Nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm

Sáu tháng đầu năm 2025, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng. Để đạt chỉ tiêu phát triển đã được Chính phủ giao và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố đặt ra Thành phố cần nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại.

Cầu Bình Khánh bắc qua sông Soài Rạp (thuộc dự án đường cao tốc Bến Lức-Long Thành) đã hợp long vào cuối tháng 6/2025, đang được hoàn thiện và dự kiến được khánh thành vào tháng 9/2025. (Ảnh THẾ ANH)
Cầu Bình Khánh bắc qua sông Soài Rạp (thuộc dự án đường cao tốc Bến Lức-Long Thành) đã hợp long vào cuối tháng 6/2025, đang được hoàn thiện và dự kiến được khánh thành vào tháng 9/2025. (Ảnh THẾ ANH)

Theo Ủy ban nhân dân Thành phố, sau khi hợp nhất địa giới, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong nửa đầu năm nay chỉ tăng khoảng 7,49% so với cùng kỳ năm 2024 (không tính dầu thô), thấp hơn mức cần thiết để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm.

ĐẨY MẠNH CÁC ĐỘNG LỰC TRUYỀN THỐNG

Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Nếu tính theo chỉ tiêu Chính phủ giao cho các địa phương trước khi hợp nhất, Thành phố cần đạt mức tăng trưởng GRDP cả năm 2025 khoảng 8,92%. Với kết quả 7,49% trong sáu tháng đầu, tốc độ tăng trưởng sáu tháng cuối phải đạt 10,25%”. Đáng chú ý, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố trước hợp nhất đặt mục tiêu GRDP tăng trưởng hai con số.

Như vậy, GRDP của Thành phố trong nửa cuối năm phải đạt từ 11% đến 12,5%. “Đây là thách thức rất lớn, đòi hỏi Thành phố phải tập trung cao độ, triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy sản xuất, đầu tư, tiêu dùng, đồng thời kiểm soát tốt chỉ số giá tiêu dùng (CPI)”, ông Hoàng nhấn mạnh. CPI của Thành phố trong sáu tháng đầu năm đã tăng 4,44%, ảnh hưởng trực tiếp đến sức mua, chi phí sản xuất và tốc độ tăng trưởng GRDP.

Vì vậy, ưu tiên trước mắt là đẩy mạnh các động lực tăng trưởng truyền thống, đặc biệt là đầu tư công, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn để duy trì sản xuất. Đối với đầu tư công, để tỷ lệ giải ngân năm 2025 có thể đạt 100% kế hoạch, theo Sở Tài chính Thành phố, cần phát huy tối đa vai trò của Tổ Công tác thúc đẩy giải ngân các dự án trọng điểm. Thành phố sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo rút ngắn 30% thời gian xử lý thủ tục liên quan các dự án, siết chặt kỷ luật giải ngân, xử lý nghiêm trường hợp chậm tiến độ do nguyên nhân chủ quan.

Sở Tài chính dự kiến xây dựng danh mục dự án trọng điểm với nguồn vốn lớn, đồng thời phân bổ chỉ tiêu giải ngân cụ thể cho từng đơn vị, từng dự án. Tiến độ giải ngân sẽ được báo cáo hằng tuần lên Ủy ban nhân dân Thành phố để kịp thời tháo gỡ vướng mắc. Bên cạnh đó, Thành phố sẽ thu hồi vốn đã bố trí cho những dự án không triển khai đúng kế hoạch, chưa thật sự cấp thiết hoặc hiệu quả thấp.

Nguồn lực ngân sách sẽ ưu tiên cho các công trình kết nối vùng, dự án hạ tầng then chốt, góp phần tạo động lực tăng trưởng dài hạn. Ngoài ra, Thành phố đặt mục tiêu giải quyết 50% số công trình, dự án tồn đọng thuộc thẩm quyền Trung ương và 100% số dự án thuộc thẩm quyền thành phố ngay trong năm 2025, thông qua Kế hoạch chi tiết xử lý vướng mắc đã được ban hành.

TĂNG CƯỜNG HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP, NHÀ ĐẦU TƯ

Ông Nguyễn Công Vinh, Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Trong những tháng cuối năm, Thành phố sẽ cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tưkinh doanh.”

Theo đó, Sở Tài chính sẽ phối hợp các đơn vị liên quan rà soát, bãi bỏ 30% số điều kiện kinh doanh không cần thiết, tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, rút ít nhất 30% thời gian xử lý và giảm 30% chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Toàn bộ quy trình thủ tục hành chính liên quan doanh nghiệp sẽ được thực hiện trên môi trường điện tử, bảo đảm thông suốt, minh bạch. Thành phố cũng triển khai các chính sách thúc đẩy kinh tế tư nhân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời cải thiện chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.

Danh mục dự án thu hút đầu tư cũng được rà soát, cập nhật, với trọng tâm là xác định rõ các tiêu chí về đất đai, quy hoạch, hình thức đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư và thu hút mạnh mẽ hơn nguồn vốn trong và ngoài nước. Theo ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước- Chi nhánh Khu vực 2, ngành ngân hàng đang xây dựng cơ chế chia sẻ dữ liệu liên thông giữa hệ thống ngân hàng, cơ quan thuế và các đơn vị quản lý khác để đánh giá chính xác “sức khỏe” tài chính của doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Đây là cơ sở để tăng cường cho vay vốn tín dụng, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ sản xuất.

Song song đó, Sở Công thương Thành phố tập trung triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và sản phẩm công nghiệp tiềm năng giai đoạn 2021-2025. Các chính sách hỗ trợ lãi suất cho dự án thuộc bốn ngành công nghiệp trọng điểm và công nghiệp hỗ trợ cũng sẽ được đẩy mạnh. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (Huba), nhấn mạnh: “Huba sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó rủi ro thị trường, đặc biệt trước các chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ.

Một nhiệm vụ quan trọng là minh bạch hóa nguồn gốc hàng hóa, tách bạch hàng trung chuyển với hàng xuất khẩu thuần Việt Nam, nhằm tận dụng các ưu đãi thuế quan và mở rộng thị trường xuất khẩu, kể cả thị trường ngách tiềm năng”. Ông Hòa cũng kiến nghị Thành phố mở rộng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 (của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh) và Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND (của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc hỗ trợ lãi suất đối với các dự án được Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước Thành phố cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn Thành phố) cho cả các doanh nghiệp thuộc khu vực Bình Dương và Bà Rịa- Vũng Tàu trước đây; đồng thời bổ sung thêm lĩnh vực mới để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất.

Có thể bạn quan tâm

back to top