“Thế giới còn đổi thay nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi”
Điều làm nên sức mạnh và sự trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh chính là những đặc tính tiêu biểu toát lên từ tư tưởng của Người.
Trước hết, tư tưởng Hồ Chí Minh với nội dung căn cốt là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội hoàn toàn phù hợp với tính chất, quy luật của thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội được mở ra từ Cách mạng Tháng Mười. Khát vọng tự do là đặc tính của con người nên khi chủ nghĩa thực dân đẩy vô số các dân tộc vào vòng nô lệ, cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc là xu thế tất yếu của thời đại. Ra đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh trở thành đại diện của các dân tộc bị áp bức đấu tranh cho quyền được làm người, quyền được sống trong bình đẳng và tự do. Được trang bị phương pháp luận khoa học của Chủ nghĩa Mác - Lênin và bằng sự trải nghiệm thực tiễn, Hồ Chí Minh đưa ra những phát kiến ở tầm thời đại về con đường cứu nước và phương hướng dựng nước của dân tộc Việt Nam: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” và “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”. Thực hiện tư tưởng của Người, dân tộc Việt Nam không chỉ giành được độc lập, tự do mà thắng lợi của nhân dân Việt Nam còn góp phần làm tan vỡ hệ thống thuộc địa trên quy mô toàn thế giới. Sau khi giành được độc lập, Việt Nam luôn kiên trì mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội ngay cả khi chế độ xã hội chủ nghĩa đã sụp đổ ở Đông Âu và Liên Xô, nhiều nước trước đó lựa chọn định hướng xã hội chủ nghĩa đã “bẻ ghi” theo con đường khác. Đi lên chủ nghĩa xã hội là quy luật tất yếu của lịch sử nên ngọn cờ “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” của Hồ Chí Minh đã giúp dân tộc Việt Nam có hướng đi hợp thời đại và loại bỏ “khúc quanh” không cần thiết. Nhờ đó, tương lai của đất nước ngày càng rạng rỡ.
Tư tưởng Hồ Chí Minh bất hủ bởi biểu đạt những giá trị vĩnh hằng của nhân loại là hòa bình và hợp tác hữu nghị để cùng phát triển. Thế giới tôn vinh Hồ Chí Minh là nhà văn hóa hòa bình vì Người luôn nỗ lực giải quyết xung đột bằng con đường đối thoại văn hóa; khi buộc phải tự vệ thì Người chủ động hạn chế không gian chiến tranh ở Việt Nam để bảo vệ hòa bình khu vực và thế giới. Hồ Chí Minh rất yêu chuộng hòa bình nhưng đó phải là hòa bình thật sự - hòa bình trong độc lập tự do, được làm chủ giang sơn và có quyền định đoạt số phận của dân tộc mình. Hồ Chí Minh đề cao tình hữu nghị giữa các dân tộc bởi trong tâm thức của Người luôn tồn tại tình cảm thiêng liêng, rộng lớn - tình yêu nhân loại. Với quan điểm “Quan sơn muôn dặm một nhà/ Vì trong bốn biển đều là anh em”, tình yêu của Hồ Chí Minh đã vượt qua giới hạn của “tình đồng bào” để vươn tới “tình đồng loại”. Vì thế, chung sống hòa bình và hợp tác hữu nghị là nguyên tắc hành xử của Hồ Chí Minh. Khi trở thành nguyên thủ của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, Người lập tức tuyên bố: Việt Nam sẵn sàng “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”. Thời kỳ “Chiến tranh lạnh” đã đẩy các quốc gia vào thế “đối đầu” nhưng Hồ Chí Minh vẫn có quan điểm vượt tầm thời đại là “các nước dù chế độ xã hội khác nhau và hình thái ý thức khác nhau cũng đều có thể chung sống hòa bình được”. Với tinh thần “tìm sự thống nhất trong đa dạng”, Hồ Chí Minh không chỉ là người có tư duy quốc tế hiện đại, tinh thần khoan dung văn hóa mà còn là đại sứ của Việt Nam trên khắp toàn cầu.
