Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Mạc Quốc Anh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, chia sẻ: “Đây là thời khắc đặc biệt để chúng ta cùng nhìn lại hành trình nỗ lực bền bỉ của dân tộc, đồng thời thắp lên khát vọng hành động vì một Việt Nam phát triển bền vững, thịnh vượng và hạnh phúc”.
Theo ông Mạc Quốc Anh, từ một quốc gia chịu nhiều hậu quả chiến tranh, Việt Nam đã vươn mình mạnh mẽ trong gần nửa thế kỷ qua. GDP bình quân đầu người đã tăng hơn 20 lần, từ khoảng 200 USD (1975) lên 4.284 USD (2023). Quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, thuộc nhóm đầu khu vực ASEAN. Đặc biệt, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97% tổng số doanh nghiệp đã khẳng định vai trò là trụ cột phát triển với mức đóng góp hơn 45% GDP và tạo ra khoảng 65% việc làm.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận: lạm phát duy trì dưới 4%, nợ công ở mức an toàn; kinh tế số đạt khoảng 14% GDP trong năm 2024 và được kỳ vọng cán mốc 20% vào năm 2025. Việt Nam cũng vươn lên đứng thứ hai trong ASEAN về chỉ số phát triển chính phủ điện tử.
![]() |
Tọa đàm “Kỷ nguyên mới-Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc”. |
“Không chỉ tập trung vào kinh tế, Việt Nam đang từng bước thực hiện các cam kết tăng trưởng xanh. Với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, nước ta đang ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, hướng tới tỷ trọng trên 70% công suất nguồn trong cơ cấu điện. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn dưới 3%, chỉ số hạnh phúc xếp hạng 65/146 quốc gia là minh chứng cho tiến bộ xã hội toàn diện”, ông Mạc Quốc Anh khẳng định.
Các ý kiến tham luận cũng cho rằng Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển nhờ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng, chính sách mở cửa hội nhập, tốc độ số hóa và lợi thế về dân số trẻ. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được kỳ vọng đạt 40-45 tỷ USD/năm giai đoạn 2025-2030. Các lĩnh vực như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, fintech, edtech và công nghệ y tế là “mũi nhọn” tiềm năng đưa Việt Nam vươn cao trên bản đồ công nghiệp công nghệ cao toàn cầu.

Đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên vươn mình
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, nếu không hành động quyết liệt, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là hiện hữu. Năng suất lao động hiện tại của Việt Nam mới chỉ bằng 62% của Thái Lan, và 11% so với Singapore. Ngoài ra, áp lực chuyển đổi xanh, biến đổi khí hậu, dân số già hóa và sự phân hóa giàu-nghèo giữa đô thị và nông thôn tiếp tục là những thách thức lớn.
Đáng chú ý, khảo sát năm 2024 cho thấy chỉ khoảng 26% doanh nghiệp nhỏ và vừa áp dụng các tiêu chuẩn quản trị quốc tế, cho thấy dư địa cải thiện còn rất lớn, đặc biệt khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu với các thị trường yêu cầu cao về ESG và trách nhiệm xã hội doanh nghiệp.
![]() |
Các đại biểu tham dự tọa đàm. |
Các tham luận tại tọa đàm cũng chỉ ra tầm nhìn phát triển quốc gia dựa trên ba trụ cột: Kinh tế tri thức và công nghiệp công nghệ cao; phát triển xanh và bền vững; văn hóa, con người và khát vọng vươn lên.
Ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh, để hiện thực hóa khát vọng phát triển, Việt Nam cần hình thành một liên minh hành động rộng rãi, trong đó Chính phủ là nhạc trưởng kiến tạo chính sách, doanh nghiệp là chủ thể hành động, đổi mới; ngân hàng, tài chính là nguồn lực phát triển; Viện nghiên cứu, trường đại học là nơi cung cấp trí tuệ và giải pháp, người dân và cộng đồng là người tiêu dùng có trách nhiệm, đồng thời là lực lượng giám sát xã hội.