Chương trình do Bộ Tài chính Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp quốc gia Malaysia tổ chức.
Lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp quốc gia Malaysia bày tỏ vinh dự được tham dự sự kiện này; cảm kích chân thành tới Chính phủ Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã đồng tổ chức sự kiện để thúc đẩy quan hệ kinh tế hai nước; chúc mừng thành tích tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Việt Nam;
Lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp quốc gia Malaysia nhấn mạnh, hai nước có kim ngạch thương mại tăng trưởng nhanh; đến năm 2025, các nhà đầu tư Malaysia đang có 700 dự án đầu tư tại Việt Nam, là nhà đầu tư lớn thứ 3 trong ASEAN tại Việt Nam. Malaysia đang có quan hệ thương mại rất năng động với Việt Nam. Năm ngoái, quan hệ thương mại song phương tăng trưởng 4,4% so năm 2023.
Thời gian tới, hai nước có nhiều cơ hội mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực mới; hai nước đang đánh giá rất cao vai trò của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong thúc đẩy quan hệ song phương và cả trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP.
![]() |
Lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp quốc gia Malaysia phát biểu. (Ảnh: THANH GIANG) |
Phòng Thương mại và Công nghiệp quốc gia Malaysia sẽ tiếp tục hợp tác với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác này, nhất là trong năm nay, Malaysia đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN. Chúng ta đã xây dựng nhiều sáng kiến trong khu vực, hy vọng những sáng kiến này đóng góp vào hợp tác kinh tế, tăng cường tính tự chủ của nền kinh tế, tận dụng các chuỗi cung ứng trong khu vực trong bối cảnh thế giới khó khăn hiện nay.
Hai nước nói riêng, ASEAN nói chung có thể cần nghiên cứu hình thành Hội đồng Chuỗi cung ứng ASEAN để cùng nhau cải thiện hệ thống chuỗi cung ứng, ứng phó hiệu quả với những tác động bên ngoài.
Hai nước hãy cùng nhau hợp tác vì thương mại ASEAN. Các doanh nghiệp Malaysia khẳng định cam kết tiếp tục làm sâu sắc quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam-Malaysia qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vì sự thịnh vượng chung của khu vực.
![]() |
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Kuala Lumpur và Selangor Nivas Ragavan phát biểu ý kiến. (Ảnh: THANH GIANG) |
Đại diện một số hiệp hội, doanh nghiệp Malaysia bày tỏ, Malaysia luôn là người bạn tốt của Việt Nam; đánh giá sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam thời gian qua đem lại nhiều niềm vui cho chúng tôi, Việt Nam có vai trò mạnh mẽ trong nền kinh tế thế giới. Đây là cơ hội tốt thúc đẩy quan hệ kinh tế, thúc đẩy mạnh mẽ nguồn đầu tư hai nước.
Năm nay, hai nước cần thúc đẩy kim ngạch thương mại, tìm phương án cho nguồn cung hàng hóa lưu thông dễ dàng hơn, tập trung vào may mặc, thiết bị y tế, thúc đẩy đầu tư vào các vùng công nghiệp Việt Nam; thúc đẩy hợp tác về công nghệ, tận dụng nền tảng, những doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ của Việt Nam đang nổi trội trên thị trường; thúc đẩy giới trẻ đổi mới sáng tạo, qua đó cùng thúc đẩy phát triển hai nước; tăng cường chú trọng các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thúc đẩy phát triển nền tảng, giao lưu nhân dân, hợp tác giữa các trường đại học; có những hành động thực tế, Hội nghị cấp cao ASEAN 46 không chỉ dừng lại những quyết định trên giấy tờ phải hành động thực tế. Chúng ta cần xây dựng sự hợp tác từ trên xuống mà từ dưới lên. Chúng ta hãy đi cùng nhau vì nhân dân hai nước, vì Cộng đồng ASEAN.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu tham dự Chương trình Gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam-Malaysia. (Ảnh: THANH GIANG) |
Phát biểu tại sự kiện, Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hoa kiều tại Malaysia đánh giá Việt Nam là một trong những nước quan trọng nhất trong ASEAN. Hai nước đều là thành viên của các khuôn khổ CPTPP, RCEP. Chúng ta đang nghiên cứu nhiều lĩnh vực mà cộng đồng doanh nghiệp hai bên có thể hợp tác, trong đó có ngành Halal. Các nước thành viên Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) rất mong ASEAN thúc đẩy hợp tác lĩnh vực này. Việt Nam và Malaysia có thể hợp tác kinh tế hàng hải để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện an ninh trong khu vực...
Phát biểu ý kiến tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, hiện nay, thế giới diễn biến nhanh, khó lường, phức tạp, vì vậy đưa ra thông điệp, chúng ta lại càng phải đoàn kết hơn, đề cao chủ nghĩa đa phương vì không một nước nào có thể tự giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu.
Ngày nay, mỗi sự thay đổi bên ngoài đều tác động bên trong vì các chuỗi cung ứng đều kết nối, liên kết, bổ sung cho nhau; do đó, phải đoàn kết các dân tộc, đoàn kết doanh nghiệp để cùng nhau giải quyết các vấn đề của thế giới, trong đó có vấn đề của nước mình, không để ai bị bỏ lại phía sau, tham gia vào thúc đẩy công bằng, tiến bộ xã hội, bình đẳng giữa các dân tộc.
Thủ tướng nêu rõ, các doanh nghiệp phải kết nối với nhau, kết nối hai nền kinh tế, đó là kết nối để phát triển kinh tế xanh.
Thủ tướng dự định đề xuất với Malaysia hình thành khu vực năng lượng xanh, kết nối số các nền kinh tế ASEAN, chú trọng lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, làm mới lại các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng. Đây là sứ mệnh của doanh nghiệp để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng, sản phẩm, bổ sung, bổ trợ cho nhau.
Thủ tướng chia sẻ về đường lối, quan điểm phát triển kinh tế của Việt Nam; nêu rõ, Việt Nam xác định phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế 8% năm nay, 2 con số những năm tiếp theo. Đây là mục tiêu vô cùng khó khăn trong bối cảnh hiện nay nhưng không thể không quyết tâm.
Theo Thủ tướng, muốn giữ vững độc lập, tự chủ thì phải vững mạnh về kinh tế, phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả. Bên cạnh tinh thần thực hiện mạnh mẽ 3 đột phá chiến lược hiệu quả, Việt Nam đang tích cực đầu tư hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông kết nối; thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp để chuyển đổi trạng thái bị động giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp, sang trạng thái chủ động, tích cực phục vụ người dân, doanh nghiệp là trung tâm.
Việt Nam xác định phải bắt kịp, tiến cùng, tiên phong, dẫn dắt cuộc chơi, tham gia định hướng, định hình cuộc chơi với tinh thần có lợi cho tất cả, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Thể chế phải đi trước, dẫn dắt, vừa là động lực, vừa là nguồn lực, biến thể chế từ điểm nghẽn thành lợi thế; bảo đảm thông thoáng, gia tăng năng lực cạnh tranh.
Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp Malaysia đến Việt Nam vì Việt Nam đang nỗ lực chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản lý thông minh; cam kết bảo vệ quyền tài sản, tự do kinh doanh, tiếp cận bình đẳng các nguồn lực của đất nước gồm đất đai, tài nguyên, khoáng sản; cam kết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp Malaysia; thực hiện với tinh thần cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn, nhận thức và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và phát triển; cùng chia sẻ niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “đã nói thì phải làm, đã hứa thì phải thực hiện”, đã làm, đã thực hiện thì phải có kết quả, sản phẩm cụ thể, "cân, đong, đo, đếm" được.