Có một số nhà nghiên cứu, hiện còn đang bỏ công sức đi tìm để chứng minh rằng, người Việt có chữ (chữ Việt cổ) trước cả người Hán. Yêu tiếng Việt đến (có thể) vô vọng như thế, mới là yêu! (Ngày trước, để bảo vệ danh dự văn hóa Bun-ga-ri, G.Đi-mi-tơ- rốp
còn mắng thẳng vào mặt tòa án phát-xít rằng, “Người Bun-ga-ri đã trước tác bằng tiếng Xla-vơ từ khi Hoàng đế Sác-lơ Canh (Đức) còn bảo, tiếng Đức chỉ đáng dùng để nói với ... ngựa!”. Thế cũng là một cách yêu ngôn ngữ dân tộc, và thế mới là yêu!). Yêu “thường thường bậc trung” thì nói làm gì?
Trước khi chứng minh được rằng chữ Việt cổ là có thật, ta vẫn đã có một của báu vĩnh cửu, là tiếng nói Việt tự xa xưa.
Tiếng nói Việt tồn tại và phát triển trong cái “vỏ” chữ Nho hàng nghìn năm. Bằng cách viết chữ Nho mà vẫn đọc bằng âm Việt - chả đọc theo ai/ cần thì “bút đàm”- cha ông ta đã đạt tới những thành tựu phi thường.
Rồi tiếng nói Việt tồn tại và phát triển trong cái “vỏ” chữ Nôm - cải tiến mặt chữ Nho để có cái “vỏ” riêng cho tiếng nói Việt - mà có thành tựu vĩ đại là thơ Nôm (thơ quốc âm) của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan... Rồi chỉ vì cái nhược điểm chí tử của chữ Nôm, là cứ phải giỏi chữ Nho mới giỏi chữ Nôm được - mặt chữ Nôm còn phức tạp hơn cả mặt chữ Nho - mà chữ Nôm không thành ra “quốc tự”! Nhưng dù thế, thì “quốc âm” - âm Nôm (âm Nam?) - chỉ ngày càng phong phú, càng hay - đẹp, chứ không bao giờ mai một. Cái tình yêu “quốc âm” ấy, vòi vọi thay!
Thế rồi, tiếng nói Việt lại tồn tại trong cái “vỏ” Quốc ngữ, cho đến giờ! Ba tháng là xóa được mù chữ! Quốc ngữ lợi hại như vậy, không dùng mà được ư? Từ lâu, ta đã điềm nhiên dùng Quốc ngữ để “phiên” chữ Nho ra cho dân ta đọc theo “âm” Việt. Ta hay gọi đó là lối “phiên âm” Hán - Việt. Nhiều người bảo, tiếng nói Việt có trước, rồi sau mới “chui” vào cái “vỏ” chữ Hán, thế thì phải gọi lối “phiên âm” đó là lối “phiên âm” Việt - Hán mới đúng chứ? Sao lại đi gọi là lối “phiên âm” Hán- Việt? Tiếng ta có trước cơ mà? Sinh ra trước thì phải là “anh/ chị” chứ? Nghe mà yêu! Mà khi đã yêu, đúng sai bàn sau!
***
Thế là tiếng nói Việt, dù phải khoác “áo” ký tự tượng hình hay ký tự tượng... hài, cứ còn mãi và ngày càng đẹp, ngày càng hay, ngày càng giàu khả năng diễn đạt và biểu cảm, kể cả ở các lĩnh vực ngoài thơ phú/ kinh kệ.
Dần dà, tiếng nói Việt đủ để dân gian truyền dạy đạo lý: “Công cha như núi Thái Sơn - Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, “Đừng bao giờ mắng ăn mày - Búng tay một cái, ăn mày là ta”, “Có xáo thì xáo nước trong- Chớ xáo nước đục, đau lòng cò con”, “Gió mùa thu mẹ ru con ngủ - Năm canh chầy thức đủ vừa năm”...; đủ để truyền dạy kinh nghiệm sống, kinh nghiệm sản xuất: “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa”, “Hoa gạo rụng xuống ta tra hạt vừng”...; đủ để diễm tình: “Trèo lên cây bưởi hái hoa - Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân- Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc - Em lấy chồng rồi, anh tiếc lắm thay”, “Hôm qua tát nước bên đình - Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen”, “Ngày xưa có anh Trương Chi - Người thì thật xấu, hát thì thật hay”... Tinh hoa thì viết: “Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom” (Hồ Xuân Hương), “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng - Xếp tàn y lại để dành hơi” (Tự Đức), “Ngõ trúc quanh co khách vắng teo...” (Nguyễn Khuyến), “Hỏi ô, ô mất bao giờ - Hỏi em, em cứ ỡm ờ chẳng thưa” (Tú Xương), “Từ (là từ) phu tướng- Bảo kiếm sắc phong lên đàng...!” (Cao Văn Lầu), “Chí làm trai say mê yêu nước - Em dạ nào trách móc tình ai?” (Ru con Nam Bộ), v.v.
Khát vọng cha ông là thế, cố gắng bao đời là thế, quằn quại đi tìm “vỏ” cho tiếng nói Việt là thế, thành tựu rực rỡ là thế, làm người Việt, không yêu tiếng Việt nhất, thì yêu tiếng gì nhất?
Cho đến giờ, bao người viết vẫn còn học các cụ: chay tịnh, thắp hương rồi mới “khai bút”. Kính yêu tiền nhân và tiếng Việt lắm, mới làm vậy. Bị “mắng” là không (hay chưa) yêu tiếng Việt, là bị mắng rất nặng! Không buồn, không tự ái, cũng khó! Nhưng bắt mọi người đều phải yêu bằng nhau luôn, thì cũng... khó như thế!
***
Nhưng tiếng Việt cũng phải chia ra làm hai mảng: Tiếng Việt thông dụng, và tiếng Việt nghệ thuật (chưa kể những mảng tiếng Việt “chuyên ngành”, trong đó có tiếng Việt hành chính rất cần chuẩn xác, sẽ càng ngày càng nhiều ra).
Với tiếng Việt thông dụng thì trước hết, cứ “tiện” là dùng, nhưng càng chính xác, ngắn gọn và dễ hiểu - càng đông người hiểu - càng tốt. Mọi sự khiên cưỡng, pha tạp, thậm chí lố bịch, dần sẽ rơi vãi đi, vì nhất định người ta phải tiến (dần) tới sự chính xác, ngắn gọn, dễ hiểu (giản dị?). Việc trót lười biếng (hoặc là vội vàng hay chưa đủ nhạy cảm) mà làm cho tiếng Việt thiếu trong sáng, chỉ là “tạm thời”, mỗi khi gặp những từ hoặc cú pháp mới ngoại nhập mà thôi. Nói thế, nhưng tiếng Việt thông dụng cũng có những câu thú vị ra phết! Thí dụ: “Thảo dân đi Tô-y-ô-ta/ Cha con Thượng đế ra ga đợi tàu” ,v.v.
Nhưng nếu cứ mặc kệ thế, cứ để cho tiếng Việt thông dụng “tự lọc” tự nhiên thế, thì chậm và dở! Cho nên nhà trường (đặc biệt là nhà trường phổ thông) và những nhà ngôn ngữ học chuyên nghiệp không được lười biếng như thiên hạ, trong việc “chuẩn hóa” tiếng Việt, và dù có không vội vàng, thì cũng phải thường xuyên nhanh nhạy viết sách (và dạy) thiên hạ tu từ. Phép tu từ được dạy từ khi người ta còn bé, là tốt nhất (Học ăn, học nói, học gói, học mở mà lại). Sách giáo khoa, đặc biệt là sách giáo khoa về tiếng Việt của ta, lâu nay còn dài dòng và chưa tốt lắm!
Sau sách giáo khoa, thì những tác phẩm văn học tiếng Việt (hoặc những tác phẩm văn học dịch ra tiếng Việt) hay, là những “công cụ” tu từ tốt nhất. Nhưng nói thế là đã nói đến mảng tiếng Việt nghệ thuật rồi.
Tiếng Việt nghệ thuật thì cũng phải xuất phát từ tiếng Việt thông dụng, nhưng dần được các “khuyết danh” nghìn đời lọc lựa tạo nên (trong ca dao - tục ngữ - dân ca - truyện cổ tích - truyện thơ dân gian), rồi lại được văn nghệ sĩ “hay chữ” nghìn đời dần chọn dùng và sáng tạo, nâng cao thêm trong các tác phẩm của họ. Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân chỉ là tiếng Việt thông dụng, nhưng Mai cốt cách, tuyết tinh thần thì nếu không trọng mai kính tuyết như Nguyễn Du, không thể viết tiếp vào đó để cùng hai câu trước gộp lại mà thành ra tiếng Việt nghệ thuật được! Lép nhép dăm hàng tỏi - Lơ thơ mấy bụi khương thì người thường cũng viết được, nhưng viết tiếp hai câu sau để bài tuyệt cú của mình thành ra “tuyệt cú”, thì chỉ có Nguyễn Gia Thiều: Vẻ chi tèo teo cảnh - Thế mà cũng tang thương! v.v. và v.v.
Cho nên, khi nhà trường dạy tu từ tốt; khi văn chương ta trong sáng, đẹp đẽ, hay ho; khi truyền thông (cực quan trọng với đương thời) cố gắng không vì vội vàng mà mắc mãi những lỗi khiên cưỡng, pha tạp, lố bịch; thì từ việc bé như cái việc đặt nghệ danh, cho tới những việc lớn như việc làm cho tiếng Việt đẹp đẽ, tất thành!
Thì đấy, thường, người “có chữ” đặt tên con... hay hơn người “ít chữ”. Cho nên, xưa nay mới có việc đi xin tên, xin chữ. Mà biết đi xin tên, xin chữ, cũng đã là biết yêu tiếng Việt nghệ thuật rồi. Tiếng Việt nghệ thuật nâng cao và “hàn lâm” hóa dần tiếng Việt thông dụng theo kiểu ấy.
Điều cuối cùng, không vui gì nhưng phải thừa nhận, là có nhiều người (ngày càng nhiều) đặt tên, đặt hiệu, nói năng và viết lách vì những mục đích khác với mục đích làm trong sáng tiếng Việt (để kiếm lợi, tìm danh; để khác biệt, hội nhập...). Thậm chí, nhiều “tác giả” văn chương cũng làm thế. Thí dụ, có nhà thơ viết bằng tiếng Việt hẳn hoi, mà lại khuyên các đồng nghiệp trẻ rằng: “Phải làm thơ sao cho dễ dịch ra tiếng nước ngoài thì mới có thể nổi tiếng”. Khổ quá! Thơ mà đã “dễ dịch” thì nào có mấy khi hay? Nào có mấy khi “đậm đà bản sắc” Việt? Mà khi đã không “đậm đà bản sắc” Việt, thì sao các nhà thơ lại có công trong việc bảo vệ và nâng cao tiếng Việt được?