Tư tưởng Hồ Chí Minh có sức sống lâu bền bởi luôn hiện hữu tinh thần đổi mới và hội nhập - quy luật của cuộc sống và xu thế lớn của thời đại ngày nay. Có thể khẳng định: Hồ Chí Minh là con người đặc biệt nhạy bén với cái mới và luôn hướng tới cái mới, cái tiến bộ, hoàn thiện. Người từng định
nghĩa “cách mạng” từ góc độ này: “Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”. Với tinh thần đổi mới, Người không chỉ vận dụng mà còn phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, nhờ đó, cách mạng Việt Nam giành nhiều thắng lợi. Từ sự trải nghiệm thực tiễn, Người căn dặn cán bộ phải có tinh thần “tự chỉ trích”, tự đổi mới vì tình hình khách quan luôn thay đổi nên tư tưởng, hành động cũng phải thay đổi. Trong Di chúc để lại, dù không trực tiếp sử dụng khái niệm “Đổi mới” nhưng Người đã phác thảo một chiến lược đổi mới trên nét lớn và căn dặn: “Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”. Sự nghiệp Đổi mới do Đảng ta tiến hành trong gần 40 năm qua thực chất là sự “trở lại” và vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhờ đó, thành tựu của nó thật sự vĩ đại. Hồ Chí Minh cũng có chủ trương hội nhập từ rất sớm. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, Người đã tuyên bố là Việt Nam sẵn sàng mở cửa, hợp tác với các quốc gia khác trên thế giới với điều kiện: Họ phải “thừa nhận nền độc lập của xứ này”. Ngày nay, hội nhập quốc tế toàn diện đã trở thành trào lưu mạnh mẽ nhưng vào những năm 40-thế kỷ XX, chủ trương của Hồ Chí Minh về hợp tác với các nước có sự khác biệt về ý thức hệ và thể chế chính trị, thật sự là tư duy hết sức mới mẻ. Trong thế giới hội nhập ngày nay, tư tưởng độc lập dân tộc và hội nhập quốc tế của Hồ Chí Minh càng tỏ rõ giá trị vì càng hội nhập thì nhu cầu độc lập càng mạnh mẽ. “Hòa nhập mà không hòa tan, độc lập mà không biệt lập” là phương châm ứng xử của Việt Nam và tinh thần ấy là do Hồ Chí Minh khởi xướng.
Biểu đạt xu thế thời đại và khát vọng vĩnh hằng của con người, hướng con người tới các giá trị lâu bền là chân - thiện - mỹ, cho nên, “thế giới còn đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi”.
Soi đường cho dân tộc và thời đại
Tư tưởng Hồ Chí Minh bất hủ bởi trong đó là hình mẫu lý tưởng về đạo đức và văn hóa làm người. Theo Hồ Chí Minh, đạo đức cao nhất chính là suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân và toàn nhân loại. Tư tưởng nhân văn - đạo đức Hồ Chí Minh với triết lý nhân sinh “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi” đã và sẽ đánh thức phần “thiện”, tinh thần “vì nghĩa” trong mỗi con người, giúp họ tìm ra lẽ sống đúng đắn và cách hành xử hợp đạo lý để có được hạnh phúc đích thực. Đối với dân tộc Việt Nam, việc thấm nhuần tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sẽ góp phần ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức trong Đảng và trong xã hội. Nhân loại từng kinh ngạc và thán phục khi Việt Nam - một quốc gia nhỏ bé, nghèo nàn, lạc hậu đã thắng các cường quốc như Pháp và Mỹ; thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay cũng khó thấu hiểu cội nguồn những kỳ tích đó, nếu không hiểu biết về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh - đó chính là “chìa khóa” để giải mã lịch sử Việt Nam hiện đại. Năm 1991, Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức khẳng định, cùng với Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và “kim chỉ nam” hành động của Đảng, nhưng thực chất thì ngay từ khi Đảng ra đời, đường lối cách mạng Việt Nam đã do Hồ Chí Minh hoạch định. Trong suốt chiều dài lịch sử, từ chống thực dân Pháp đến chống đế quốc Mỹ, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến cách mạng xã hội chủ nghĩa, đường lối của Đảng luôn in đậm dấu ấn của tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngay cả khi Người đã đi xa, tính dẫn dắt, soi chiếu của tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn không thay đổi.
Sức sống bất hủ và tầm vóc của tư tưởng Hồ Chí Minh đã được kiểm chứng bởi lịch sử. Giá trị biểu đạt và soi đường cho dân tộc và thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh chính là lý do để thế giới thừa nhận: “Bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập, tự do, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Bất cứ nơi nào chiến đấu cho hòa bình và công lý, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Ở bất cứ đâu, nhân dân chiến đấu cho một thế giới mới, chống đói nghèo, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao”.