Những "cú chạm" mới mẻ, giàu cảm xúc

“Con thích lắm”, “em muốn xem thêm lần nữa”, “em thấy vừa vui vừa xúc động”… Đó là một vài trong số những cảm nhận của những khán giả nhỏ tuổi, sau 60 phút hòa tâm trí vào Một thời hoa lửa, ra mắt ngày 25/4 vừa qua, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Đây là chương trình giáo dục trải nghiệm lịch sử mới nhất của Bảo tàng này về đóng góp của các bà, các mẹ, các chị vào hai cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Hình ảnh chị thanh niên xung phong năm xưa được tái hiện thật gần gũi trong chương trình Một thời hoa lửa, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Hình ảnh chị thanh niên xung phong năm xưa được tái hiện thật gần gũi trong chương trình Một thời hoa lửa, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Trải nghiệm đa phương tiện và đa giác quan

Một thời hoa lửa dẫn khán giả ngược trở lại thời kháng chiến chống Pháp với tấm gương chị Võ Thị Sáu, người con gái quê hương Đất Đỏ, Bà Rịa tham gia cách mạng khi mới 14 tuổi. Tiếp đó là tới thời kỳ kháng chiến chống Mỹ với nhiều câu chuyện về tình mẫu tử thiêng liêng, tình cảm gia đình, những băn khoăn rất đời thường của bà mẹ Việt Nam có chồng đã hy sinh, con trai đang ở chiến trường, con gái 16, 17 tuổi đẹp xinh lại tiếp tục mong muốn được tham gia đội quân thanh niên xung phong, góp sức nơi tiền tuyến để đất nước sớm được hòa bình, thống nhất. Đan cài trong phân đoạn dài này là câu chuyện về bác sĩ Đặng Thùy Trâm, về tình người giữa đạn bom, về những nỗi sợ rất con gái của các chị thanh niên xung phong, sợ ma, sợ vắt, sợ cảnh sau mỗi trận bom, đi vá đường, lại chạm phải mảnh thân thể của đồng đội vừa hy sinh…

Một thời hoa lửa là chương trình trải nghiệm lịch sử tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam dành riêng cho khán giả nhỏ tuổi, thuộc các cấp học phổ thông. Để chuyển tải được khối lượng nội dung lớn trong vỏn vẹn một giờ đồng hồ, đội ngũ sáng tạo nội dung này đã tính toán phương thức hòa quyện nhiều loại hình trình diễn trong chương trình: hát, kể chuyện, diễn kịch. Bên cạnh đó, thủ pháp tái hiện, đồng hiện được sử dụng khá sáng tạo, khiến khán giả có nhiều lúc cảm thấy như đang ở giữa núi rừng Trường Sơn, khi bom đạn tạm ngưng, các chị thanh niên xung phong vui kể chuyện, tâm sự về bản thân, xóa nhòa khoảng cách giữa người xem với sân khấu, với quá khứ lịch sử. Khoảnh khắc xúc động là khi nhân vật dẫn chuyện mời cả khán phòng đứng lên, đặt tay lên ngực trái, dành một phút mặc niệm 10 cô gái thanh niên xung phong-liệt sĩ ở Ngã ba Đồng Lộc; 10 khung ảnh chân dung các cô treo trên tường bật sáng lên giữa không khí trầm lặng. Lúc này, một số khán giả đã không ngăn nổi dòng nước mắt.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, khi trao đổi với phóng viên Nhân Dân cuối tuần, tin tưởng rằng, “cũng là những cú chạm nhưng thay vì chạm vào màn hình điện thoại thông minh, các em học sinh sẽ chạm vào quá khứ lịch sử của đất nước qua những hình ảnh gần gũi, những câu chuyện chân thật đời thường của các bà, các chị qua Một thời hoa lửa. Cảm xúc mới mẻ sẽ được nuôi dưỡng và thúc đẩy các em tiếp tục quan tâm, tìm hiểu lịch sử quê hương, đất nước”.

“Thăm” bảo tàng ngay nơi sân trường

Bên cạnh Bảo tàng phụ nữ Việt Nam, một bảo tàng chuyên ngành về giới nữ ở nước ta là Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cũng đang có bước chuyển mạnh mẽ trong phương thức tiếp cận công chúng trẻ. Song hành với trưng bày thường xuyên và nhiều chương trình chuyên đề diễn ra tại chỗ, xu hướng nổi bật của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ là mở rộng hoạt động ngoài không gian trưng bày truyền thống. Bảo tàng chủ động kết nối với trường học, ở mọi cấp học, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, qua chương trình Đưa bảo tàng về với học đường.

Những "cú chạm" mới mẻ, giàu cảm xúc ảnh 1
Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đưa câu chuyện và hình ảnh về Áo dài xưa và nay đến với học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh, trong tháng 3/2025.

Mỗi chương trình ngoại khóa sáng tạo nơi sân trường đem tới cho các em nhiều trải nghiệm thông tin lịch sử riêng có và cũng rất gần gũi, ấm áp, nhiều cảm xúc. Chương trình còn có nhiều lớp thông tin dễ tiếp cận cho các em học sinh từ lứa tuổi tiểu học đến trung học phổ thông, tiêu biểu như chuyên đề nói chuyện về Phụ nữ miền nam qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; các chuyên đề về Lịch sử chiếc áo dài Việt Nam, Áo dài Việt Nam xưa và nay… Buổi sinh hoạt chuyên đề này có khi được lồng ghép trong chương trình sinh hoạt dưới cờ vào thứ hai đầu tuần, đan xen với triển lãm ảnh, nói chuyện, hỏi-đáp, tặng sách cho thư viện trường, trình diễn thời trang áo dài của chính các em học sinh… Tất cả hòa quyện, cùng tạo một không gian thú vị để trải nghiệm, giúp học sinh dễ tiếp thu kiến thức hơn. Bảo tàng còn phối kết hợp với các trường đại học để thực hiện trưng bày lưu động, mà gần đây nhất là triển lãm ảnh Huyền thoại đội quân áo dài, tại Trường đại học Ngoại ngữ-Tin học Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 14 đến 21/4/2025.

Theo đại diện của Bảo tàng, trong bối cảnh phát triển chung của xã hội hiện nay, bảo tàng không còn là không gian khép kín, chỉ dành cho các nhà nghiên cứu hay người yêu thích lịch sử mà ngày càng đóng vai trò là thiết chế giáo dục mở, linh hoạt, hướng đến đa dạng đối tượng công chúng. Những hoạt động này không chỉ giúp học sinh, sinh viên dễ dàng tiếp cận với các giá trị văn hóa, lịch sử mà còn gợi mở sức hấp dẫn của Bảo tàng đối với các em, thu hút các em trở lại Bảo tàng. Trong tháng 4/2025, Bảo tàng đón 3.870 khách thuộc 20 đoàn tham quan, trong đó riêng học sinh, sinh viên là 1.216 em.

Những giờ trải nghiệm lịch sử ngắn ngủi nhưng tràn đầy cảm xúc với hai bảo tàng chuyên ngành về giới nữ đã cho thấy: Việc tìm cách đa dạng hóa phương thức hoạt động để phát huy thế mạnh thông tin và tư liệu đặc thù của bảo tàng là thách thức mà cũng là cơ hội sáng tạo, cơ hội xoay chuyển từ thế bị động sang chủ động đồng hành với công chúng, nhất là thế hệ trẻ.