Buổi tham vấn nhằm lấy ý kiến các đối tác quốc tế và các cơ quan chuyên ngành liên quan về dự thảo Đề án sức khỏe đất và dự thảo kế hoạch hành động quốc gia, từ đó sớm hoàn thiện về nội dung và định hướng chính sách liên quan vấn đề này.
Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, sức khỏe đất là nền tảng của nông nghiệp bền vững; giúp quản lý dinh dưỡng cây trồng giúp tăng năng suất, chất lượng nông sản.
Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay vấn đề sử dụng đất đang đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, nổi bật là các vấn đề như diện tích đất canh tác hạn chế, đất bị thoái hóa, sử dụng phân bón hóa học mất cân đối, thiếu dữ liệu sức khỏe đất, nghiên cứu rời rạc. Hiện chưa có chương trình toàn diện cấp quốc gia về sức khỏe đất và dinh dưỡng cây trồng.

Khai thác hợp lý đất nông nghiệp vùng bãi nổi
Tính đến nay, Việt Nam có 11,8 triệu ha đất bị thoái hóa, trong đó có 43% diện tích đất bị thoái hóa là đất sản xuất nông nghiệp (5,1 triệu ha); phổ biến ở Tây Bắc, Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ.
Bên cạnh đó, nước ta còn phải đối mặt với thực trạng suy giảm đa dạng sinh học trong đất.
Ngoài ra, đất vùng đồi núi bị rửa trôi, chua hóa; đất ở đồng bằng sông Hồng mất chất hữu cơ do thiếu phân hữu cơ; khu vực Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long đất bị bạc màu, nghèo dinh dưỡng, tích lũy dư lượng hóa chất cao.
Trước thực trạng nêu trên, ngày 11/10/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã ban hành Đề án “Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; đồng thời, triển khai Dự án “Hỗ trợ xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về sức khỏe đất” với sự tài trợ của FAO.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, dự thảo chiến lược sức khỏe đất và kế hoạch hành động là nhiệm vụ trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động về sức khỏe đất quốc gia” với sự lồng ghép quản lý rủi ro về an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và quản lý việc sử dụng không hợp lý vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) do FAO tài trợ và đồng thực hiện. Đồng thời, dự thảo góp phần triển khai một số nhiệm vụ thuộc Đề án "Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, dự thảo chiến lược sức khỏe đất và kế hoạch hành động là nhiệm vụ trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động về sức khỏe đất quốc gia” với sự lồng ghép quản lý rủi ro về an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và quản lý việc sử dụng không hợp lý vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) do FAO tài trợ và đồng thực hiện. Đồng thời, góp phần triển khai một số nhiệm vụ thuộc Đề án "Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp Đỗ Huy Thiệp cho biết, để xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về sức khỏe đất đạt kết quả tốt Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia khác.
Đơn cử như Australia - quốc gia đã xây dựng một khung quốc gia thống nhất đo lường, giám sát, lập bản đồ, báo cáo và chia sẻ thông tin về hiện trạng và xu hướng của đất. Đồng thời, phát triển tiếp cận chính sách và chiến lược một cách toàn diện, thúc đẩy nhanh việc áp dụng các thực hành sử dụng và quản lý đất nhằm bảo vệ đất và cải thiện hiện trạng cũng như xu hướng của tài nguyên đất. Cùng với đó, xác định và phát triển lực lượng lao động và năng lực chuyên môn về đất, để đáp ứng các thách thức hiện tại và tương lai của Australia và khu vực.
Về vấn đề này, Viện Thổ nhưỡng nông hóa kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần sớm ban hành tiêu chuẩn Việt Nam về xây dựng dữ liệu đất đai nông nghiệp cấp quốc gia để bảo đảm tính thống nhất và liên thông.
