Tiềm năng phát triển du lịch Halal

Nhằm khai phá các tiềm năng của Hà Nội trong việc phát triển du lịch Halal, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã có những sáng kiến, khuyến nghị trong Hội thảo quốc tế “Triển vọng phát triển du lịch gắn với Halal trên địa bàn thành phố Hà Nội” diễn ra ngày 15/4 vừa qua.
0:00 / 0:00
0:00
Hiệu trưởng HCCT phát biểu ý kiến tại hội thảo.
Hiệu trưởng HCCT phát biểu ý kiến tại hội thảo.

Hội thảo do Trường cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội (HCCT) phối hợp tổ chức cùng Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi (ISAWAAS) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS), Trường đại học RMIT và Đại sứ quán Azerbaijan, Paskistan, Palestine, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan; Trung tâm Chứng nhận Halal Việt Nam; Công ty TNHH Tư vấn và đào tạo Halal Raja Việt Nam.

Hội thảo chủ yếu tập trung vào các nội dung chính như: Xây dựng chính sách, chiến lược phát triển du lịch Hồi giáo phù hợp xu thế toàn cầu; tăng cường hợp tác quốc tế, kết nối giữa các bên liên quan để thúc đẩy du lịch Hồi giáo; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành du lịch Hồi giáo; xây dựng hình ảnh Hà Nội trở thành điểm đến du lịch Hồi giáo hấp dẫn, thân thiện.

Chia sẻ tại hội thảo, ngài Kohdayar Marri, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Pakistan tại Việt Nam cho biết, trước tiên cần phải hiểu đúng về khái niệm “du lịch Halal”. Theo đó, du lịch Halal nghĩa là mọi dịch vụ đều thân thiện, phù hợp những yêu cầu đặc thù của đạo Hồi. Thời gian gần đây, du lịch Halal đang nổi lên như một xu hướng toàn cầu, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành du lịch tại nhiều quốc gia. Ước tính có khoảng 1,9 tỷ người Hồi giáo trên toàn thế giới và dự báo sẽ đạt gần 2,2 tỷ người vào năm 2030, chiếm khoảng 30% dân số toàn cầu. Với số lượng này, đến năm 2030, ước tính du lịch Halal sẽ đóng góp 334,5 tỷ USD vào ngành du lịch thế giới.

Trước những con số tiềm năng này, nhiều quốc gia trên thế giới thời gian qua đã triển khai nhiều chính sách nhằm thu hút khách du lịch Hồi giáo. Theo xếp hạng Chỉ số Du lịch Hồi giáo toàn cầu (GMTI) năm 2022, các quốc gia phi Hồi giáo trong khu vực gần với Việt Nam như: Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Thailand… đều thuộc top 3 điểm đến ưu thích của người Hồi giáo ngoài Hội đồng hợp tác Hồi giáo (OIC).

Trong khi đó, Thủ đô Hà Nội là một trung tâm văn hóa, kinh tế và chính trị quan trọng của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á và đang hướng tới xây dựng hình ảnh về một điểm đến du lịch thân thiện, đa dạng văn hóa. Dù vậy hiện nay, các sản phẩm và dịch vụ Halal tại Hà Nội chưa phát triển toàn diện đồng bộ, dẫn đến hạn chế trong thu hút du khách Hồi giáo.

“Cần phải nhìn vào thực tế rằng, Hà Nội chưa đáp ứng được nhu cầu của những vị khách du lịch đến từ các quốc gia Hồi giáo và thậm chí sự quan tâm của người dân Việt Nam trong việc thu hút du khách Hồi giáo mới chỉ bắt đầu xuất hiện gần đây, khi Chính phủ có chủ trương phát triển kinh tế Halal. Là một thành phố với gần 10 triệu dân, song chúng ta chỉ có một thánh đường Hồi giáo, một vài nhà hàng đạt tiêu chuẩn Halal, trong khi các cơ sở lưu trú không đáp ứng yêu cầu của người Hồi giáo. Chủ trương đã có, hiện là lúc để chúng ta hành động”, ngài Saadi Salama, Đại sứ Palestine tại Việt Nam nhấn mạnh.

Tiềm năng phát triển du lịch Halal ảnh 1

Đại sứ Palestine tại Việt Nam (trái) trao đổi cùng diễn giả.

Nhằm giúp Hà Nội trở thành điểm đến tiềm năng của du khách Hồi giáo, PGS, TS Đinh Công Hoàng, Trưởng phòng Nghiên cứu Trung Đông và Tây Á thuộc ISAWAAS cho rằng, cần thừa nhận những thiếu sót, thách thức mà Thủ đô của chúng ta đang gặp phải, để từ đó đề ra các giải pháp cần thiết. PGS, TS Đinh Công Hoàng đề xuất trước mắt cần nâng cao nhận thức và hiểu biết về Halal và các sản phẩm, dịch vụ Halal cho các bên liên quan trong du lịch; thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch thân thiện với người Hồi giáo; xây dựng chính sách và kế hoạch hỗ trợ phát triển Halal trong ngành du lịch; tăng cường quảng bá và xúc tiến thị trường và cuối cùng cần xây dựng chiến lược du lịch tổng thể gắn với Halal.

Đồng tình với đề xuất nói trên, ông Ramlan Osman, Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia (HALCERT) cũng khuyến khích nên tổ chức nhiều buổi hội thảo tương tự để các khái niệm về Halal có thể được biết rộng rãi hơn nữa. Trong khi đó, Đại sứ Palestine tại Việt Nam cũng đánh giá các sáng kiến trong hội thảo do HCCT chủ trì là vô cùng thiết thực về lĩnh vực mà Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm để thúc đẩy ngành Halal nói chung ở Việt Nam. Đây là một lĩnh vực rất quan trọng đối với Việt Nam, một quốc gia đã mở cửa và muốn tiếp tục thúc đẩy và phát triển mối quan hệ với các nước trên thế giới.

“Khi du khách đến với Việt Nam nói chung hay Hà Nội nói riêng, đều thấy rằng đây là vùng đất rất đẹp, có một nền văn hóa lâu đời. Tuy nhiên, làm thế nào để thu hút tệp khách hàng tiềm năng đến từ các quốc gia là một bài toán cần được giải đáp”, ông Salama nhấn mạnh. Ông cũng bày tỏ tin tưởng UBND thành phố Hà Nội cũng như các cơ quan liên quan chắc chắn khắc phục những thách thức, tìm thấy hướng đi đồng bộ để phát triển du lịch Halal trên địa bàn Thủ đô.