Ba năm liên tiếp (2022-2024), Nghệ An lọt tốp 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu về thu hút vốn FDI cao nhất cả nước. Tỉnh phấn đấu đến năm 2028, thu hút hơn 10 tỷ USD vốn FDI.
“5 SẴN SÀNG”
Một yếu tố quan trọng giúp Nghệ An thành công trong thu hút đầu tư thời gian qua là tỉnh đã làm tốt công tác “5 sẵn sàng”. Đó là, sẵn sàng về mặt bằng sạch; hạ tầng thiết yếu; nguồn nhân lực; đổi mới, cải cách, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh và sẵn sàng hỗ trợ đồng hành. Trong đó, sẵn sàng về mặt bằng sạch được Nghệ An đặt lên hàng đầu. Đây cũng được xem là nhiệm vụ chính trị quan trọng đối với các địa phương có quy hoạch đầu tư khu công nghiệp, khu kinh tế mà điển hình là huyện Nghi Lộc. Nằm trong quy hoạch, thu hút nhiều dự án đầu tư trọng điểm, Nghi Lộc đã xem công tác giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ quan trọng cần ưu tiên giải quyết. Huyện đã kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp huyện do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban và tổ giúp việc nhằm xử lý vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Các xã, thị trấn thuộc huyện cũng thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết các vướng mắc trong công tác này. Nhờ đó, huyện đã tập trung giải phóng mặt bằng một cách bài bản ở Khu công nghiệp Nam Cấm, Khu công nghiệp WHA 1 rộng 497 ha, các dự án hạ tầng ở khu kinh tế Đông Nam cùng các dự án liên quan khác. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nghi Lộc Nguyễn Bá Điệp, trong năm 2024, huyện đã hoàn thành giải phóng mặt bằng ở các dự án quan trọng như tuyến đường ven biển; vận động thành công 17 hộ giáo dân tại xã Nghi Hưng bàn giao mặt bằng đất nông nghiệp tại Khu công nghiệp WHA; vận động 218 hộ dân tại Khu công nghiệp Nam Cấm nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, bàn giao mặt bằng 66,8 ha đất nông nghiệp, giải quyết dứt điểm vướng mắc từ năm 2007 đến nay...
Không chỉ Nghi Lộc mà các địa phương nằm trong Khu kinh tế Đông Nam, như: Diễn Châu, Hoàng Mai, Quỳnh Lưu… đều xem công tác giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Nhờ đó, các nhà đầu tư khu công nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam như VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt đều đẩy nhanh tiến độ xây dựng đồng bộ hạ tầng khu công nghiệp đạt chuẩn quốc tế, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư thứ cấp. Trong năm 2024, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp ở Nghệ An ước đạt hơn hai nghìn tỷ đồng.
Là nhà đầu tư khu công nghiệp lớn nhất Nghệ An ở thời điểm hiện nay, Tổng Giám đốc Công ty TNHH VSIP Nghệ An Teng Wei Hong chia sẻ, Nghệ An đã chuẩn bị những điều kiện tốt nhất và đồng hành cùng nhà đầu tư, giúp chúng tôi thu hút thành công nhiều nhà sản xuất hàng đầu thế giới trong lĩnh vực điện tử, cơ khí chính xác và thiết bị thông minh. Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu từ các doanh nghiệp sản xuất tại khu công nghiệp đạt 950 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với năm 2023. Khu công nghiệp VSIP Nghệ An tại huyện Hưng Nguyên đạt tỷ lệ lấp đầy hơn 90%. Hiện tại, 23.000 lao động địa phương đang làm việc trong khu công nghiệp và dự kiến hai năm tới, sẽ tăng lên 35.000 lao động.
Trưởng ban Khu kinh tế Đông Nam Lê Tiến Trị cho biết, nhờ làm tốt “5 sẵn sàng” nên đã thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư đến với Nghệ An. Năm 2024, Khu kinh tế Đông Nam đã thu hút cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 40 dự án với tổng số vốn hơn 41 nghìn tỷ đồng, chiếm 68% tổng vốn đầu tư đăng ký trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó có 29 dự án FDI cấp mới và điều chỉnh tăng vốn với tổng số vốn gần 1,65 tỷ USD.
SẴN SÀNG “CẤT CÁNH”
Hiện nay, môi trường đầu tư được tỉnh Nghệ An tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất và hiệu quả, với phương châm “5 sẵn sàng”, cơ chế “một cửa tại chỗ”, sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của các cấp, ngành được các nhà đầu tư ghi nhận, đánh giá cao. Từ “vùng trũng” thu hút vốn FDI, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, đến nay, Nghệ An thu hút được 169 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 5,7 tỷ USD. Trong ba năm qua, thu hút vốn FDI ở Nghệ An lọt vào tốp đầu toàn quốc. Hai năm 2023 và 2024, Nghệ An liên tiếp thu hút lần lượt hơn 1,6 và 1,75 tỷ USD. Hiện, các khu công nghiệp Hoàng Mai I, WHA giai đoạn I và VSIP giai đoạn I đều đạt tỷ lệ lấp đầy hơn 90% và đang trong quá trình mở rộng giai đoạn tiếp theo. Toàn tỉnh đã thành lập bảy khu công nghiệp với tổng diện tích 2.388 ha, phấn đấu đến năm 2028, thu hút được hơn 10 tỷ USD vốn FDI.
Theo Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Lê Tiến Trị, để đạt được những thành quả nêu trên, ngoài tăng tốc xây dựng hạ tầng đồng bộ, sẵn sàng mặt bằng sạch, tỉnh Nghệ An cùng Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số theo tinh thần đồng hành hiệu quả với nhà đầu tư. Cùng với đó, ưu tiên thu hút đầu tư, triển khai các dự án hạ tầng xã hội trong khu kinh tế. Đến nay, khu kinh tế đã chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư 10 dự án nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân. Các nhà đầu tư như Luxshare, Everwin, Ju Teng đang triển khai xây dựng nhà lưu trú công nhân nhằm chủ động đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho người lao động đến làm việc.
Phát huy những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An Bùi Thanh An yêu cầu, thời gian tới, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam với vai trò đầu mối chủ đạo, tiếp tục phát huy và chuẩn bị ngày càng tốt hơn yêu cầu “5 sẵn sàng” để thu hút đầu tư, nhất là nguồn vốn FDI. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị; Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các cơ chế, chính sách đặc thù theo các nghị quyết của Quốc hội. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành phê duyệt Đề án mở rộng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, hoàn thành thủ tục, triển khai thực hiện các dự án trọng điểm: Cảng nước sâu Cửa Lò, nhà máy LNG Quỳnh Lập.
Đề án mở rộng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An có diện tích lên đến 104.270 ha thuộc địa bàn 10 huyện, thị xã, thành phố đang được Trung ương phê duyệt. Năm 2025, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam dự kiến hoàn thành phê duyệt 5-7 đồ án quy hoạch phân khu các khu công nghiệp, khu chức năng theo điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam đến năm 2040; thành lập mới 2-4 khu công nghiệp với quy mô khoảng 900 ha. Thu hút đầu tư 20-25 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 20.000- 25.000 tỷ đồng; trong đó, vốn đầu tư FDI hơn một tỷ USD. Thu ngân sách trong khu kinh tế, khu công nghiệp đạt 3.000-3.500 tỷ đồng; giải quyết việc làm mới cho khoảng 40.000 lao động.