Ứng dụng khoa học, công nghệ trong đóng tàu biển

Vận hành thử máy uốn vỏ tàu lớn nhất Đông Nam - Á tại Công ty công nghiệp tàu thủy Nam Triệu.
Vận hành thử máy uốn vỏ tàu lớn nhất Đông Nam - Á tại Công ty công nghiệp tàu thủy Nam Triệu.


Bước ngoặt phát triển

Ðến các đơn vị thành viên của VINASHIN trong những ngày này, chúng tôi có cảm giác đâu đâu cũng là công trường xây dựng, mở rộng nâng cấp và không khí lao động tự giác, khẩn trương. Một con đường rộng thênh thang đang được mở hướng thẳng tới Công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu. Phía trong nhà máy các đơn vị xây lắp đang hoàn chỉnh phần mái cho nhà khung thép cao khoảng 20 m, trong lòng rộng như một sân bóng đá. Nơi đây sẽ là mặt bằng đóng mới những con tàu có sức chở lớn. Phía cuối khu nhà là chiếc máy uốn tôn vỏ tàu hiện đại nhất khu vực Ðông - Nam Á, cao bằng tòa nhà hai tầng vừa được lắp dựng xong.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Giám đốc công ty cho chúng tôi biết: Ba, bốn năm trước, nếu các anh đến đây chỉ thấy bãi đất trống và đầm lầy. Sau nhiều tháng chuẩn bị mặt bằng, cán bộ kỹ thuật và chuyên gia nước ngoài đang thực hiện những công việc đầu tiên để lắp đặt cầu trục chạy trên ray nặng 80 tấn tại Nhà máy đóng tàu Sông Cấm.

Ðến Tổng công ty tàu thủy Việt Nam, nhìn vào đồ thị phát triển chúng tôi đã phần nào hiểu được tốc độ phát triển nhanh chóng của ngành đóng tàu nước ta nói chung và VINASHIN nói riêng trong thời gian qua. Năm 1965 với sự cố gắng lớn nước ta đóng thành công con tàu sức chở một nghìn tấn. Hai mươi bảy năm sau (năm 1992) đóng thành công con tàu sức chở 3.850 tấn. Nhưng đến năm 2000, đóng được tàu 6.500 tấn. Ðây được xem là thời điểm bước ngoặt phát triển của VINASHIN. Bởi chỉ hai năm sau (năm 2002) nước ta đã đóng được tàu sức chở 11.500 tấn.

Ðầu năm 2004, VINASHIN nhận đơn hàng đóng mới cho Công ty đầu tư Graig của Anh, 15 tàu chở hàng vỏ đôi sức chở 53 nghìn tấn. Và cuối năm nay VINASHIN sẽ thực hiện một dự án trọng điểm được Thủ tướng Chính phủ giao đó là khởi công đóng mới con tàu 100 nghìn tấn tại Dung Quất (Quảng Ngãi). Một con tàu có sức chở gấp một trăm lần con tàu nước ta đã đóng được vào năm 1965.

Tính đến năm 2004, tức là sau tám năm kể từ khi thành lập, VINASHIN đã có 63 đơn vị thành viên với hơn 15.600 cán bộ, công nhân viên. Doanh thu năm 2003 đạt 3,7 nghìn tỷ đồng, vượt 16,1% kế hoạch, tăng 46,7% so với năm 2002 và gấp chín lần so với năm 1996. Như vậy, năm 2003, VINASHIN đã thực hiện được các chỉ tiêu chủ yếu đặt ra năm 2005, về đích trước kế hoạch hai năm (theo Ðề án phát triển Tổng công ty giai đoạn 2001-2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).

Coi trọng hoạt động KH, CN

Trả lời câu hỏi nói trên của chúng tôi ông Phạm Thanh Bình, Tổng giám đốc VINASHIN khẳng định: KH, CN ngày càng trở thành một lực lượng sản xuất quan trọng đối với ngành công nghiệp tàu thủy nước ta. Không có thành công nào của ngành không gắn với kết quả hoạt động KH, CN. Nhất là vai trò định hướng của Nhà nước (thông qua sự đầu tư, các chương trình đề tài nghiên cứu KH, CN, dự án sản xuất thử nghiệm).

Xác định rõ vai trò quan trọng của hoạt động KH, CN trong sự phát triển của ngành, Hội đồng quản trị VINASHIN đã quyết định vốn đầu tư cho hoạt động KH, CN từ 5% (theo quy định tài chính) lên 10% lợi nhuận sau thuế. Ðây là một trong những yếu tố quan trọng để đưa nhanh các kết quả nghiên cứu KH, CN vào sản xuất.

Các đề tài, dự án đã tập trung vào những vấn đề KH, CN mấu chốt của ngành và góp phần tạo ra công nghệ và sản phẩm tiêu biểu mang tính chất đột phá như: tự động hóa thiết kế tàu thủy; công nghệ cắt tôn tự động, công nghệ cơ bản phục vụ đóng tàu biển cỡ lớn với nhiều chức năng khác nhau; xây dựng đà bán ụ, cần cẩu 120 tấn, máy lai điện thủy lực.

Ðể thúc đẩy chương trình nội địa hóa sản phẩm (phấn đấu đến năm 2010 tỷ lệ nội địa hóa đạt 60% trở lên), VINASHIN đang tiến hành xây dựng nhà máy nhiệt điện, cán nóng thép tấm đóng tàu, lắp ráp máy diezen thủy có công suất từ 300 đến 3.000 sức ngựa, chế tạo nồi hơi, cần cẩu tàu thủy...

Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy một trong những nguyên nhân dẫn đến thành công của VINASHIN là công tác phát triển nguồn nhân lực KH, CN được đặc biệt quan tâm. Từ người kỹ sư đến công nhân đều được học và đào tạo lại một cách bài bản. Ngoài việc cử người đi đào tạo đại học trong nước, hằng năm tổng công ty cử khoảng 200 người có chuyên ngành đóng tàu sang Nhật Bản thực tập tại các nhà máy đóng tàu lớn. Với hình thức này, ngay sau khi trở về nước họ trở thành lực lượng nòng cốt đóng những con tàu lớn của ngành.

Không chỉ người đi học, tổng công ty còn mạnh dạn mời các chuyên gia nước ngoài đến nước ta tham gia vào công tác đào tạo, quản lý, tổ chức sản xuất. Một hình thức thu hút chất xám của VINASHIN.

Chuyên gia người Ba Lan S.De-brô-xky là một thí dụ. Ông nguyên là Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn đóng tàu GDYNIA (Ba Lan). Một doanh nghiệp nổi tiếng trên thế giới bởi năng lực đóng mới các con tàu hiện đại có sức chở lớn. Ông hiện là cố vấn kỹ thuật cho việc xây dựng một nhà máy đóng tàu lớn nhất, hiện đại nhất Việt Nam tại Dung Quất (Quảng Ngãi).

Công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy (SHINEC), tuy mới thành lập từ năm 2001, nhưng tốc độ tăng trưởng hằng năm của công ty luôn đạt 200%, là doanh nghiệp được nhận Giải thưởng Sao đỏ năm 2003 và Giải thưởng Sao vàng đất Việt năm 2004. Tổng giám đốc SHINEC Phạm Hồng Ðiệp nói vui với chúng tôi: Cán bộ của công ty có thể "bắn súng cả hai tay" có nghĩa là họ vừa giỏi về thiết kế kỹ thuật, nội thất, vừa giỏi về kinh doanh, tìm kiếm mở rộng thị trường. Việc công ty nhận được đơn hàng làm nội thất tàu du lịch 5 sao của Pháp, tàu chở dầu sức chở 13.500 tấn hay tàu cao tốc hai thân, được đăng kiểm nước ngoài (BV) chấp nhận đã chứng minh trình độ cán bộ của công ty, khi tuổi đời của họ mới khoảng 30 tuổi.

Cầm trên tay sợi dây đồng mỏng manh có đường kính 0,8 mm, chúng tôi được các kỹ sư trẻ của Công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu cho biết đó là loại dây hàn bọc thuốc dùng cho máy hàn tự động phục vụ đóng tàu biển và các ngành công nghiệp khác. Do giá thành rẻ, chất lượng tương đương với sản phẩm cùng loại của châu Âu, cho nên sản phẩm làm ra đến đâu được tiêu thụ hết đến đó.

Ông Trần Quang Vũ, Giám đốc Công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu kể cho chúng tôi nghe những khó khăn vất vả trong những ngày đi tìm công nghệ để chuyển giao vào nước ta. Ðích thân ông Vũ dùng tiền cá nhân để đi nhiều nước ở châu Âu, đến nhiều nhà máy tìm hiểu, so sánh từng công nghệ để chuyển giao. Tìm được rồi, thì cử các kỹ sư trẻ sang tận nơi học cách làm. Ðồng thời, đề nghị họ cử chuyên gia sang chỉ bảo cho cán bộ của ta làm ra sản phẩm hoàn chỉnh. Kinh phí đi tham quan cơ sở chuyển giao công nghệ được dành cho công tác đào tạo. Ðó là một trong những thành công trong chuyển giao công nghệ sản xuất dây hàn lõi thuốc chất lượng cao của thế giới vào nước ta.

Với chính sách phát triển nguồn nhân lực trong nhiều năm qua, ngành đóng tàu nước ta nói chung và VINASHIN nói riêng đang phát triển với tốc độ nhanh chóng. Tuy vậy, cũng chính do phát triển nhanh chóng mà ngành đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề trình độ cao. Ðiều đó đòi hỏi VINASHIN cần chủ động hợp tác các trường đại học, xây dựng viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, trường đào tạo công nhân, nhất là hợp tác quốc tế cử người đi đào tạo ở nước ngoài, để phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng sự phát triển của ngành trong thời kỳ mới.

Bên cạnh việc tạo ra các sản phẩm chủ yếu đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu trong nước, trên cơ sở ứng dụng nhiều công nghệ mới và hiện đại, VINASHIN đã tạo ra được một số sản phẩm có chất lượng cao giá thành cạnh tranh với những nước có nền đóng tàu tiên tiến trong khu vực và thế giới. Ðó là kết quả có ý nghĩa đối với nước ta trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH. Tập thể những cán bộ quản lý, kỹ thuật, công nhân của VINASHIN đã và đang đưa Nghị quyết Ðại hội IX của Ðảng vào cuộc sống, thông qua việc: "Tập trung đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, thiết bị, hiện đại hóa một số khâu then chốt trong chế tạo, chú trọng phát triển công nghiệp đóng tàu và sửa chữa tàu, nhất là các loại tàu có trọng tải lớn".