Tư liệu Hán Nôm chứa đựng vô vàn thông tin quý, “mã hóa” nhiều vẻ đẹp văn hóa Việt Nam xuyên qua 10 thế kỷ (từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 20). Cha ông ta từng chép sử, làm thơ, viết văn, ghi chép về thổ nhưỡng, cây cỏ chữa bệnh... bằng chữ Hán Nôm. Đặc biệt, trong nhiều thư tịch bằng chữ Hán Nôm của các vị vua chúa thời phong kiến đã ghi chép về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, là những tư liệu đặc biệt quan trọng...
Nhiều chuyên gia nghiên cứu về lịch sử đã thống nhất, tư liệu Hán Nôm nên được xem như một bộ sử không chính thức của dân tộc, vẫn còn nguyên giá trị cung cấp kiến thức cho người Việt Nam hôm nay.
Viện Thông tin Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) hiện đang lưu trữ 7.029 đơn vị tài liệu Hán Nôm, phần nhiều là độc bản, rất quý giá.
Viện Hán Nôm tại Hà Nội cũng đang bảo quản khoảng 35.000 cuốn sách và gần 60.000 thác bản văn bia có vai trò rất quan trọng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản văn hóa.
Tư liệu Hán Nôm còn nằm rải rác ở rất nhiều cơ sở văn hóa khác, như các thư viện, đền, chùa, miếu...
Tuy nhiên, việc lưu trữ, bảo quản, phát huy vốn quý văn hóa dân tộc đang còn nhiều khó khăn. Đầu tiên phải kể đến là đội ngũ chuyên gia ngành Hán Nôm ngày càng ít dần. Một thời gian dài, công tác đào tạo bị bỏ quên cho nên số chuyên viên ngành văn hóa biết và sử dụng chữ Hán Nôm không nhiều. Do yếu tố thời gian, nhiều tư liệu ghi chép Hán Nôm có nguy cơ bị hỏng, mờ, mai một rất đáng tiếc.
Quan tâm đến vấn đề bảo tồn tư liệu Hán Nôm thông qua việc áp dụng công nghệ mới là việc làm cần thiết, không thể chậm trễ.
Gần đây, tại chùa Sủi (Đại Dương Sùng Phúc Tự-Hà Nội), một nhóm nhà nghiên cứu trẻ thông thạo công nghệ đã số hóa hơn 8.000 đầu tư liệu Hán Nôm liên quan đến Phật giáo gồm các kinh sách, sắc phong, minh văn, bi ký... Nhóm cũng triển khai dự án “Chốn thiêng” xây dựng một thư viện số phong phú về dữ liệu như ảnh chụp, video 360 độ, các bản vẽ 3D của hơn 2.000 ngôi chùa.
Thư viện tổng hợp tại thành phố Huế cũng đã số hóa 5.300 đầu tài liệu Hán Nôm...
Một số chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng đã âm thầm vào cuộc.
Thí dụ, Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thanh Nhàn, giảng viên Đại học New York (Mỹ), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Việt kiều yêu nước tại Mỹ ngoài việc dịch thơ Hán Nôm của Hồ Xuân Hương sang tiếng Anh, đã tích cực xây dựng bảng mã chữ thuần Nôm, phát triển các dự án cho sinh viên ở Việt Nam và Mỹ như: dự án vẽ phông, làm mã chữ Nôm, phổ biến kho chữ Nôm cho học giả Nôm sử dụng miễn phí, phát triển sử dụng mạng chữ Nôm.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Điền, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học tính toán, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) sau 20 năm mày mò, nghiên cứu, đã hoàn thành công trình tâm huyết “Ứng dụng chuyển ngữ Hán Nôm sang chữ quốc ngữ dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI)”. Ứng dụng này giúp mọi người có thể tiếp cận và hiểu các tư liệu Hán Nôm một cách dễ dàng.
Mặc dù đã có được những tín hiệu đáng mừng, nhưng việc gìn giữ nguồn tư liệu Hán Nôm vẫn cần được quan tâm nhiều hơn, kịp thời hơn nữa. Nhà nước cần có các chính sách tích cực hỗ trợ, khuyến khích các chuyên gia chữ Nôm, trao học bổng cho sinh viên chữ Nôm và đào tạo các tiến sĩ có trình độ để tiếp quản, phát huy giá trị của tư liệu cha ông để lại.
Mới đây, Viện Thông tin Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Tư liệu Hán-Nôm: Sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu và khai thác” nhằm đánh giá tiềm năng, tìm kiếm khả năng hợp tác, liên kết giữa các cơ quan, tổ chức ở Việt Nam và trên thế giới đang lưu giữ cơ sở dữ liệu, tư liệu Hán Nôm. Các chuyên gia đánh giá, hoạt động liên kết quốc tế sẽ giúp cho việc khai thác, quảng bá kho tư liệu quý giá này ngày càng hiệu quả hơn. Sử dụng các ứng dụng công nghệ để lan tỏa giá trị di sản đến cộng đồng và ra thế giới chính là góp phần làm giàu có vốn văn hóa của dân tộc.