Không phải ngẫu nhiên mà sau giải đấu, HLV Christiano Roland đã nói với các cầu thủ rằng hãy ngẩng cao đầu, bởi họ “vẫn còn cả chặng đường dài phía trước, hành trình này chỉ mới bắt đầu”.
Vấn đề là ở chỗ chặng đường ấy, hành trình ấy sẽ được xây dựng ra sao? Người ta đã chứng kiến nhiều cầu thủ U17 của Nhật Bản, UAE, Australia có mặt trong đội hình đội tuyển quốc gia chỉ vài năm sau đó nhưng ở Việt Nam, đó là một hành trình gian nan và cực kỳ khó khăn.
Nhìn vào các CLB đang chơi ở giải vô địch quốc gia V.League, dễ nhận thấy chỉ vài đội có được trung tâm đào tạo trẻ “ra tấm ra miếng” và chẳng có mấy đội xây dựng được một chiến lược đào tạo trẻ bài bản. Ấy là chưa nói đến việc cho phép sử dụng ngoại binh ngày càng nhiều khiến cơ hội được ra sân của cầu thủ trẻ khá mờ mịt. Thế nên khi Kubo hay Nakamura Keito, những cầu thủ Nhật Bản đang thi đấu thành công ở châu Âu thì một cầu thủ Việt Nam có tài năng chẳng kém họ lúc cùng thi đấu ở giải U16 châu Á hồi 10 năm trước là Khắc Khiêm giờ đây đang lận đận ở một đội trung bình của giải hạng Nhất với tương lai bất định. Ở giải U17 châu Á vừa qua, chúng ta trình làng những gương mặt tài năng như Gia Bảo, Hồng Phong, Trọng Duy, Việt Anh. Liệu những cái tên ấy sau đây vài năm có còn được nhắc đến, có khi nào xuất hiện trong danh sách đội tuyển quốc gia hay không là một câu hỏi gắn với trách nhiệm của những người làm bóng đá.
Quang Hải, Hoàng Đức, Duy Mạnh... là thế hệ những cầu thủ trẻ được đầu tư rất tốt, được bố trí chơi cạnh nhau trong nhiều năm ở các giải đấu quốc tế và được đội bóng chủ quản cho ra sân thường xuyên ở V.League để tích lũy kinh nghiệm, và bóng đá Việt Nam có được một thế hệ thành công. Tất cả những điều ấy có thể lặp lại cho các lứa trẻ hiện nay, trong đó có U17. Thế nhưng sẽ là điều khó hiểu nếu chúng ta không thể thực hiện lộ trình như thế sau khi đã có những kinh nghiệm thành công từ thế hệ vàng 1995-1997.