Ngoài ra, Bộ cần lồng ghép xây dựng cơ sở dữ liệu đất nông nghiệp quốc gia với các văn bản, quy định và chương trình hành động hiện hành để dữ liệu được đồng bộ, tập trung, tránh phân mảnh lãng phí bảo đảm phù hợp khung chính phủ điện tử, chính phủ số; tăng cường đào tạo nhân lực số trong ngành nông nghiệp, nhất là cán bộ khuyến nông, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp; đồng thời, ưu tiên ngân sách chuyển đổi số, quỹ phát triển khoa học công nghệ để xây dựng hạ tầng dữ liệu và hệ thống phân tích AI giám sát, theo dõi chất lượng đất nông nghiệp.
Bên cạnh sự đóng góp ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan ở trong nước, hội thảo còn thu hút sự đóng góp và tham gia tích cực từ nhiều tổ chức quốc tế, các nhà quản lý và nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam. Đặc biệt, có sự đóng góp tích cực của các chuyên gia quốc tế hàng đầu của IRRI và ICRAF đưa ra các giải pháp chuyên ngành nhằm nâng cao sức khỏe đất cho nông nghiệp Việt Nam.
Các bên liên quan đánh giá cao cách thức xây dựng dự thảo chiến lược, có sự tham gia rộng rãi của các bên liên quan theo nguyên tắc “quản lý và xây dựng chính sách có sự tham gia” để bảo đảm tính toàn diện và phù hợp điều kiện và tình hình mới.
Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt cho biết, những đóng góp về chuyên môn trong buổi tham vấn này sẽ được tổng hợp, rà soát và góp phần hoàn thiện Dự thảo chiến lược để chuẩn bị sẵn sàng cho một hội nghị cấp cao quốc tế về sức khỏe đất.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường coi đây không chỉ là nhiệm vụ ngành về nâng cao sức khỏe đất và cây trồng mà còn là trách nhiệm quốc gia của Việt Nam với các cam kết quốc tế về phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng.
Đất là một thành phần và giải pháp cốt lõi, quan trọng để chống biến đổi khí hậu, bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ đa dạng sinh học và bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng được quy định tại Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa và các mục tiêu phát triển (SDG) của Liên hợp quốc.
"Sau hội thảo này, chúng ta khẳng định “tầm quan trọng của sức khỏe đất” với giá trị hàng hóa nông nghiệp, dinh dưỡng, gắn với phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, các-bon thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, quản lý “sức khỏe đất” gắn với cách thức tiếp cận Một sức khỏe (OneHealth) trong mối tương quan “Đất khỏe-cây khỏe-người và động vật khỏe-môi trường khỏe", ông Huỳnh Tấn Đạt nói.
Đất là một thành phần và giải pháp cốt lõi, quan trọng để chống biến đổi khí hậu, bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ đa dạng sinh học và bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng được quy định tại Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa và các mục tiêu phát triển (SDG) của Liên hợp quốc.
Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt
Ông Đạt nhấn mạnh, mục tiêu tới năm 2030, Việt Nam sẽ hoàn thiện được bộ cơ sở dữ liệu về chất lượng các loại đất chính (bao gồm các chỉ tiêu về lý, hóa và sinh học đất) và sử dụng phân bón cho các cây trồng chủ lực; xây dựng được bộ chỉ tiêu và thang phân cấp chỉ tiêu đánh giá sức khỏe đất trồng trọt.
Ngoài ra, Việt Nam cũng xây dựng, hoàn thiện được quy trình canh tác hợp lý gắn với sử dụng phân bón hiệu quả, giảm thất thoát chất dinh dưỡng trên các loại đất chính trồng các cây trồng chủ lực, góp phần ổn định và nâng cao sức khỏe đất trồng trọt, bảo vệ và phát triển đa dạng hệ sinh vật có ích, giảm phát thải khí nhà kính. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật và sự quan tâm của cộng đồng về quản lý sức khỏe đất trồng trọt và dinh dưỡng cây trồng từ Trung ương đến địa phương.
Từ đó, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong khu vực về năng lực và hiệu quả quản lý sức khỏe đất trồng trọt và dinh dưỡng cây trồng. Để đạt được mục tiêu này, rất cần tới sự chung tay của cộng đồng quốc tế, các nhà khoa học, các đối tác công tư hỗ trợ về nguồn lực tri thức, tài chính và công nghệ.