Theo đó, Công văn nêu rõ, trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Bí thư và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, công tác thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo Nghị quyết số 20-NQ/TW, Nghị quyết số 28-NQ/TW, Nghị quyết số 42-NQ/TW và các nghị quyết hằng năm của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Theo thống kê, đến cuối năm 2024, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 42,71% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 9,91% so với 31/12/2020; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 34,18% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 7,15% so với 31/12/2020; số người tham gia bảo hiểm y tế đạt khoảng 94,29% dân số, tăng 3,32% so 31/12/2020...
Thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và các văn bản kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương, cơ cấu Bảo hiểm xã hội Việt Nam là đơn vị đặc thù thuộc Bộ Tài chính. Theo đó, tổ chức lại 63 bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành 35 bảo hiểm xã hội khu vực, 640 bảo hiểm xã hội cấp huyện thành 350 bảo hiểm xã hội cấp huyện.
Để kịp thời triển khai nhiệm vụ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo tổ chức mới ngay sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp. Đồng thời, để bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ trong năm 2025 (có khoảng 45,1% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, khoảng 35,1% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp, trên 95,15% dân số tham gia bảo hiểm y tế), Bộ Tài chính đề nghị đồng chí Bí thư và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại địa phương, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể là:
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhất là những nội dung mới được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15, Luật Bảo hiểm y tế 51/2024/QH15 để cán bộ, đảng viên, người sử dụng lao động, người lao động và nhân dân hiểu rõ sự cần thiết, vai trò, lợi ích của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tạo sự đồng thuận, thống nhất trong tổ chức thực hiện, thúc đẩy việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội lâu dài, bền vững.
Căn cứ các nghị quyết của Đảng, Chính phủ hằng năm, đưa chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vào nghị quyết của hội đồng nhân dân về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội hàng năm, giai đoạn của từng cấp theo quy định tại Nghị quyết số 102/NQ-CP và Nghị quyết số 69/NQ-CP về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội và Quyết định số 546/QĐ-TTg về việc giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ bảo hiểm y tế giai đoạn 2022 - 2025.
Đề nghị các địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo ban hành đầy đủ các chính sách hỗ trợ nhân dân, người lao động nhằm khuyến khích tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đồng thời, xây dựng các kế hoạch, chương trình, giải pháp để tổ chức thực hiện hiệu quả.
Chỉ đạo thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cấp tỉnh, cấp xã; nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp của ban chỉ đạo các cấp; các cơ quan chức năng và cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc triển khai các giải pháp phát triển người tham gia, giảm số tiền chậm đóng và bảo đảm đầy đủ quyền lợi của người lao động, người dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với thủ tục đơn giản, cải cách nhất, thời gian nhanh nhất; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, gắn với phòng, chống tham nhũng, trục lợi nhằm tối ưu hóa các quỹ Bảo hiểm xã hội, quỹ Bảo hiểm y tế...
Đồng thời, bảo hiểm xã hội khu vực và cơ quan có liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ Bảo hiểm y tế và dự toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế được giao; tăng cường công tác tham mưu giúp ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; có giải pháp để ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ Bảo hiểm y tế; thanh tra, kiểm tra các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, không điều chỉnh các chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng cao bất hợp lý theo kiến nghị, cảnh báo của cơ quan bảo hiểm xã hội.
Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cung ứng đầy đủ thuốc, hóa chất, thiết bị y tế phục vụ người bệnh, không để người bệnh phải tự mua. Yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện công tác khám, chữa bệnh, chỉ định điều trị theo đúng phác đồ, hướng dẫn điều trị, quy trình chuyên môn kỹ thuật của Bộ Y tế; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động khám, chữa bệnh, khai thác các ứng dụng VssID-Bảo hiểm xã hội số, VneID khi thực hiện thủ tục khám, chữa bệnh; cập nhật đầy đủ, chính xác thông tin về khám, chữa bệnh và chuyển dữ liệu cho cơ quan Bảo hiểm xã hội theo quy định để phục vụ công tác quản lý khám, chữa bệnh, tạo lập cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử và công tác giám định, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế kịp thời.
Đồng thời chỉ đạo cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế chủ động phát hiện, rà soát, kiểm tra và điều chỉnh phù hợp đối với các chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng cao theo kiến nghị cảnh báo của cơ quan Bảo hiểm xã hội...