Cùng suy ngẫm:

Ổn định đời sống người dân vùng lũ

Bão số 3 và hoàn lưu sau bão vừa qua đã gây ra mưa lớn, ngập lụt tại nhiều địa phương, khiến sản xuất nông nghiệp, nhà ở, tài sản của người dân các địa phương khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ bị thiệt hại nặng nề.

Chi đoàn Đồn Biên phòng Tri Lễ, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tri Lễ, Nghệ An và Đội sinh viên tình nguyện 2518 Trường Đại học Vinh đến các điểm bị ảnh hưởng bởi lũ lụt hỗ trợ bà con nhân dân sớm ổn định cuộc sống. (Ảnh: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An)
Chi đoàn Đồn Biên phòng Tri Lễ, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tri Lễ, Nghệ An và Đội sinh viên tình nguyện 2518 Trường Đại học Vinh đến các điểm bị ảnh hưởng bởi lũ lụt hỗ trợ bà con nhân dân sớm ổn định cuộc sống. (Ảnh: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An)

Hiện nay, Trung ương, các địa phương, đơn vị đang tập trung hỗ trợ nhân dân vùng bị ảnh hưởng của bão, lũ, tuy nhiên sẽ phải mất nhiều thời gian, công sức mới có thể khôi phục, bảo đảm đời sống nhân dân tại khu vực này.

Trước khi bão đổ bộ, các khu vực miền núi phía bắc, trung du và Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ đã gieo trồng hơn 1,1 triệu ha lúa, hoa màu. Do mưa lớn cho nên có thời điểm diện tích lúa bị ngập hơn 119 nghìn ha, trong đó các địa phương như: Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa bị ảnh hưởng nặng nhất. Nhằm chủ động ứng phó, các địa phương, đơn vị thủy lợi đã vận hành hàng trăm máy trạm bơm để tiêu, thoát nước cứu lúa. Tuy nhiên, đến sáng 25/7, ở các địa phương vẫn còn 54.415 ha lúa bị ngập.

Không chỉ ảnh hưởng nặng nề đối với sản xuất nông nghiệp, bão số 3 và mưa hoàn lưu sau bão cũng khiến hàng nghìn nhà dân bị hư hỏng, nhiều khu vực đến nay vẫn còn bị cô lập, hàng chục nghìn hộ dân bị ảnh hưởng. Với tinh thần tương thân, tương ái, ngay sau mưa, bão, lũ, các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân đã ủng hộ tiền, nhu yếu phẩm, tiếp tế lương thực, thực phẩm cho nhân dân vùng bị thiên tai, nhất là những khu dân cư bị chia cắt. Đồng thời, chính quyền và nhân dân các địa phương đang khẩn trương khắc phục hậu quả lũ, lụt theo phương châm “nước rút đến đâu, dọn dẹp đến đó”.

Để ổn định đời sống nhân dân vùng bị ảnh hưởng do mưa, lũ, thời gian tới, chính quyền địa phương cần quyết liệt tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn, nhất là những khu vực có nguy cơ mất an toàn; huy động lực lượng hỗ trợ thau rửa, sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp bùn đất, rác bẩn; bảo đảm cung ứng đầy đủ nhu yếu phẩm, nguồn nước sạch. Đồng thời, nhanh chóng khôi phục hệ thống thông tin liên lạc, cơ sở hạ tầng như: Giao thông, điện, nước…; kiểm soát chặt chẽ, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng găm hàng, tăng giá trục lợi. Mặt khác, có biện pháp hỗ trợ phù hợp khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm, sinh kế của người dân.

Các địa phương, đơn vị cần tiếp tục huy động tổng lực trạm bơm tiêu, thoát nước, khôi phục sản xuất, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của mưa, bão. Chủ động giúp nhân dân vệ sinh đồng ruộng, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để tái sản xuất.

Đối với những diện tích lúa bị ngập không có khả năng hồi phục cần sử dụng lượng mạ dự phòng gieo cấy lại; những diện tích lúa có khả năng hồi phục, khi tiêu nước hết cần làm sạch lá tạo thuận lợi cho quang hợp, sinh trưởng, phát triển.

Đặc biệt, trong và sau lũ, lụt, nguồn nước, thực phẩm, điều kiện vệ sinh không bảo đảm, nguy cơ tiềm ẩn nhiều dịch bệnh..., do đó, ngành y tế cần bảo đảm thực hiện tốt chăm sóc sức khỏe nhân dân, phun hóa chất tiêu độc khử trùng môi trường, biện pháp xử lý nguồn nước sinh hoạt, bảo đảm phòng chống dịch, bệnh. Trường hợp các nguồn cấp nước bị ô nhiễm cần được lọc và khử trùng trước khi sử dụng theo đúng hướng dẫn của ngành y tế; không sử dụng thực phẩm đã tiếp xúc với nước lũ hoặc thực phẩm bị hư hỏng.

Có thể bạn quan tâm