Tuyến biên giới trên bộ thuộc thành phố Hà Tiên và huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang giáp với hai tỉnh Kam Pốt và Tà Keo (Vương quốc Campuchia) dài 56,8 km. Xưa kia, nơi đây là tàn tích của chiến tranh; ngày nay, các thế hệ hai bên biên giới cùng nhau vun đắp, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị.
ĐỔI THAY Ở BIÊN KHU ANH HÙNG
Chúng tôi ghé thăm Đồn Biên phòng Phú Mỹ (Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang) vào buổi chiều. Tại đây, một tốp cán bộ, chiến sĩ đang say sưa tập luyện. Tiếp chuyện chúng tôi, Thiếu tá Vũ Văn Hải, Chính trị viên phó của đồn cho biết, ngoài nhiệm vụ tuần tra, đơn vị thường xuyên rèn luyện các thao tác nghiệp vụ sẵn sàng chiến đấu và vận động quần chúng không để bị động trong mọi tình huống. Đồn Biên phòng Phú Mỹ có lịch sử đau thương nhưng rất đáng tự hào; tiền thân là Đồn Công an nhân dân vũ trang 829 (gọi tắt là Đồn 829) thành lập năm 1976 tại xã Phú Mỹ, thuộc huyện Hà Tiên (nay là xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành).
Năm 1978, tình hình biên giới Việt Nam-Campuchia căng thẳng, lực lượng Pôn Pốt- Ieng Sary tìm cách vượt biên giới vào nước ta. Tại đây, cán bộ, chiến sĩ Đồn 829 cùng du kích xã Phú Mỹ dũng cảm chiến đấu giành giật với địch từng bờ đê, thửa ruộng bảo vệ đồn, trạm, cư dân biên giới. Cuộc chiến xảy ra ác liệt, Ban Chỉ huy Đồn 829 đã thành lập đội cảm tử do các đồng chí Nguyễn Minh Phương và Hồ Đăng Khầm chỉ huy cùng 30 cán bộ, chiến sĩ quyết chiến đến hơi thở cuối cùng. “Ngày 17/5/1978 quân địch chiếm cứ điểm của ta, Đồn 829 mất liên lạc với cấp trên, hết đạn dược, anh em dương lê chờ địch đến gần đánh giáp lá cà.
Đến 12 giờ 15 phút cùng ngày, toàn bộ 30 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Ngày 8/3/1979, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất cho đồn về thành tích chiến đấu chống Pôn Pốt-Ieng Sary. Sau đó, đồn cũng đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Hình ảnh lực lượng Đồn 829 “Bám trụ kiên cường, lập công xuất sắc” bảo vệ biên cương Tổ quốc trong trận chiến ngày 17/5/1978 trở thành bất tử”, Thiếu tá Vũ Văn Hải bùi ngùi nhớ lại.
Trong hòa bình, Đồn Biên phòng Phú Mỹ cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hợp lực xây dựng lại biên khu trên tàn tích của chiến tranh. Khu tưởng niệm liệt sĩ Phú Mỹ giờ được trùng tu, xứng tầm với sự kiện lịch sử hào hùng. Cạnh đó là những trường học, trạm y tế xã với đầy đủ tiện nghi, nhân lực. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Mỹ Đặng Ngọc Sáng cho hay: Xã nghèo Phú Mỹ nay phát triển hơn nhờ có nhiều doanh nghiệp đến đầu tư nuôi tôm công nghiệp. Toàn xã có 350/350 ha nuôi tôm công nghiệp, sản lượng hơn 5.500 tấn/ năm; nuôi tôm quảng canh 2.595 ha, sản lượng hơn 1.100 tấn/ năm. Trên địa bàn có ba cơ sở nuôi tôm công nghiệp, giải quyết việc làm cho khoảng 300 lao động, góp phần giảm hộ nghèo của xã còn 25 hộ”.
Đi ngược về hướng Tây Nam ra phía biển, trước mắt chúng tôi là vùng đất biên thùy thành phố Hà Tiên trẻ trung, năng động, hội tụ nhiều danh thắng nổi tiếng. Đồng chí Mai Quốc Thắng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Tiên cho biết: Tuyến đường Nguyễn Phúc Chu rộng 40 m, dài 6 km nối nội tỉnh ra cửa khẩu quốc tế Hà Tiên đang gấp rút hoàn thành.
