Hoạt động trong lĩnh vực tự động hóa, công nghệ và năng lượng, trong năm 2024, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của Intech Group tăng 30% nhờ kinh tế sôi động trở lại và cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đã đầu tư cho nhà máy quyết liệt hơn. Ông Hoàng Hữu Yên, Tổng Giám đốc Intech Group cho biết: “Chúng tôi hy vọng doanh thu sẽ bứt phá vào những tháng đầu năm nay - là thời điểm nhiều đơn vị, nhà máy đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị phục vụ cao điểm sản xuất, kinh doanh dịp Tết”.
Bước phát triển vượt bậc
Năm 2024, tình hình thế giới biến động phức tạp, khó lường, kinh tế, thương mại thế giới phục hồi chậm, thiếu vững chắc và không đồng đều, cạnh tranh chiến lược gay gắt, xung đột leo thang. Trong nước, với “mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và giữ được tăng trưởng”, nhưng do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) trong tháng 9 tại các tỉnh, thành phố phía bắc đã phần nào ảnh hưởng đến phát triển kinh tế trong nước nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng. Dù vậy, hoạt động sản xuất công nghiệp năm 2024 vẫn có bước phát triển vượt bậc với mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua, chỉ số sản xuất công nghiệp cả năm 2024 tăng 8,4%.
Để có được kết quả tăng trưởng tích cực này, bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê cho rằng, sự điều hành linh hoạt, có hiệu quả của Chính phủ: Các phản ứng chính sách của Chính phủ trong năm 2024 phải nói là nhanh; nhiều chính sách ban hành kịp thời tháo gỡ một phần các khó khăn cho doanh nghiệp. Điển hình là Nghị định 109 của Chính phủ về giảm 50% thuế trước bạ cho ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước có hiệu lực từ 1/9/2024 đến 31/12/2024 đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất ô-tô trong nước tăng khối lượng sản xuất, thể hiện qua chỉ số sản xuất ngành sản xuất xe có động cơ quý IV tăng 43,7% so cùng kỳ và tăng 31,7% so quý trước, cả năm tăng 21,1%...
Ngoài ra, các hoạt động xúc tiến đầu tư, tìm kiếm thị trường mới của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong cả năm 2024 đã liên tục được đẩy mạnh, Việt Nam đã tận dụng tốt các lợi thế từ quốc tế mang lại sự dịch chuyển đơn hàng dệt may do xung đột tại Bangladesh... tạo cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao, các ngành hàng hướng đến xuất khẩu đều tăng trưởng khá như ngành dệt may, da giày tăng trưởng hơn 10%; nhóm ngành sản xuất giường tủ bàn ghế tăng 23,8%, nhóm ngành điện, điện tử tăng từ 8,3% đến 11,9%.
![]() |
Năm 2025, ngành da giày đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% so với năm 2024. Ảnh: SONG ANH |
Vẫn tiềm ẩn bất ổn
Ngay từ tháng 1/2025, khí thế thi đua lao động, sản xuất đã sôi động với quyết tâm đưa sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh. Trong lĩnh vực dệt may, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, nhiều đơn vị hiện đã có đơn hàng hết quý II, thậm chí đến quý III của năm và tiếp tục đàm phán đơn hàng cho cả năm.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, năm 2025 ngành da giày vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% so với năm 2024, đạt kim ngạch khoảng 29 tỷ USD. Theo đó, ngành vẫn tập trung xuất khẩu sang những thị trường sẵn có và dễ tính như châu Phi, châu Á để có được tệp khách hàng phù hợp và tăng doanh thu, sau đó mới từng bước ứng dụng tiêu chuẩn cao hơn như sản xuất xanh, sản phẩm xanh để chinh phục những thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ. Nhiều doanh nghiệp cũng bước đầu tiếp cận các trang thương mại điện tử lớn như Alibaba, Amazon nhằm mở thêm kênh tiêu thụ. Một số doanh nghiệp lớn đã ký được hợp đồng đến giữa năm.
Đại diện Tổng cục Thống kê nhìn nhận, cùng với sản xuất công nghiệp được kỳ vọng tăng trưởng khi đơn hàng dệt may, da giày đã có đến 6 tháng đầu năm, nhóm ngành sản xuất điện, điện tử và linh kiện tiếp tục khởi sắc từ nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo triển vọng tăng trưởng cả năm. Riêng đối với ngành sản xuất điện tử bán dẫn, những chính sách mới sẽ góp phần tạo sức hút FDI cũng như thu hút sự dịch chuyển luồng đầu tư từ các nước sang Việt Nam. Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng của quốc tế trong thời gian gần đây tạo cơ hội rất lớn cho Việt Nam. “Nếu tận dụng tốt lợi thế này, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, bảo đảm các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế thì Việt Nam có thể tạo đột phá trong tăng trưởng công nghiệp năm 2025 và các năm tiếp theo”.
Tuy vậy, báo cáo mới nhất của S&P Global cho biết, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 12 đã giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm lần đầu tiên trong 3 tháng trở lại đây, chỉ đạt 49,8 điểm, giảm 1 điểm so với 50,8 điểm của tháng 11. Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho rằng, sức khỏe ngành sản xuất của Việt Nam vẫn có dấu hiệu yếu khi tốc độ tăng sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới của tháng 12 lại yếu nhất trong vòng 3 tháng trở lại đây và tổng số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng, tổng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới lại giảm tháng thứ hai liên tiếp và tốc độ giảm tương đối mạnh.
Trước quan ngại này, ông Phạm Nguyên Hùng, Cục trưởng Công nghiệp (Bộ Công thương) cho rằng, nền kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, đặc biệt là khả năng trỗi dậy mạnh mẽ trở lại của xu hướng phi toàn cầu hóa, bảo hộ mậu dịch và chiến tranh thương mại; cùng những căng thẳng địa chính trị mới. Trong nước, những điểm nghẽn về năng lực doanh nghiệp công nghiệp trong nước cũng như ngành công nghiệp hỗ trợ nội địa còn chậm phát triển sẽ tạo ra lực cản lớn cho các cơ hội của ngành.
Vì vậy, để góp phần bảo đảm chỉ tiêu tăng trưởng công nghiệp 9-10% trong năm 2025, cần tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách kinh tế vĩ mô nói chung và phát triển công nghiệp nói riêng của Chính phủ và Bộ Công thương, thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.
Cùng với đó, tập trung công tác tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật làm cơ sở cho các nguồn lực tăng trưởng mới trong các ngành công nghiệp trong ngắn hạn cũng như dài hạn. Trong đó, khẩn trương đề xuất ban hành Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trong giai đoạn mới (2025 – 2035) để tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp nội địa đáp ứng các yêu cầu tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, đón đầu các cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài mới. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình làm việc với các địa phương và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện có nhằm phát huy đà tăng trưởng của các ngành công nghiệp tại các vùng kinh tế trọng điểm, tạo động lực tiếp tục thúc đẩy đà tăng trưởng công nghiệp trên phạm vi toàn quốc.
Đơn giá của các đơn hàng dệt may đang cải thiện dần, có xu hướng tăng trở lại khi nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường được cải thiện vào dịp mua sắm mùa lễ hội. Vì vậy, ngành dệt may có thể đạt khoảng gần 46 tỷ USD, tăng 6% so với mức 43,5 tỷ USD của năm 2024.