Ngai vàng thời Nguyễn: Chiếc ngai cuối cùng còn nguyên vẹn trước khi bị xâm hại

NDO - Hiện tại, thành phố Huế có 8 Bảo vật quốc gia thời Nguyễn, trong đó, Ngai vàng triều Nguyễn tại Điện Thái Hòa đã có tuổi đời hơn 200 năm, và là chiếc ngai cuối cùng còn được giữ lại nguyên vẹn cho đến ngày nay.
0:00 / 0:00
0:00
Ngai vàng triều Nguyễn. (Ảnh trong Hồ sơ của Cục Di sản văn hóa)
Ngai vàng triều Nguyễn. (Ảnh trong Hồ sơ của Cục Di sản văn hóa)

Tính đến đợt công nhận Bảo vật quốc gia cuối năm 2024, thành phố Huế có 8 Bảo vật quốc gia triều Nguyễn, gồm Cửu vị thần công, Cửu đỉnh, Đại hồng chung chùa Thiên Mụ, Ngai vua triều Nguyễn, Bia Khiêm Cung ký trong lăng Vua Tự Đức, Bộ sưu tập vạc đồng thời Nguyễn, Áo Giao tế, bia Ngự kiến Thiên Mụ tự của Chúa Nguyễn Phúc Chu.

Ngai vàng triều Nguyễn được chế tác dưới thời vua Gia Long (1802-1819), sau đó được sử dụng xuyên suốt trong thời Nguyễn với tổng cộng 13 đời vua, kéo dài trong 143 năm.

Ngai vàng thời Nguyễn: Chiếc ngai cuối cùng còn nguyên vẹn trước khi bị xâm hại ảnh 1

Theo hồ sơ Bảo vật quốc gia, ngai vàng triều Nguyễn cao 101cm, rộng 72cm, dài 87cm. Phần đế dài 118cm, rộng 90cm, cao 20cm. Phía trên ngai có bửu tán thếp vàng lộng lẫy.

Lưng ngai nổi bật với hình ảnh "long vân khánh hội", xung quanh là những đầu rồng chầu về trung tâm, thể hiện thiên hạ quy phục về một mối, vua là trung tâm vũ trụ. Không chỉ mang giá trị lịch sử và chính trị, ngai vàng còn là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo của mỹ thuật cung đình Huế.

Ngai vàng thời Nguyễn: Chiếc ngai cuối cùng còn nguyên vẹn trước khi bị xâm hại ảnh 2

Ngai vàng được làm từ gỗ được sơn son thếp vàng, với những hoa văn rất cầu kỳ, tinh xảo, từ bàn tay người thợ thủ công tài hoa và tay nghề cao.

Trong cuốn “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ”, bác sĩ Charles Edouard Hocquard có mô tả về Ngai vàng trong chuyến đi Huế.

Ngai vàng thời Nguyễn: Chiếc ngai cuối cùng còn nguyên vẹn trước khi bị xâm hại ảnh 3
Ngai vàng trong Điện Thái Hòa. (Ảnh tư liệu trong Hồ sơ của Cục Di sản văn hóa)

Ông viết về Phòng thiết triều trong Điện Thái Hòa: “Phòng thiết triều chiếm toàn bộ diện tích của một cung điện lớn có 3 tầng mái với những dải cổ diêm và đỉnh mái được trang trí hình những linh vật lớn theo kiểu Trung Hoa. Gian phòng này rất đẹp. Những hàng cột lớn sơn son thếp vàng vươn thẳng lên đến mái điện với rất nhiều hình chạm khắc cầu kỳ. Vách cung điện có nhiều tấm phù điêu lớn bằng gỗ được chạm lộng tinh xảo, phủ kín từ sàn lên đến mái. Ở cuối gian phòng, giữa các hàng cột là ngai vàng được đặt trên một bệ tam cấp sơn son thếp vàng toàn bộ, có hình dáng như một chiếc ghế bành”.

Ngai vàng thời Nguyễn: Chiếc ngai cuối cùng còn nguyên vẹn trước khi bị xâm hại ảnh 4

Tranh minh họa trong cuốn “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ”.

