Tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

PHÁT HUY TINH THẦN ĐỘC LẬP, TỰ CHỦ, TỰ LỰC, TỰ CƯỜNG

Hồ Chí Minh nói: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”. Tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường xuyên suốt trong tư tưởng cách mạng Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên giá trị, nhất là khi Đảng ta đang hướng tới kỳ đại hội quan trọng, mở ra kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. (Ảnh Duy Linh)
Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. (Ảnh Duy Linh)

Từ tư tưởng Hồ Chí Minh

Việt Nam, một nước đất không rộng, người không đông, nhưng trong quá trình hình thành và phát triển, luôn phải đương đầu với những đế quốc to, hùng mạnh hơn gấp nhiều lần. Trong điều kiện khắc nghiệt đó, để sinh tồn và chiến thắng, dân tộc Việt Nam luôn phải phát huy cao độ ý chí độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, tinh thần bất khuất, lòng tự tôn dân tộc.

Đây cũng là tư tưởng nhất quán, xuyên suốt quá trình hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh, được thể hiện không chỉ trong đấu tranh giành chính quyền mà cả trong kháng chiến chống xâm lược và xây dựng chế độ mới. Khi động viên toàn dân tích cực tham gia và ủng hộ kháng chiến, Người nói rõ: “Mỗi một người dân phải hiểu: có tự lập mới độc lập, có tự cường mới tự do”. Tư tưởng này đã biến thành chủ trương, đường lối của Đảng để huy động sức mạnh cả dân tộc vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, giải phóng dân tộc, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.

Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội là tất yếu, nhưng đó là một quá trình đấu tranh gay go, kịch liệt và lâu dài. Theo Hồ Chí Minh, thắng đế quốc và phong kiến là tương đối dễ; thắng bần cùng và lạc hậu còn khó hơn nhiều, vì vậy, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, ý chí độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường càng phải cao hơn. Người kết luận: Trước đây, nhân dân ta đã nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, trường kỳ kháng chiến, thì ngày nay chúng ta càng phải nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, cần kiệm xây dựng nước nhà.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường không mâu thuẫn mà luôn gắn bó với việc ra sức mở rộng, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế. Sự ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế giúp cho chúng ta đi tới mục tiêu thuận lợi hơn, nhanh hơn, không bao giờ thay thế cho sức lực và trí tuệ của dân tộc. Điều trở thành chân lý là chúng ta phải có thế, có lực thì bên ngoài mới ủng hộ, giúp đỡ và sự ủng hộ, giúp đỡ đó mới mang lại hiệu quả tích cực. Người chỉ rõ: Muốn người ta giúp cho thì trước hết mình phải tự giúp lấy mình.

Tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường mà Hồ Chí Minh đã chỉ ra cho Đảng và nhân dân là tinh thần được quán triệt và thực hiện trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh, bất kỳ khi chiến tranh hay lúc hòa bình cũng phải vững vàng, chủ động nghiên cứu, xem xét đánh giá tình hình, dự đoán những diễn biến sắp đến, căn cứ vào thực lực để chuẩn bị điều kiện, sắp xếp lực lượng tối ưu, hợp lý, sẵn sàng ứng phó, thực hiện các yêu cầu và nhiệm vụ lịch sử đặt ra.

Đến tinh thần trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIV của Đảng

Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã có được cơ đồ, vị thế, tiềm lực to lớn chưa từng có. Những thành tựu đáng tự hào này là sự hội tụ của nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến sức mạnh của tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường. Trên cơ sở đó, Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIV của Đảng đã nhấn mạnh đến việc khơi dậy mạnh mẽ tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng cống hiến của mọi người dân để khơi dậy động lực của đất nước, đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây chính là lời hiệu triệu, tạo ra một động lực lớn để đất nước phát triển.

Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng rất coi trọng việc đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế, tranh thủ tới mức cao nhất mọi sự ủng hộ, giúp đỡ của bên ngoài. Nhưng điều Đảng và Nhà nước Việt Nam đầu tư nhiều công sức và trí tuệ hơn là làm thế nào để phát huy đầy đủ các nguồn lực trong nước, bao gồm con người, đất đai, tài nguyên, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thực tế, mọi động lực phải thông qua động lực con người mới trở thành sức mạnh. Từ quan điểm của Hồ Chí Minh, “vô luận việc gì, đều do người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả”, Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIV của Đảng đã khẳng định: tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, đẩy mạnh thu hút và trọng dụng nhân tài, là một trong ba đột phá chiến lược.

Trong thế giới hội nhập và cạnh tranh hiện nay, hình thức cạnh tranh chủ yếu là cạnh tranh bằng tâm trí, bằng “chất xám”. Dân trí có mở và nâng cao thì xã hội mới phát triển và tiến bộ, đặc biệt khi nước ta đang xây dựng và phát triển nền kinh tế tri thức. Tuy nhiên, dân trí không phải tự nhiên mà có mà đó là sản phẩm của giáo dục, cho nên, phát triển giáo dục là một trong những giải pháp quan trọng để tăng cường sức mạnh của nội lực. Điểm mới trong Dự thảo lần này nhấn mạnh việc nâng cao dân trí, chất lượng đào tạo nhân lực, chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài; xây dựng mô hình xã hội học tập, học tập suốt đời.

Sức mạnh nội sinh của một dân tộc không phải là những điều bất biến. Do đó, để phát huy nội lực thì phải tiếp tục phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường - một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam được Hồ Chí Minh kế thừa, nâng lên một tầm cao mới, đang hiện hữu trong hành trang của Đảng và nhân dân ta bước vào kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu như tâm nguyện của Người và ước mong của toàn dân tộc ta.