Ứng dụng công nghệ trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân

Sau gần một tháng triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp, bộ máy hành chính từ các phường trung tâm tới những xã, đặc khu xa xôi của Thành phố Hồ Chí Minh cơ bản đi vào hoạt động ổn định, bảo đảm vận hành thông suốt, hiệu quả, được người dân ghi nhận tích cực. 

Phường An Khánh đã đưa hai robot vào hoạt động tại Trung tâm Phục vụ hành chính công để hỗ trợ cán bộ xử lý công việc.
Phường An Khánh đã đưa hai robot vào hoạt động tại Trung tâm Phục vụ hành chính công để hỗ trợ cán bộ xử lý công việc.

Đây là tiền đề quan trọng để thành phố tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng phục vụ, nhất là trong bối cảnh nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính và dịch vụ công ngày càng tăng cao.

ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ

Đánh giá bước đầu, bà Võ Thị Trung Trinh, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Hệ thống phần mềm dùng chung của thành phố vận hành ổn định, đáp ứng yêu cầu công việc của các đơn vị. Kết quả này có được là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, theo sát quá trình triển khai của lãnh đạo thành phố, đồng thời là thành quả của quá trình chuẩn bị hạ tầng số từ sớm.

Các nền tảng công nghệ quan trọng như hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, giải quyết thủ tục hành chính, quản lý văn bản và điều hành, cũng như hệ thống phản ánh kiến nghị 1022 được triển khai đồng bộ, giúp công tác điều hành và tiếp nhận thông tin diễn ra kịp thời. Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị cùng tinh thần chủ động, trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ, nhất là ở cấp phường, xã, đặc khu đã góp phần quan trọng vào việc ổn định vận hành mô hình mới. “Nhiều phường, xã đã có cách làm sáng tạo, như xây dựng Trung tâm Hành chính công cấp xã với không gian hiện đại, trang bị kiosk (ki-ốt) thông minh, thậm chí có robot hỗ trợ phục vụ người dân”, bà Trinh nhấn mạnh.

Tại phường An Khánh, nơi có dân số đông và khối lượng hồ sơ cần giải quyết lớn, mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Đồng chí Nguyễn Xuân Quỳnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, kiêm Giám đốc Trung tâm cho biết: “Mỗi ngày, Trung tâm tiếp nhận hơn 200 hồ sơ, phần lớn liên quan tư pháp hộ tịch, giấy phép kinh doanh, điều chỉnh thông tin trên giấy đăng ký kinh doanh.

Chúng tôi tổ chức báo cáo định kỳ, kịp thời khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng phục vụ”. Để đáp ứng yêu cầu công việc, phường đã đầu tư hệ thống máy tính cấu hình cao, đường truyền internet mạnh, bố trí thêm máy tính để người dân tự thao tác khi cần nộp hồ sơ trực tuyến, điểm đáng chú ý là việc đưa vào sử dụng hai robot hỗ trợ. “Robot giúp hướng dẫn lấy số thứ tự, tra cứu thông tin, tiếp nhận kiến nghị, trả lời câu hỏi về thủ tục, thậm chí phục vụ nước, bánh cho người dân.

Nhờ vậy, cán bộ có thêm thời gian xử lý chuyên môn”, ông Quỳnh chia sẻ. Thời gian tới, phường dự kiến ứng dụng thêm trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu quy trình, đồng thời phát triển phần mềm quản lý phù hợp với thực tiễn hiện nay.

ĐẦU TƯ CƠ SỞ HẠ TẦNG, HỖ TRỢ VÙNG XA

Không chỉ ở khu vực trung tâm, các địa phương xa như xã Hòa Hiệp (địa bàn nằm xa trung tâm nhất về phía đông, tiếp giáp tỉnh Lâm Đồng) hay đặc khu Côn Đảo cũng đang triển khai tốt nền tảng số dùng chung. Hồ sơ hành chính của người dân, doanh nghiệp được giải quyết kịp thời, khắc phục tình trạng chậm trễ trước đây. Đây là lợi thế khi những địa phương này giữ nguyên địa giới, bộ máy quản lý không thay đổi lớn, cho nên việc chuyển sang mô hình chính quyền hai cấp diễn ra thuận lợi.

Tuy vậy, khó khăn vẫn tồn tại. Đồng chí Nguyễn Kỳ Nhân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hòa Hiệp cho biết: “Là xã xa trung tâm, điều kiện cơ sở hạ tầng còn hạn chế, nhất là thiết bị công nghệ và hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, chúng tôi đã kiến nghị Thành phố bổ sung danh mục đầu tư, nhất là cho lĩnh vực nông nghiệp, thế mạnh của địa phương”. Tại Côn Đảo, ông Phan Trọng Hiền, Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Một số trang thiết bị công nghệ, hệ thống mạng nội bộ chưa đáp ứng tốt yêu cầu vận hành phần mềm quản lý văn bản, xử lý hồ sơ.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cấp cơ sở vật chất, đồng thời tăng cường đào tạo kỹ năng công nghệ cho đội ngũ cán bộ để bảo đảm phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn”. Nhằm khắc phục tình trạng nêu trên, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản yêu cầu các địa phương bố trí đủ nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất cho Trung tâm Phục vụ hành chính công và bộ phận một cửa, phù hợp với khối lượng công việc thực tế. Những lĩnh vực có số lượng hồ sơ lớn như đất đai, xây dựng, hộ tịch cần được ưu tiên, tránh tình trạng quá tải.

Cùng với đó, Thành phố chỉ đạo đẩy mạnh số hóa hồ sơ, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, thực hiện nghiêm quy trình tiếp nhận và trả kết quả, mục tiêu là bảo đảm mọi người dân, doanh nghiệp đều được phục vụ nhanh chóng, minh bạch, đúng hẹn.

Có thể bạn quan tâm

back to top