Tọa đàm “Tuổi trẻ Nho Quan với bộ đội Tây Tiến”

NDO - Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025) và hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Trung đoàn 52 Tây Tiến (1947-2027), ngày 17/5, Ban liên lạc Truyền thống Tây Tiến phối hợp Hội Cựu chiến binh tỉnh Ninh Bình và Huyện ủy Nho Quan, Huyện Đoàn Nho Quan tổ chức buổi giao lưu, tọa đàm “Tuổi trẻ Nho Quan với bộ đội Tây Tiến”.
0:00 / 0:00
0:00
Cựu chiến binh Giang Hồng Phúc, bà Bùi Phương Thảo, Trưởng Ban liên lạc Truyền thống Tây Tiến tọa đàm với các bạn trẻ huyện Nho Quan.
Cựu chiến binh Giang Hồng Phúc, bà Bùi Phương Thảo, Trưởng Ban liên lạc Truyền thống Tây Tiến tọa đàm với các bạn trẻ huyện Nho Quan.

Tại buổi tọa đàm, đoàn Ban liên lạc Truyền thống Tây Tiến gồm 30 thành viên đến từ Hà Nội, trong đó có cựu chiến binh Giang Hồng Phúc, 94 tuổi, là nhân chứng lịch sử còn lại của bộ đội Tây Tiến, đã giao lưu với hơn 100 đại biểu cựu chiến binh, đoàn viên thanh niên, các thầy, cô giáo Trường THCS xã Gia Lâm, Trường THPT Nho Quan (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình).

Xã Gia Lâm, xã Yên Quang và một số xã trên địa bàn huyện Nho Quan là nơi bộ đội Tây Tiến từng hành quân và chiến đấu, là một trong những chiến trường ác liệt thời kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp giai đoạn 1947-1950.

Cũng trên mảnh đất này, nhiều trận chiến đấu anh dũng của quân và dân huyện Nho Quan đã ghi dấu những chiến công, cũng như để lại bao hy sinh, mất mát…

Nho Quan từng là chiếc nôi của phong trào "luyện quân", "lập công" rất sôi nổi, cũng là địa điểm đẩy mạnh phát triển Đảng của bộ đội Tây Tiến, đã tạo nên hình ảnh đẹp đội ngũ bộ đội cụ Hồ trong lòng dân.

Nơi đây diễn ra 3 trận chiến đấu ác liệt giữa bộ đội Tây Tiến với giặc Pháp bên bờ sông Hoàng Long, xóm Bích Sơn và núi Ỷ Na. Đó là những trận đánh đến hơi thở cuối cùng của nhiều cán bộ và chiến sĩ Tây Tiến.

Nho Quan còn được coi là "Thủ đô của Tây Tiến" với những khu buôn bán của các gia đình từ Hà Nội tản cư về đây, với những rạp hát và có cả “ảnh viện Miền Tây”. Cuộc sống của bộ đội và các gia đình Tây Tiến luôn được nhân dân Nho Quan tận tình giúp đỡ.

Có thể nói, nhân dân Nho quan nói chung và xã Gia Lâm nói riêng, từ xưa đã có truyền thống yêu nước, dũng cảm, cùng với bộ đội Tây Tiến lập nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Lịch sử đã ghi “vào năm 1948, khi quân Pháp từ Hà Nội theo đường 6A đánh đến đồi Bích Sơn, tiểu đoàn trưởng Hoàng Khải Tiến tích cực chỉ huy đánh địch. Trong tình thế hiểm nghèo, chính trị viên Nguyễn Hiền hô lớn: “Các đảng viên anh dũng tiến lên!” Lập tức hàng loạt tiếng hô “xung phong” đáp lại hòa tiếng súng, tiếng lựu đạn vang dội vào vách đá. Trong ít phút phản công, quân địch bị đánh bật xuống chân núi rồi tháo chạy. Trận Ỷ Na được báo cáo điển hình tại hội nghị bí thư chi bộ toàn quân ở Việt Bắc vào tháng 2, năm 1949”.

Tọa đàm “Tuổi trẻ Nho Quan với bộ đội Tây Tiến” ảnh 2

Đại diện Ban liên lạc Truyền thống Tây Tiến tặng quà cho quỹ khuyến học của các xã.

Tại cuộc tọa đàm trò chuyện với thế hệ trẻ, cựu chiến binh Giang Hồng Phúc đã kể nhiều câu chuyện người thực, việc thực là những kỷ niệm đẹp về tình quân dân. Đó là hình ảnh người mẹ Nho Quan đã coi bộ đội Tây Tiến như con, nhường cơm, sẻ áo cho bộ đội.

Buổi giao lưu, tọa đàm “Tuổi trẻ Nho Quan với bộ đội Tây Tiến” nhằm nhắc nhở sự hy sinh dũng cảm của bộ đội Tây Tiến đã chiến đấu để cùng bà con địa phương huyện Nho Quan gìn giữ mảnh đất này, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ, tiếp tục phát huy truyền thống cha ông trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.