Tuổi trẻ sống đẹp - Sống có ích

Trân trọng lịch sử của dân tộc

Hôm trước, cậu em trai tôi, học sinh lớp 12 của một trường THPT ở thủ đô về nhà và hớn hở thông báo: "Cả nhà ơi, vui quá. Có nhiều khả năng, năm nay bọn con không phải thi tốt nghiệp môn lịch sử. Đỡ tốn công học thuộc lòng...".

Nghe cậu em nói vậy, bố tôi từ tốn nói:

- Lịch sử của dân tộc là kho tàng kiến thức thiêng liêng, hào hùng, không chỉ giúp mỗi con người hiểu về truyền thống của đất nước mà còn đem đến những bài học kinh nghiệm, mở ra những hướng đi trong tương lai, trong con đường lập thân, lập nghiệp. Con không thích môn lịch sử là vì con chưa chăm học, chưa muốn hiểu hết về ý nghĩa của lịch sử. Nếu bố là người có quyền đề xuất thì theo bố, cần phải quy định học sinh lớp 12 phải thi tốt nghiệp môn lịch sử.

- Nhưng giờ học lịch sử trong trường chả hấp dẫn, hoạt động ngoại khóa hầu như không có. Mỗi lần kiểm tra chúng con phải học thuộc lòng hàng chục trang sách... rất mất thời gian, công sức. Cậu em trai tôi nêu ý kiến.

- Vấn đề chính là con và các bạn còn dành quá nhiều thời gian cho những việc làm khác, học tập, tích lũy tri thức thì ít mà giải trí thì nhiều. Nào lên mạng, chát với bạn bè, vào facebook, nghe nhạc quốc tế, xem phim nước ngoài... Nếu chịu khó bớt thời gian tìm hiểu lịch sử của dân tộc hàng nghìn năm qua, bố tin là con sẽ thấy có ích. Không có những giai đoạn lịch sử đó, con sẽ không có ngày hôm nay.

Nghe bố tôi nói vậy, cậu em trai im lặng. Tôi biết, những điều tâm huyết ấy chưa thể làm thay đổi ngay suy nghĩ của nó. Nhưng, suy nghĩ của cậu em tôi đang là tâm trạng của không ít thanh niên, học sinh hiện nay.

Theo tôi, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự thiếu đam mê, chưa nghiêm túc của tuổi trẻ đối với bộ môn lịch sử, đó là sự quan tâm của nhà trường, của các nhà quản lý giáo dục, của các cơ quan chức năng đối với việc đổi mới nội dung, phương thức giảng dạy chưa đúng mức, chưa thấu đáo. Dường như, cả xã hội đang bị cuốn vào những ngành học đang được ưa chuộng dễ kiếm việc làm và lãng quên bộ môn lịch sử.

Ba năm học phổ thông nhưng mới có một lần em tôi được nhà trường tổ chức đi tham quan, học tập tại viện bảo tàng và nội dung rất sơ sài, hình thức. Tại nhiều trường đại học, cao đẳng Thủ đô trong bốn năm học, nhà trường, đoàn trường, hội sinh viên cũng chưa một lần tổ chức cho các bạn trẻ đi tham quan, học tập tại các viện bảo tàng.

Sự coi nhẹ bộ môn lịch sử đã dẫn đến tâm trạng thờ ơ của học sinh, sinh viên. Bố tôi, một cán bộ khoa học tự nhiên, sau khi nói chuyện với con trai cũng phải thốt lên: Có lẽ, đã đến lúc báo động về thái độ của học sinh đối với lịch sử, truyền thống dân tộc. Đồng thời, các nhà quản lý giáo dục, các cơ quan chức năng cần cấp bách nghiên cứu, đổi mới nội dung giảng dạy để bộ môn lịch sử hấp dẫn hơn, nhẹ nhàng hơn đối với học sinh, không biến các bạn trẻ trở thành những "con vẹt" vô cảm, chai lỳ.

Có thể bạn quan tâm

back to top