Xu hướng tội phạm mới
Năm 2024, Văn phòng Phòng chống khủng bố của Liên hợp quốc đã phát hành báo cáo đánh giá xu hướng dòng tiền tài trợ của các tổ chức khủng bố quốc tế cho chiến binh khủng bố nước ngoài. Theo báo cáo này, trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2018, các tổ chức khủng bố quốc tế thường sử dụng các dòng tiền truyền thống.
Từ năm 2015, các cơ quan chức năng Hoa Kỳ phát hiện, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã sử dụng Bitcoin để huy động tài chính cho các hoạt động cực đoan. Họ tận dụng các ví điện tử không đăng ký để chuyển tiền qua biên giới, nhằm tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Gần đây, xu hướng sử dụng tiền ảo và tài sản ảo để chuyển tiền đã được nhiều tổ chức khủng bố quốc tế thực hiện. Năm 2019, Hamas – lực lượng vũ trang bị nhiều quốc gia liệt vào danh sách khủng bố – cũng sử dụng công cụ này để kêu gọi tài trợ trực tuyến. Dù Hamas tuyên bố, đây là các giao dịch ẩn danh, song Bộ Tư pháp Hoa Kỳ và các cơ quan chức năng của quốc gia này đã quyết định tịch thu hơn 150 tài khoản tiền mã hóa trong năm 2020.
Tiếp đó, năm 2023, Israel cũng đã tịch thu một lượng lớn các loại tiền mã hóa có giá trị hơn 41 triệu USD từ Hamas, bao gồm: Bitcoin, Ethereum (ETH), Ripple (XRP)... khi xác định khối tài sản này có liên quan đến khủng bố. Hàng trăm tài khoản mã hóa khác cũng đã bị chính quyền Israel quyết liệt thu giữ, đến mức Hamas phải thông báo ngừng gây quỹ bằng tiền điện tử vào tháng 4/2023 vì các nhà tài trợ của họ đã trở thành mục tiêu kiểm soát.
Hành động mạnh mẽ trong ngăn chặn các sàn giao dịch không tuân thủ pháp luật của các cơ quan an ninh quốc tế như Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, lực lượng chống khủng bố Israel cho thấy, tiền mã hóa đang bị biến tướng thành công cụ tài chính phục vụ các mục đích đen tối.
Siết chặt các quy định quản lý và vận hành
Không đợi đến khi vấn đề trở nên nghiêm trọng, nhiều quốc gia đã đi trước một bước trong việc thiết lập hành lang pháp lý chặt chẽ. Hoa Kỳ yêu cầu tất cả các sàn giao dịch tài sản mã hóa như: Coinbase, Kraken... tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố theo Đạo luật Bảo mật ngân hàng như: quy trình xác minh danh tính (KYC), báo cáo các giao dịch bất thường và lưu trữ thông tin trong thời gian dài.
Tại Liên minh châu Âu, Đạo luật Thị trường tài sản mã hóa (MiCA), có hiệu lực vào năm 2024 buộc các sàn phải đăng ký với các cơ quan quản lý tài chính của từng quốc gia, áp dụng quy trình KYC nghiêm ngặt để bảo đảm yêu cầu xác minh danh tính, tư cách pháp nhân cũng như hợp tác với Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) khi có yêu cầu. Những sàn không tuân thủ các quy định nêu trên sẽ bị cấm hoạt động trên toàn Liên minh châu Âu.
Hàn Quốc còn đi xa hơn, khi ban hành một đạo luật về báo cáo và sử dụng các thông tin giao dịch tài chính đặc thù từ năm 2021. Với quy định cứng rắn này, Hàn Quốc đã quyết định dừng hoạt động hơn 60 sàn giao dịch do không đáp ứng tiêu chí minh bạch và bảo đảm khả năng truy vết.
Các biện pháp nói trên đã góp phần ngăn chặn hiệu quả hoạt động rửa tiền, chuyển tiền bất hợp pháp, tài trợ khủng bố thông qua tài sản mã hóa.
Việt Nam chủ động trước nguy cơ
Tại Việt Nam, bằng các biện pháp nghiệp vụ, thời gian qua, Cục An ninh nội địa (Bộ Công an) chưa phát hiện có dấu hiệu các tổ chức khủng bố xuyên biên giới như: Việt tân, Việt Nam lâm thời, Nhóm Hỗ trợ người Thượng và Người Thượng vì công lý... thực hiện việc chuyển tiền thông qua các tài sản mã hóa. Song, ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước có nhiệm vụ đấu tranh với các loại tội phạm này, Cục An ninh nội địa cho rằng, tài sản mã hóa và sàn giao dịch các loại tài sản này luôn tiềm ẩn nguy cơ bị các tổ chức khủng bố lợi dụng. Đây cũng là cảnh báo mà FATF đã đưa ra khi nhận thấy những thiếu hụt nhất định của Việt Nam về mặt pháp lý liên quan.
Trong nỗ lực hiện thực hóa các cam kết của Chính phủ Việt Nam về việc đáp ứng các tiêu chí để đưa Việt Nam ra khỏi vùng “chính sách xám”, Cục An ninh nội địa là đơn vị tiên phong phối hợp các cơ quan chức năng thực thi các quy định về phòng, chống khủng bố, góp phần xây dựng hành lang pháp lý về blockchain.
Triển khai thí điểm thị trường tài sản mã hóa tại Việt Nam là một chủ trương đúng đắn, thể hiện sự nhạy bén trong việc đón đầu xu thế công nghệ. Tuy nhiên, cùng với đó, cần nhận diện rõ và kiểm soát chặt chẽ các rủi ro tiềm ẩn. Cục An ninh nội địa cho rằng, điều kiện tiên quyết lúc này, chính là kịp thời xây dựng khung pháp lý đầy đủ, phù hợp từ việc định danh người dùng, giám sát dòng tiền, đến phối hợp quốc tế trong điều tra, xử lý các hành vi vi phạm...
Với định hướng phát triển kinh tế số gắn với bảo đảm an ninh quốc gia, việc kiểm soát thị trường tài sản mã hóa phải trở thành một phần trong chiến lược tổng thể về chuyển đổi số của Việt Nam.
Dù đến thời điểm hiện tại, theo Cục An ninh nội địa (Bộ Công an), Việt Nam chưa phát hiện dấu hiệu tổ chức khủng bố xuyên biên giới sử dụng tiền mã hóa để hoạt động trong nước, song nguy cơ vẫn hiện hữu. Với vị trí địa lý đặc thù và độ mở của nền kinh tế, Việt Nam có thể trở thành điểm trung chuyển nếu không có biện pháp kiểm soát phù hợp.