Dự hội thảo có đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Thanh Hóa-Ninh Bình, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, các giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa và đông đảo cán bộ, nhân viên Công ty cổ phần công nông nghiệp Tiến Nông.
Hội thảo được tổ chức nhằm làm rõ vai trò thiết yếu của văn hóa doanh nghiệp trong phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Các ý kiến tại hội thảo khẳng định, văn hóa doanh nghiệp không chỉ là yếu tố nội tại giúp củng cố sức mạnh tổ chức mà còn là cầu nối quan trọng giữa doanh nghiệp với cộng đồng, thị trường và các đối tác.
Khi được xây dựng một cách hệ thống, văn hóa doanh nghiệp trở thành nền tảng giúp doanh nghiệp thích ứng hiệu quả với biến động, đồng thời tạo ra lợi thế phát triển bền vững.
![]() |
Phát biểu của cán bộ Công ty cổ phần công nông nghiệp Tiến Nông. |
Thực tiễn từ Công ty cổ phần công nông nghiệp Tiến Nông được xem là một ví dụ tiêu biểu. Tại đây, văn hóa doanh nghiệp được xây dựng dựa trên những giá trị cốt lõi như tinh thần đoàn kết, sự tận tâm với khách hàng, trách nhiệm xã hội và chăm lo đời sống người lao động. Những giá trị này không chỉ hiện diện trong khẩu hiệu, mà thấm sâu vào từng sản phẩm, dịch vụ và cách vận hành doanh nghiệp.
![]() |
Dây chuyền đóng gói sản phẩm Tiến Nông. |
Văn hóa doanh nghiệp, trong cách tiếp cận này, không mang tính hình thức mà gắn liền với thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Mỗi sản phẩm được tạo ra đều thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, là sự kết tinh giữa đạo đức nghề nghiệp và chiến lược phát triển dài hạn.

Sức mạnh mềm của tổ chức, nhìn từ một sự kiện văn hóa doanh nghiệp tầm cỡ
Đồng thời, môi trường văn hóa tích cực còn trở thành lực hút giữ chân người lao động, thúc đẩy sáng tạo và tăng cường sự gắn bó trong nội bộ doanh nghiệp.
![]() |
Công ty cổ phần công nông nghiệp Tiến Nông sát cánh cùng nhà nông. |
Hội thảo cũng chỉ ra rằng, các giá trị văn hóa đặc trưng - như tinh thần cống hiến, sẻ chia, sự tận tâm và khiêm tốn - khi được duy trì bền bỉ sẽ tạo nên bản sắc riêng của doanh nghiệp, góp phần định hình thương hiệu và nâng cao uy tín trên thị trường. Đây cũng là động lực để doanh nghiệp vươn lên trong quá trình chuyển đổi, thích ứng với yêu cầu phát triển mới.
![]() |
Giảng viên Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa tham gia thảo luận. |
Các tham luận tại hội thảo cùng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp một cách bài bản, lâu dài và nhất quán, trong đó con người là trung tâm của mọi giá trị, từ người lãnh đạo đến từng nhân viên.
Đầu tư cho văn hóa doanh nghiệp chính là đầu tư cho năng lực cạnh tranh, khả năng thích ứng và sự phát triển bền vững của mỗi tổ chức.
Trên cơ sở kết quả hội thảo lần này và các hoạt động khảo sát sắp tới tại doanh nghiệp địa phương, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa sẽ tổng hợp, nghiên cứu các mô hình tiêu biểu, cách làm hiệu quả trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Các nội dung này sẽ được để đưa vào chương trình đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và bồi dưỡng cán bộ trong giai đoạn phát triển mới.