Nếu tình thế ở tốp dẫn đầu năm nay được đánh giá là khá cân tài cân sức và các trận đấu tuy rất căng thẳng nhưng sòng phẳng thì hiện nay đã có những quan ngại đối với một số trận đấu ở nhóm đua trụ hạng. Có một thời gian dài các đội bóng ở V.League xảy ra chuyện “chia phe” và cùng với đó là kiểu chơi “3 đi 3 về”, anh thắng tôi ở lượt đi còn tôi thắng lại anh ở lượt về. Bên cạnh tiểu xảo nói trên là một mánh khóe khác, cụ thể là dồn hết sức thi đấu với đối thủ không cùng “phe” trong khi tùy tình hình để quyết định thái độ thi đấu nếu gặp “phe mình”. Đây chính là điều khiến người ta quan ngại với nhóm cuối bảng ở giai đoạn này. Đơn cử là câu chuyện của 3 đội bóng SHB Đà Nẵng, Bình Định và Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Về điểm số, Đà Nẵng đang đứng cuối bảng, ít hơn đội xếp trên là Bình Định 2 điểm, tuy nhiên Đà Nẵng đang hưng phấn sau trận thắng Thanh Hóa (vòng 20) vừa qua để thắp lên hy vọng trụ hạng. Ở vòng 21, Bình Định gặp HAGL và nếu thắng thì sẽ có cơ hội bỏ xa Đà Nẵng trước khi Bình Định và Đà Nẵng gặp nhau ở trận “chung kết ngược” vòng 22.
Như vậy, trận đấu đáng chú ý ở nhóm trụ hạng sẽ là trận Bình Định gặp HAGL. Vấn đề là ở chỗ cứ theo những biểu hiện ở nhiều mùa bóng thì đây là 2 đội bóng cùng phe. Mùa giải năm ngoái, khi HAGL đang sắp rớt hạng và gặp Bình Định, đội bóng khi ấy còn nhiều ngôi sao này đã tung ra sân đội hình toàn cầu thủ dự bị. Điều bi hài ở chỗ đúng phút cuối trận, cầu thủ ngoại binh của Bình Định bất ngờ ghi bàn và “tai nạn” ấy được thể hiện ở việc toàn đội Bình Định đã không ăn mừng bàn thắng. Đây là lý do khiến người ta nửa tin nửa ngờ về trận Bình Định gặp HAGL ở vòng 21, bất kể kết quả ra sao. Đó mới chỉ là một góc của đời sống V.League. Nếu điều ấy cứ tiếp diễn, chuyện nâng tầm giải đấu hẳn vẫn chỉ là giấc mộng không thành của các nhà quản lý bóng đá.