Tạo sức hút mới cho Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh

Gần 10 năm kể từ khi hình thành, Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh (nằm tại đường Nguyễn Văn Bình) đã trở thành điểm đến văn hóa đặc sắc, không chỉ là nơi mua bán sách mà còn là không gian gặp gỡ, trải nghiệm và gắn kết cộng đồng yêu sách, góp phần nuôi dưỡng văn hóa đọc.

Không gian xanh mát tại Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh MẠNH HẢO)
Không gian xanh mát tại Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh MẠNH HẢO)

Tuy nhiên, đường sách đang đứng trước một khúc quanh quan trọng: Tiếp tục duy trì vị thế hay dần trở nên mờ nhạt giữa những thay đổi trong thị hiếu và hành vi tiêu dùng mới?

SÁCH BÁN RA CHỮNG LẠI

Dù lượng khách đến Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh tăng nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch sau đại dịch, nhưng sức mua sách lại có dấu hiệu chững lại. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng doanh thu toàn đường sách đạt hơn 31 tỷ đồng, tăng 8,63% so với cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên, số lượng sách bán ra chỉ đạt 339.376 bản, giảm gần 1.000 bản so với năm 2024, còn số đầu sách mới phát hành chỉ đạt 1.108 tựa, giảm tới hơn 800 tựa so với cùng kỳ.

Riêng doanh thu từ mảng sách thiếu nhi, một phân khúc chủ lực cũng giảm đến 12,75%. Ông Lê Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh, thẳng thắn nhìn nhận: “Người tiêu dùng không còn đơn thuần tìm mua sản phẩm, họ tìm kiếm những trải nghiệm, những cảm xúc gắn với sản phẩm”. Câu chuyện mua sách giờ đây không còn là mục tiêu chính sau khi người đọc đã được thỏa mãn bởi những giá trị khác như workshop, tọa đàm, chụp ảnh hay thư giãn trong không gian văn hóa.

Việc mua sách có thể chỉ là hoạt động kèm theo, phát sinh nếu có đầu sách nào thật sự thu hút họ. Đáng chú ý, trong tổng số 212 hoạt động tổ chức tại đường sách nửa đầu năm 2025, chỉ có 49 chương trình liên quan trực tiếp đến sách. Sự sa sút này phản ánh vai trò chủ động của các gian hàng trong việc tổ chức hoạt động đang bị thu hẹp. Thực tế này đặt ra một thách thức lớn: Làm sao để duy trì tính sôi động của đường sách mà không làm lu mờ bản chất văn hóa cốt lõi? Bài toán đặt ra là: Đường sách phải được "làm mới" cả về hình thức lẫn nội dung để tiếp tục trở thành điểm hẹn văn hóa hấp dẫn trong lòng thành phố.

CẦN TẠO SỨC HÚT MỚI CHO ĐƯỜNG SÁCH

Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh hiện là một trong 100 điểm đến thú vị của thành phố, nơi thu hút nhiều du khách nước ngoài đến tham quan, mua sắm. Ông Trần Thanh Việt, Phó trưởng Phòng Kinh doanh Nhà xuất bản Trẻ cho rằng: “Đường sách nên tổ chức nhiều hoạt động về đêm hơn nữa để phục vụ khách du lịch”. Những chương trình “giờ vàng” vào buổi tối, các ưu đãi giảm giá hay tặng voucher sách sẽ giúp đường sách trở nên sôi động và thu hút hơn, nhất là trong các khung giờ ít khách.

Cùng quan điểm, ông Lê Văn Thành, Giám đốc chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Kim Đồng, đề xuất cần làm mới cổng chào của đường sách sao cho hài hòa với tính nghệ thuật và sáng tạo vốn có của không gian này. Ngoài ra, việc tổ chức các sự kiện gắn với lễ hội, mùa du lịch hoặc các chủ đề thời sự văn hóa, giáo dục cũng có thể tạo hiệu ứng lan tỏa tốt trong cộng đồng. Công ty TNHH Đường sách cũng đang triển khai hàng loạt kế hoạch cải tạo không gian như bố trí góc check-in, chỉnh trang ánh sáng tại khu vực sách cũ, mở rộng mảng xanh, đặc biệt là dự án cải tạo sân chơi thiếu nhi, lát sàn khu vực nghỉ chân, thay mới mái che các gian hàng…

Không chỉ dừng ở việc cải tạo vật lý, điều quan trọng hơn là đường sách phải định vị lại vai trò trong hệ sinh thái văn hóa của thành phố. Ông Trịnh Hữu Anh, Phó Trưởng phòng Báo chí-Xuất bản, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh ba trụ cột phát triển cần giữ vững: Không gian văn hóa đọc; sân chơi của tác giả-nhà xuất bản và điểm trải nghiệm của du khách. “Chúng ta cần làm mới các gian hàng, thay đổi phương thức tiếp cận để tạo hứng thú đọc sách, đặc biệt với giới trẻ và thiếu nhi”, ông Trịnh Hữu Anh chia sẻ.

Đây không chỉ là vấn đề kinh doanh mà còn là trách nhiệm trong bảo tồn và phát triển văn hóa đọc. Nhiều gian hàng đã chủ động thích ứng với xu hướng mới. Chị Đinh Thị Ngọc Trâm, chủ tiệm "Sách cũ cô Chi" chia sẻ kinh nghiệm: “Chúng tôi thường tổ chức tô tượng cho thiếu nhi, quay video để quảng bá gian hàng và đường sách. Những hình thức này thu hút giới trẻ rất tốt, đồng thời góp phần lan tỏa tình yêu sách”.

Những sáng kiến nhỏ như vậy, nếu được nhân rộng, sẽ góp phần tạo ra sức sống mới cho toàn bộ không gian đường sách. Sự chuyển dịch hành vi tiêu dùng sách từ “sở hữu” sang “trải nghiệm” đang là xu hướng toàn cầu. Vì vậy, Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh không thể tiếp tục vận hành theo cách cũ. Sự kết hợp giữa văn hóa-công nghệ -dịch vụ-cộng đồng sẽ là hướng đi tất yếu để duy trì sức hút lâu dài.

Đường sách cần được nhìn nhận như một không gian sáng tạo chứ không chỉ là một “khu chợ sách” truyền thống. Với sự vào cuộc quyết liệt từ cơ quan quản lý, cùng nỗ lực đổi mới từ các đơn vị xuất bản và doanh nghiệp, Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh có thể bước qua giai đoạn thử thách này, tiếp tục khẳng định vai trò là biểu tượng văn hóa sống động của đô thị sáng tạo.

Có thể bạn quan tâm

back to top