Thách thức với nông nghiệp hữu cơ

Những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đang trở nên phổ biến khi ngày càng nhiều mô hình sản xuất được nhân rộng. Tuy nhiên, không phải lúc nào người tiêu dùng cũng mua được đúng sản phẩm hữu cơ như mình mong muốn.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân lựa chọn rau củ quả hữu cơ được giới thiệu tại hội chợ nông sản an toàn. Ảnh: NAM ANH
Người dân lựa chọn rau củ quả hữu cơ được giới thiệu tại hội chợ nông sản an toàn. Ảnh: NAM ANH

Hiện nay, rất nhiều người tiêu dùng có nhu cầu và điều kiện để tiếp cận với các sản phẩm hữu cơ vốn có giá thành khá cao, nhưng kiến thức về sản phẩm như thế nào gọi là hữu cơ thì vẫn còn hạn chế. Phần đông đều lựa chọn sản phẩm dựa trên bao bì, nhãn hiệu.

Chính vì vậy, đã có không ít nhầm lẫn giữa các khái niệm na ná như hướng hữu cơ, sinh thái, tự nhiên, eco… Thực tế này đã được nhiều chuyên gia chỉ ra là do những bất cập trong công tác quản lý sản xuất, phân phối sản phẩm hữu cơ trên thị trường.

Tiêu chuẩn rõ nhưng khái niệm còn mập mờ

Nông nghiệp hữu cơ là một khái niệm không mới tại Việt Nam, liên quan đến phương thức sản xuất không sử dụng hóa chất trong mọi công đoạn. 10 năm trở lại đây, nông nghiệp hữu cơ phát triển tại hầu hết các tỉnh, thành phố cả nước, trên cơ sở nhiều chính sách hỗ trợ, thông tư hướng dẫn… Đặc biệt là Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ban hành ngày 29/8/2018 của Chính phủ, quy định chi tiết về hoạt động sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh, ghi nhãn và quảng cáo sản phẩm nông nghiệp hữu cơ…

Như nhiều người tiêu dùng, chị Phạm Hoàng Quyên (Cầu Giấy, Hà Nội) thường lựa chọn một số cửa hàng và siêu thị lớn để mua thực phẩm hữu cơ, đặc biệt là các loại rau củ quả với mong muốn bảo vệ sức khỏe của gia đình. Chị cho biết, nếu nhìn bằng cảm quan thông thường, rất khó phân biệt một sản phẩm hữu cơ có điểm gì khác so với những sản phẩm bình thường. Chính vì vậy, việc lựa chọn phụ thuộc hoàn toàn vào nhãn hiệu, bao bì sản phẩm.

“Giá thành sản phẩm hữu cơ thường cao hơn từ 20-30%, thậm chí có sản phẩm cao hơn tới 50% so với sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hay sản xuất thông thường. Nhưng vì nghĩ đây là những sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe, nên mình đặt trọn niềm tin vào nhà sản xuất và các đơn vị phân phối như siêu thị, cửa hàng”, chị Quyên chia sẻ.

Theo quy trình, một sản phẩm được công nhận hữu cơ là phải tuân thủ các tiêu chuẩn của Việt Nam (TCVN) hoặc tiêu chuẩn của tổ chức đã được chấp nhận ở nước ta. Theo bà Nguyễn Thị Minh Lý, chuyên gia về tiêu chuẩn chất lượng, có 2 loại nhãn cho sản phẩm hữu cơ. Một là nhãn chứng nhận do Nhà nước ban hành cho những sản phẩm tuân thủ tiêu chuẩn của Việt Nam với logo TCVN và có số hiệu của đơn vị cấp giấy chứng nhận, số hiệu của giấy chứng nhận mà đơn vị đó cấp. Hai là nhãn hữu cơ theo tiêu chuẩn cộng đồng hữu cơ đã được quốc tế công nhận. Ngoài ra, nhiều nhà sản xuất cũng áp dụng các tiêu chuẩn hữu cơ của nước ngoài tại Việt Nam thì khi đánh giá hoặc kiểm soát phải soi chiếu theo tiêu chuẩn của quốc gia đó.

Đối với những sản phẩm đã qua chế biến, có 3 cấp độ ghi khác nhau. Nhà sản xuất có thể ghi là 100% sản phẩm hữu cơ, hoặc hữu cơ (tức là 95% nguyên liệu hữu cơ) và có nguyên liệu hữu cơ (thành phần hơn 70%).

“Để đạt được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ của Việt Nam, nhà sản xuất phải thông qua sự giám sát và đánh giá của bên thứ ba. Đây là những tổ chức phải được Nhà nước cấp phép thực hiện hoạt động công nhận sản phẩm hữu cơ”, bà Lý cho biết.

Tuy nhiên trên thực tế, theo bà Từ Thị Tuyết Nhung, Ủy viên Thường vụ Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ, vẫn có những đơn vị sản xuất lợi dụng để đưa ra những khái niệm mập mờ, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Một trong những thách thức hiện nay là công tác quản lý sản phẩm hữu cơ.

“Người tiêu dùng luôn băn khoăn là liệu sản phẩm này có thật sự hữu cơ hay không? Họ chưa hiểu thực chất sản phẩm hữu cơ như thế nào? Chẳng hạn, hiện nay còn có thuật ngữ hướng hữu cơ. Mặc dù quá trình sản xuất họ phải tuân thủ các điều kiện tiêu chuẩn đặt ra tại Nghị định 109. Nhưng quá trình chuyển đổi này không thể mập mờ với khái niệm hữu cơ được”, bà Nhung phân tích.

Chuyên gia nông nghiệp hữu cơ này cũng cho rằng, về nguyên tắc, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (trước đây là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phải công khai danh sách các tổ chức được cấp phép công nhận sản phẩm hữu cơ.

“Chúng tôi là Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ nhiều khi còn phải làm công văn để có được thông tin về các tổ chức này nhưng vẫn không hề dễ dàng. Trong khi đó, với nhiều tổ chức quốc tế, việc truy xuất thông tin về tổ chức cấp phép, về đơn vị sản xuất hữu cơ đều rất công khai và minh bạch…”, bà Nhung nói.

Có quá nhiều khác biệt giữa sản phẩm hữu cơ với một sản phẩm thông thường, không chỉ ở mức giá mà còn cả về chất lượng. Đặc biệt hơn nữa là niềm tin của người tiêu dùng vào sự trung thực của nhà sản xuất. Với thực tế thị trường hiện nay, người tiêu dùng gần như phải sống chung với cảm giác “nghi ngờ” mỗi ngày.

Trang bị kiến thức

Các chuyên gia cho rằng, một trong những giải pháp để giúp người tiêu dùng nhận diện tốt hơn các sản phẩm hữu cơ chính là việc trau dồi kiến thức, tăng cường khả năng phân biệt các sản phẩm trên thị trường. Từ đó đưa ra được lựa chọn đúng, thúc đẩy thị trường, doanh nghiệp sản xuất minh bạch và có trách nhiệm.

“Có người từng hỏi tôi là sản phẩm OCOP có phải sản phẩm hữu cơ không? Đây là một điển hình cho việc hiểu chưa đúng, chưa đủ về nông sản hữu cơ và nhiều mặt hàng khác. Điều này cho thấy công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng có ý nghĩa hết sức quan trọng”, bà Lý chia sẻ.

Còn theo bà Từ Thị Tuyết Nhung, trên thị trường còn rất phổ biến tình trạng dán nhãn hữu cơ sai quy định, như nhãn dán mờ nhạt, thiếu thông tin đơn vị công nhận… Theo bà, việc thúc đẩy tiêu dùng thông minh đối với sản phẩm hữu cơ cũng nhằm bảo đảm quyền lợi cho các nhà sản xuất chân chính.

“Thay vì sử dụng thuật ngữ hướng hữu cơ, Nhà nước có thể áp dụng thuật ngữ “phương pháp sản xuất tốt” theo hướng hữu cơ như đã từng áp dụng trước đây trong sản xuất VietGAP để áp dụng cho những sản phẩm đang trong quá trình chuyển đổi nhưng chưa đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Điều này giúp người tiêu dùng tránh được sự nhầm lẫn và khuyến khích nhà sản xuất nỗ lực đạt tới tiêu chuẩn cao của sản xuất hữu cơ”.

Cũng theo bà Nhung, cần có cơ chế kiểm soát tốt hơn trách nhiệm của đơn vị sản xuất và phân phối trong việc dán nhãn sản phẩm. Đây vốn là một khâu còn yếu khiến thị trường tiêu thụ nông sản hữu cơ chưa thật sự phát triển bền vững và mang lại lợi ích tích cực cho người tiêu dùng. Nông sản nói riêng và nông nghiệp nói chung là thế mạnh Việt Nam. Lợi thế đó có được đẩy mạnh, phát huy hơn nữa hay không phụ thuộc rất nhiều bởi trách nhiệm của cơ quan quản lý lẫn kiến thức của người tiêu dùng.

Theo Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030, diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 2,5-3% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp. Diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng hơn 2% tổng diện tích đất trồng trọt. Sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 2-3% tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong nước. Diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 1,5-3% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản… Giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hữu cơ cao gấp 1,5-1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ.