có khoảng 751 dự án còn khó khăn, vướng mắc cần sự vào cuộc của các ban, ngành, địa phương để giải quyết "cục máu đông". Riêng thành phố Thủ Đức có hơn 130 dự án, trong khi địa phương này đóng góp và mang lại nguồn thu không nhỏ cho Thành phố Hồ Chí Minh. "Lộ thông thì tài thông", cầu đường hình thành đến đâu, phương tiện lưu thông, hàng hóa thông thương đến đó. Hạ tầng giao thông sẽ dẫn dắt phát triển kinh tế bền vững, do đó việc xác định mục tiêu tập trung đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông đồng bộ hiện đại được xem là ưu tiên mà chính quyền thành phố quyết tâm thực hiện trong năm 2025 và những năm tới.
Sở Giao thông công chánh thành phố cho hay, trong năm 2025 sở sẽ tập trung phối hợp với các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành đưa vào sử dụng 16 dự án/gói thầu công trình giao thông trọng điểm. Đơn cử như nút giao thông An Phú (thành phố Thủ Đức); đường nối đường Trần Quốc Hoàn-đường Cộng Hòa (quận Tân Bình); Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh); đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp); cầu Tăng Long (thành phố Thủ Đức); Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên…
Ngoài các công trình sắp đưa vào hoạt động nhằm khơi thông các cửa ngõ và trục giao thông huyết mạch, thành phố cũng quyết tâm hoàn thiện thủ tục đầu tư, khởi công hàng loạt dự án trọng điểm, như: Xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (giai đoạn 1); xây dựng cầu đi bộ qua sông Sài Gòn; dự án đường vành đai 2 đoạn 1 và đoạn 2; xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái; dự án thành phần 2 và 3 thuộc dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài.
Đồng thời, thành phố ưu tiên tìm nguồn vốn đầu tư, vận dụng cơ chế chính sách Nghị quyết số 98 ngày 24/6/2023 của Quốc hội để sớm khởi công đường vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, bốn dự án BOT các tuyến đường ra vào cửa ngõ thành phố.
Như vậy để đạt mức tăng trưởng hai con số, thành phố cần đẩy mạnh đầu tư công, khai thông nguồn lực để tăng thu ngân sách. Trong đó, vốn đầu tư công dành cho phát triển hạ tầng giao thông chính là động lực giúp cho thành phố tăng trưởng, thu hút và dẫn dắt nhà đầu tư, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.