Cùng suy ngẫm

Vẫn câu chuyện được mùa, mất giá

Hằng năm, cứ khoảng vào tháng 3, tháng 4, người dân Đồng bằng sông Cửu Long lại thu hoạch sầu riêng - loại trái cây được ưa chuộng, mang giá trị kinh tế cao. Năm nay, sầu riêng sai quả, nhưng trái với sự vui mừng, không ít nông dân, thương lái lại canh cánh nỗi lo.
0:00 / 0:00
0:00
Xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. (Ảnh: TTXVN)
Xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. (Ảnh: TTXVN)

Mới đầu mùa, nhiều người đã phần nào thấy được viễn cảnh vụ thu hoạch này lãi không nhiều, thậm chí lỗ vốn, bởi giá đang rớt sâu. Tại nhiều địa phương, sầu riêng được bày bán với giá rất rẻ, có loại giá chỉ từ 30.000-40.000 đồng/kg, bằng nửa, thậm chí bằng một phần ba cùng kỳ các năm trước.

Giá giảm như vậy song sức mua vẫn không cao và cụm từ “giải cứu” đã ít nhiều được nhắc đến. Người dân lo lắng, thương lái “đứng ngồi không yên”, không dám nhập hàng do lo lắng giá còn giảm thêm.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên được các cơ quan chức năng, chuyên gia, thương lái và cả người dân chỉ ra: Hiện nay, miền Tây Nam Bộ bước vào chính vụ sầu riêng. Sản lượng trái xuất ra thị trường năm nay rất lớn nhưng tình hình xuất khẩu lại khá chậm, cho nên lượng hàng dôi dư trong nước cao.

Từ cuối năm 2024 tới nay, Trung Quốc tăng cường, siết chặt kiểm soát chất cadimi và vàng O (Auramine O) khiến các nước xuất khẩu sầu riêng, trong đó có Việt Nam, lúng túng. Cơ quan chức năng chậm có định hướng, hỗ trợ cần thiết để sản phẩm làm ra đạt chất lượng, đáp ứng tiêu chí xuất khẩu.

Bên cạnh đó, nhu cầu đối với sầu riêng không còn nhiều như trước, trong khi các thị trường khác như Thái Lan, Malaysia cạnh tranh cao, ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu...

Theo đề án phát triển cây ăn trái chủ lực, đến năm 2030, cả nước có từ 65.000-75.000ha diện tích đất trồng sầu riêng. Tuy nhiên, năm 2023, cả nước đã có 151.000ha sầu riêng và quá trình gia tăng diện tích trồng sầu riêng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Vì thế, cần phải có những giải pháp căn cơ, bền vững để bảo đảm được mùa mà vẫn được giá.

Về phía cơ quan chức năng, cần chủ động hơn nữa trong việc đánh giá sản lượng qua từng năm để có cơ sở làm việc với phía đối tác nước ngoài nhằm thúc đẩy thông quan nhanh hơn; tăng cường tuyên truyền cho người dân về việc sử dụng phân bón, hóa chất đúng cách, bảo đảm chất lượng sản phẩm khi thu hoạch.

Các doanh nghiệp cần chủ động mở rộng thị trường xuất khẩu, tránh lệ thuộc vào một vài thị trường; đa dạng hóa các phương án chế biến sâu, áp dụng khoa học, kỹ thuật tạo ra nhiều thành phẩm từ sầu riêng; khai thác tốt hơn thị trường trong nước - một thị trường tiềm năng, với sức tiêu thụ lớn.