Dự kiến trong kỳ họp thứ 9 khóa XV diễn ra vào tháng 5 sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (thuế TTĐB). Một trong những nội dung đáng chú ý là đề xuất mở rộng đối tượng chịu thuế, bao gồm cả nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 12828:2019), nếu hàm lượng đường vượt quá 5g/100ml. Mặt hàng này dự kiến sẽ phải chịu áp mức thuế suất 10%, do đây là mặt hàng mới.
Nguy cơ gia tăng hàng hóa phi chính thức
Một trong những lý do được đưa ra để đánh thuế TTĐB lên nước giải khát (NGK) có đường là để kịp thời ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì đáng báo động ở trẻ em và thanh thiếu niên, nhằm dự phòng giảm thiểu rủi ro bệnh tật và gánh nặng y tế. Dự thảo luật dẫn chứng tăng trưởng tiêu thụ NGK liên tục tăng, trung bình từ 6,4 - 8,7%, đồng thời tỷ lệ trẻ em thừa cân béo phì tại Việt Nam tăng dần đều, dự báo đến 2030 sẽ có 2 triệu trẻ em mắc bệnh này.
Theo PGS, TS Nguyễn Quang Dũng, Trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm (Trường đại học Y Hà Nội), tại Việt Nam chưa có nghiên cứu nào chỉ ra NGK gây ra thừa cân, béo phì, còn trên bình diện thế giới, vấn đề này vẫn đang tranh cãi.
TS Dũng cho rằng nhận định sử dụng NGK gây thừa cân, béo phì là chưa hợp lý. Tỷ lệ trẻ em sử dụng nước ngọt tại khu vực thành thị thấp hơn so khu vực nông thôn (16,1% so 21,6%), nhưng trẻ em thành thị có tỷ lệ béo phì cao hơn (41,9% so 17,8%).
Đồng quan điểm này, TS Nguyễn Quốc Việt, Chuyên gia Chính sách công của Trường đại học Kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, việc đề xuất áp thuế TTĐB với NGK mà bỏ qua các sản phẩm chứa đường khác có thể làm tăng nguy cơ người dân lựa chọn đồ uống thay thế không nguồn gốc, nhãn mác và không làm giảm nguy cơ thừa cân, béo phì.
Lo ngại của ông Việt không phải là không có căn cứ, bởi như với thuốc lá, sau nhiều lần điều chỉnh thuế TTĐB, thuốc lá lậu vẫn tràn ngập thị trường, chiếm 20-25% thị phần. Hệ quả, ngân sách thất thu hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế, người tiêu dùng có nguy cơ sử dụng sản phẩm không được kiểm soát chất lượng và gây mất an ninh biên giới.
Tương tự đó, rượu cũng là mặt hàng bị đánh thuế TTĐB rất cao (lên tới 65% với rượu mạnh). Điều này khiến rượu hợp pháp có giá rất cao, trong khi rượu lậu, rượu nấu thủ công không phép được bán tràn lan ngoài thị trường. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các cơ quan chức năng, khoảng 70% lượng rượu tiêu thụ tại Việt Nam là không chính thức hoặc không kiểm soát được, hệ quả là nhiều vụ ngộ độc rượu thương tâm đã diễn ra trong nhiều năm qua.
Nỗi lo thất thu thuế và mục tiêu tăng trưởng
Ông Việt cũng cảnh báo, việc tăng thuế đột ngột với mức cao có thể làm giảm sức mua của người tiêu dùng, gián đoạn hoạt động kinh doanh, thu hẹp đầu tư và làm giảm tốc độ tăng trưởng.
Bên cạnh đó, báo cáo đánh giá việc áp dụng chính sách thuế TTĐB này sẽ không chỉ tác động trực tiếp lên ngành đồ uống mà còn tác động lan tỏa tới 25 ngành trong nền kinh tế và dẫn đến sụt giảm khoảng 0,448% GDP, tương ứng 42.570 tỷ đồng. Do vậy, Viện Quản lý kinh tế Trung ương đề xuất chưa áp dụng thuế TTĐB đối với NGK.
Đồng quan điểm, Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Doanh nghiệp và Pháp chế Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho rằng, hiện tại chưa nên đưa NGK vào danh mục chịu thuế TTĐB ở lần sửa đổi này mà cần có những nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng và toàn diện hơn làm cơ sở ra quyết định.
Còn ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc Khu vực kiêm Trưởng Đại diện, Hội đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ US-ASEAN cho biết thêm, hiện nay cộng đồng doanh nghiệp đang gặp khó khăn, bằng chứng là Chính phủ đang phải có các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp như giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) trong 6 tháng đầu năm 2025 và giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.
Nhiều chuyên gia đánh giá, việc áp thuế TTĐB 10% đối với NGK không chỉ tác động tiêu cực đến ngành đồ uống mà còn tác động đến toàn bộ nền kinh tế, làm giảm sức mua của người tiêu dùng và gián đoạn hoạt động kinh doanh. “Điều này đi ngược lại với mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% vào năm 2025 và hướng tới tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo theo Nghị quyết NQ192/2025/QH15”, TS Việt nói.