Sau nhập tỉnh, có thể bố trí một bộ phận cán bộ, công chức làm việc tại trụ sở hành chính tỉnh Quảng Trị hiện nay

NDO - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị Lê Ngọc Quang vừa ký kết luận Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo. Trong đó nêu rõ sau nhập tỉnh, có thể bố trí một bộ phận cán bộ, công chức làm việc tại trụ sở tỉnh Quảng Trị hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Qua rà soát của các cơ quan tỉnh Quảng Bình, trụ sở làm việc cơ bản đáp ứng yêu cầu cho bộ máy hành chính sau hợp nhất, sáp nhập hai tỉnh. (Ảnh: HG)
Qua rà soát của các cơ quan tỉnh Quảng Bình, trụ sở làm việc cơ bản đáp ứng yêu cầu cho bộ máy hành chính sau hợp nhất, sáp nhập hai tỉnh. (Ảnh: HG)

Cụ thể, Ban Chỉ đạo giao Đảng ủy Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình lãnh đạo và phối hợp Đảng ủy Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục chuẩn bị cơ sở vật chất, tổng rà soát, đánh giá hiện trạng các trụ sở, tài sản công trên địa bàn hai tỉnh và nhu cầu sử dụng để đề xuất phương án bố trí sử dụng tiếp, phương án xử lý trụ sở dôi dư bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí.

Nghiên cứu thực hiện hoán đổi (điều chuyển) trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã và cơ quan Trung ương trên địa bàn có trụ sở dôi dư, có thể bố trí nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng chung một cơ sở nhà, đất để bảo đảm tận dụng tối đa cơ sở vật chất, trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp sẵn có trên địa bàn.

Rà soát, chuẩn bị nhà ở công vụ cho cán bộ ở tỉnh Quảng Trị hiện nay ra công tác tại Đồng Hới.

Sau nhập tỉnh, có thể bố trí một bộ phận cán bộ, công chức làm việc tại trụ sở hành chính tỉnh Quảng Trị hiện nay ảnh 2
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị họp bàn kế hoạch hợp nhất, sáp nhập tại thành phố Đồng Hới chiều 23/5. (Ảnh: NM)

Đối với các trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp dôi dư sau khi đã bố trí, sắp xếp được thực hiện theo hình thức xử lý tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó, ưu tiên chuyển đổi công năng để làm cơ sở y tế, giáo dục, sử dụng cho các mục đích cộng đồng của địa phương (thư viện, công viên, thiết chế văn hóa, thể thao...).

Thống nhất mô hình tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp xã và rà soát số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc khối chính quyền để sau khi có Nghị quyết của cấp có thẩm quyền về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã bố trí công tác phù hợp.

Thay mặt Ban Chỉ đạo, đồng chí Lê Ngọc Quang cũng giao Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh Quảng Bình chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tương đồng thuộc tỉnh Quảng Trị để xây dựng phương án sáp nhập, hợp nhất các cơ quan; đồng thời, có phương án bố trí trụ sở làm việc, cơ sở vật chất, trang thiết bị, bảo đảm hoạt động các cơ quan sau hợp nhất được thông suốt, không gián đoạn.

Căn cứ tình hình thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ của bộ máy chính quyền mới sau khi hợp nhất, trong trường hợp cần thiết, một số cơ quan, đơn vị có thể nghiên cứu bố trí một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại trụ sở hành chính của tỉnh Quảng Trị hiện nay nhằm bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Riêng đối với Sở Ngoại vụ, giao Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị chủ trì, phối hợp Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình xây dựng phương án. Trước đó đầu năm 2025, Sở Ngoại vụ Quảng Bình đã kết thúc hoạt động, chuyển giao chức năng, nhiệm vụ và nhân sự về Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh.