Tiếp tục phát triển nền văn học, nghệ thuật Đà Nẵng trong bối cảnh mới

NDO - Sáng 5/12, tại Đà Nẵng, Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Văn học, nghệ thuật Đà Nẵng-50 năm xây dựng và phát triển”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Hội thảo với 13 bài tham luận của các văn nghệ sĩ và nhà quản lý đã cung cấp cho các đại biểu những thành quả nổi bật mà văn học, nghệ thuật Đà Nẵng đã đạt được trong suốt 50 năm qua, từ thời kỳ sau giải phóng đến nay.

Các đại biểu, báo cáo viên tại hội thảo đã trao đổi sôi nổi kinh nghiệm, góc nhìn về sự phát triển và tiềm năng của văn học, nghệ thuật Đà Nẵng; đưa ra các định hướng và giải pháp phát triển bền vững cho văn học, nghệ thuật Đà Nẵng trong những năm tiếp theo.

Tiếp tục phát triển nền văn học, nghệ thuật Đà Nẵng trong bối cảnh mới ảnh 1

Đại biểu phát biểu tham luận tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc, nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng bày tỏ sự vui mừng trước những thành tựu mà văn học, nghệ thuật Đà Nẵng đã đạt được suốt nửa thế kỷ qua.

Qua 50 năm xây dựng và phát triển, văn nghệ sĩ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam, khẳng định vị thế của Đà Nẵng trên bản đồ văn hóa cả nước.

Tại hội thảo, các bài tham luận tham luận đều đặt ra định hướng “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” cho văn hóa, nghệ thuật Đà Nẵng; đồng thời thể hiện quyết tâm hòa nhập với xu thế hiện đại.

Thạc sĩ, nhà nghiên cứu Đinh Thị Trang, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng đã chỉ ra các thách thức của quá trình đô thị hóa đối với văn hóa, văn nghệ dân gian, cho rằng xu hướng đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng ở Việt Nam, sự tác động quá trình đô thị hóa với văn hóa dân gian và ngược lại đang là quá trình tác động hai chiều, ảnh hưởng đến phát triển bền vững; đồng thời, nêu lên tầm quan trọng của công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống.

Đánh giá sâu sắc về thực trạng sáng tác hiện nay, nhà thơ Nguyễn Kim Huy, Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng đã phân tích những hạn chế như: thiếu sự gắn bó với cuộc sống hiện đại, xu hướng viết bút ký “nhẹ nhàng” hoặc các tác phẩm mang tính khuôn mẫu; đồng thời đưa ra quan sát thực tế rằng, các nhà văn hiện nay chủ yếu coi viết lách là nghề tay trái, điều này ảnh hưởng đến chất lượng và cả số lượng các tác phẩm.

Tiếp tục phát triển nền văn học, nghệ thuật Đà Nẵng trong bối cảnh mới ảnh 3

Các đại biểu tham gia thảo luận.

Đánh giá cao các bài tham luận giàu nội dung, am hiểu sâu sắc về văn hóa, văn nghệ của các văn nghệ sĩ tại hội thảo, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng Nguyễn Nho Khiêm cho rằng: "Văn học, nghệ thuật không chỉ là tấm gương phản ánh đời sống, mà còn là nguồn động lực, là sợi dây kết nối con người với nhau. Hội thảo là cơ hội để chúng ta dự báo những triển vọng, thách thức, và cùng nhau đề ra những giải pháp nhằm tiếp tục phát huy, phát triển nền văn học, nghệ thuật của Đà Nẵng, phù hợp với bối cảnh mới của đất nước".

Ngoài các bài tham luận của văn nghệ sĩ trên địa bàn thành phố, hội thảo còn có bài tham luận của đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng, nhằm cung cấp một cái nhìn tổng quan, chi tiết và hệ thống về những nỗ lực của ngành giáo dục trong việc lồng ghép văn hóa nghệ thuật vào chương trình giảng dạy học đường.