Bác sĩ Charles Edouard Hocquard mô tả Ngai vàng: “Phía trước ngai vàng là hai cái giá để chân dung chạm khắc hình hai con hổ nằm chầu. Phía sau ngai vàng là một bức trướng thêu nổi hình rồng 4 móng, chính là biểu tượng của hoàng gia, phía trên có một chiếc lọng bằng lụa vàng thêu hoa văn nhiều màu sắc. Gian phòng này là nơi nhà vua chủ trì các buổi thiết triều trang trọng với sự có mặt của tất cả các quần thần được chia thành các nhóm trên sân chầu hai bên trái phải phía trước điện. Trong những ngày có buổi chầu, những bức mành lớn thông thường vẫn che kín mặt trước phòng thiết triều đều được kéo lên”.

Cung điện được tác giả nhắc đến chính là Điện Thái Hòa, nơi đặt ngai vàng của các vua nhà Nguyễn. Đây là nơi vua thường thiết triều với bá quan văn võ, trung tâm của nghi lễ hoàng gia, nơi diễn ra các sự kiện trọng đại như lễ đăng quang, đại triều, tiếp sứ thần và các dịp lễ tiết quốc gia.

Ngai vàng thời Nguyễn: Chiếc ngai cuối cùng còn nguyên vẹn trước khi bị xâm hại ảnh 5

Bửu tán trên ngai vàng.

Dưới thời trị vì của Vua Khải Định, ngai vàng được trùng tu 1 lần, làm lại bửu tán phía trên ngai, đổi từ lụa, gấm sang gỗ sơn son thếp vàng chạm trổ tinh xảo. Để đồng bộ, trong đợt này nhà vua cũng cho trùng tu lại ngai vàng.

Ngai vàng triều Nguyễn chưa từng bị thất lạc hay rời khỏi Điện Thái Hòa trong suốt hơn 200 năm. Ngay cả khi chế độ phong kiến sụp đổ năm 1945, vua Bảo Đại thoái vị, ngai vẫn được gìn giữ nguyên vẹn. Sau năm 1975, công tác trùng tu và bảo tồn ngai vàng được đẩy mạnh. Đặc biệt, từ khi quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới năm 1993, ngai vàng trở thành một trong những trọng điểm bảo tồn. Tháng 1/2016, hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia.

Ngai vua triều Nguyễn ở điện Thái Hòa là bảo vật quốc gia, cũng là chiếc ngai cuối cùng trong lịch sử các triều đại ở Việt Nam còn được bảo tồn nguyên vẹn cho đến tận ngày nay.

Ngai vàng thời Nguyễn: Chiếc ngai cuối cùng còn nguyên vẹn trước khi bị xâm hại ảnh 6

Vua Bảo Đại trên ngai vàng. (Ảnh trong Hồ sơ của Cục Di sản văn hóa)

Ngai vàng triều Nguyễn được đặt trang trọng trong Điện Thái Hòa, tại không gian nghi lễ xưa của triều đình. Khách tham quan khi đến đây có thể hình dung được quang cảnh thiết triều xưa, với không khí trang nghiêm và linh thiêng. Điện Thái Hòa là nơi nhà vua thiết triều vào các ngày mùng 1 và 15 âm lịch hằng tháng, và cũng là nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng của triều đình trong năm.

Trong đợt trùng tu tổng thể Điện Thái Hòa năm 2024, ngai vàng đã được di chuyển vào kho bảo quản và sau khi công trình trùng tu xong đã được đưa ra trưng bày trở lại. Còn bửu tán phía trên được gia cố để bảo đảm vững chắc, an toàn.

Ngai vàng triều Nguyễn là biểu tượng quyền lực và thể hiện sự uy nghiêm tuyệt đối của thiên tử, người được "trời trao mệnh", vì thế cũng là một trong những bảo vật quốc gia quan trọng bậc nhất. Việc Ngai vàng triều Nguyễn bị xâm hại là một tổn thất lớn và cũng để lại những bài học cho việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy di sản.