Đây là dự án quan trọng kết nối cửa ngõ giao thương giữa Việt Nam với nước bạn Campuchia và ngược lại. Với thế mạnh là du lịch, năm 2024 địa phương đón hơn 3,7 triệu lượt du khách, giải quyết việc làm cho hơn 1.400 lao động, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 1,39%. Các dự án đã và đang triển khai thi công, như: Khu đô thị biển New Vegas, Khu đô thị mới Hà Tiên, Khu nhà nghỉ cao cấp Bãi Nò, Khu nhà ở nghỉ dưỡng cao cấp Mũi Nai… hiện diện, góp phần thay đổi diện mạo của thành phố.
BIÊN GIỚI HỮU NGHỊ
Đồng bào Khmer vừa đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây. Mặc dù không phải là người Khmer, nhưng vợ chồng ông Trần Minh Phúc, ngụ ấp Trà Phô, xã Phú Mỹ vẫn đón tết cùng đồng bào. “Trên tuyến này khoảng 23 hộ, có cả người Việt và đồng bào Khmer cùng sinh sống, canh tác. Ở đây, chúng tôi sống rất hòa thuận, thỉnh thoảng qua lại giao lưu với phía nước bạn.
Tết của bạn tôi cũng xem như Tết của mình và ngược lại”, ông Phúc cho hay. Năm 1991, ông cùng vợ và bốn con dắt nhau từ Cà Mau lên biên giới lập nghiệp với muôn vàn khó khăn, nay đã có cơ ngơi 60 công đất nuôi tôm, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Trân trọng thành quả hiện tại, sự che chở của lực lượng biên phòng, ông Phúc tham gia cùng bộ đội biên phòng tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc. Ông hỗ trợ lều trại giúp bộ đội chống dịch Covid-19; tuyên truyền cho nhân dân chấp hành tốt các quy định về biên giới, không tham gia tiếp tay tội phạm buôn lậu…
Mới đây, tại Mốc 304/8, ấp Trà Phô, xã Phú Mỹ, chỉ huy Đồn Biên phòng Phú Mỹ phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Giang Thành trao kinh phí hỗ trợ từ chương trình “Nâng bước em tới trường” cho chín học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Kampong Trach, tỉnh Kampốt, mỗi em 1,5 triệu đồng. Đây là các học sinh nằm trong chương trình “Nâng bước em tới trường” do đơn vị thực hiện từ năm 2016 đến nay, giúp các em có điều kiện đến trường.
Ở khu phố Xà Xía, phường Mỹ Đức, thành phố Hà Tiên nhiều người biết chị Thị Mỹ Loan (47 tuổi), người dân tộc Khmer là một trong những công dân ưu tú sau hơn 31 năm từ huyện Châu Thành lên biên giới định cư. “Chị Loan được Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên xem là “cánh tay đắc lực”, giúp đơn vị nắm bắt địa bàn. Trước đây, khu vực cột mốc 314 rất trũng, thấp, thường ngập nước lại không có đường bê-tông, mỗi khi cán bộ biên phòng cần ra các vị trí mốc kiểm tra chị Loan đều dùng bè tự chế chở đi. Với khả năng biết tiếng Kinh và Khmer, chị còn giúp biên phòng vận động nhân dân hai bên biên giới chấp hành pháp luật, không tiếp tay buôn lậu, nhập cảnh trái phép”, Thiếu tá Chau Lai Chữ, nhân viên phiên dịch Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên cho biết.
Những ngày Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, nhiều đoàn cán bộ của tỉnh Kiên Giang sang thăm, chúc Tết chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các tỉnh giáp biên của nước bạn Campuchia. Từng điệu múa đan xen kết nối tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Tiếp nối biên khu anh hùng, hiểu giá trị của hòa bình, cư dân và cán bộ, chiến sĩ biên phòng tuyến biên giới Tây Nam hôm nay đang ra sức xây dựng biên giới hòa bình hữu nghị, thế trận lòng dân vững chắc.