"Quốc hội và các cơ quan của Chính phủ cần sớm thể chế hóa, cụ thể hóa việc quản lý đồng tiền kỹ thuật số, nghiên cứu áp dụng cơ chế thí điểm có kiểm soát để thành lập “sàn giao dịch” cho hoạt động này. Cần mạnh dạn áp dụng khung pháp chế chuyên biệt, không để chậm chân, không để mất cơ hội, không tạo khoảng cách hoặc khu biệt với các hình thái tài chính mới, cũng như những phương thức giao dịch hiện đại”.
Tổng Bí thư Tô Lâm, phát biểu tại buổi làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương, chiều 24/2/2025.
Trong kỷ nguyên kinh tế số, tài sản số đang trở thành xu hướng phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu. Theo báo cáo của MarketsandMarkets, quy mô thị trường tài sản kỹ thuật số toàn cầu được dự báo đạt 8.050 tỷ USD vào năm 2027, với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) đạt 61,5% giai đoạn 2022-2027.
Thị trường tài sản số: Xu thế tất yếu
Khi mới xuất hiện, các loại tiền như Bitcoin hay Ethereum… được biết đến qua khái niệm “tiền ảo”, nhưng thuật ngữ này dễ bị liên tưởng đến các vụ lừa đảo. Chính vì thế, hiện nay, các từ như “tiền số - crypto” hay “tiền kỹ thuật số” đang được dùng để định danh dạng tiền tồn tại dưới dạng kỹ thuật số.
Tại Việt Nam, tài sản số được xem là lĩnh vực tiềm năng, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển kinh tế số. Nghị định số 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt có định nghĩa “tiền điện tử” là giá trị tiền đồng Việt Nam (VND) lưu trữ trên phương tiện điện tử, nhưng không công nhận các loại tiền mã hóa kể trên là phương tiện thanh toán hợp pháp. Theo đó, tiền số có thể chia thành hai loại chính. Thứ nhất, đồng tiền số quốc gia do Nhà nước phát hành, quản lý và được Nhà nước bảo lãnh, bảo đảm sự ổn định. Thứ hai, đồng tiền số không do Nhà nước phát hành, không được coi là tiền tệ chính thức mà giống như một loại hàng hóa có giá trị phụ thuộc hoàn toàn vào cung-cầu trên thị trường hoặc sự tham gia định giá, tạo ra giá trị của các quỹ đầu tư. Song, giá đồng tiền số này thường biến động.
Hiện thị trường tiền số đang được vận hành qua các sàn giao dịch tài sản mã hóa (crypto assets) tại Việt Nam có sự tham gia của đông đảo người sở hữu, đầu tư, trao đổi các loại tiền số. Theo Triple-A, công ty fintech có trụ sở tại Singapore, chuyên cung cấp các giải pháp thanh toán bằng tiền số và tài sản kỹ thuật số cho doanh nghiệp trên toàn cầu, tính đến năm 2024, có khoảng 17 triệu người Việt Nam sở hữu ví điện tử liên quan đến tiền số, tương đương 17% dân số 100 triệu người. Đây là con số cao hơn mức trung bình thế giới (6-6,5%), đưa Việt Nam vào nhóm dẫn đầu về tỷ lệ người dùng tiền số.
Còn theo báo cáo chỉ số tiếp cận đồng tiền số toàn cầu năm 2024 - “Global Crypto Adoption Index 2024” của Chainalysis, một công ty phân tích blockchain của Mỹ có trụ sở tại New York, Việt Nam xếp thứ 5 toàn cầu về sở hữu tiền số. Các quốc gia trong tốp 5 lần lượt là: Ấn Độ, Nigeria, Indonesia, Hoa Kỳ và Việt Nam. Đáng chú ý, dòng tiền điện tử và tài sản mã hóa đổ vào Việt Nam trong khoảng thời gian từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023 đạt khoảng 120 tỷ USD. Cũng trong khoảng thời gian này, các nhà đầu tư Việt Nam thu về lợi nhuận gần 1,18 tỷ USD từ các khoản đầu tư tài sản mã hóa, đưa Việt Nam đứng thứ ba toàn cầu về lợi nhuận từ lĩnh vực này, chỉ sau Hoa Kỳ (9,36 tỷ USD) và Anh (1,39 tỷ USD). Đây là minh chứng cho việc Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để triển khai hội nhập vào nền kinh tế số toàn cầu.
![]() |
Tại Việt Nam, có đến 41% số người trả lời khảo sát có sở hữu tiền số, tài sản mã hóa. (Nguồn Chainalysis) |
“Số lượng đông nhưng chất lượng chưa cao”
Mặc dù tiềm năng lớn, thị trường tài sản số tại Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều rủi ro do thiếu hành lang pháp lý rõ ràng. Các hoạt động đầu tư, mua bán tài sản số hiện nay chủ yếu diễn ra trên các nền tảng quốc tế, ngoài sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước, tiềm ẩn nguy cơ rửa tiền, lừa đảo, thất thoát tài sản.
Mặc dù tài sản mã hóa không được công nhận là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam, nhưng việc sở hữu và giao dịch các loại tài sản này không bị cấm. Hiện, Việt Nam chưa có khung pháp lý cụ thể cho phép hoặc điều chỉnh việc mở tài khoản và giao dịch tài sản mã hóa trên các sàn quốc tế.
Mặt khác, cũng vì Việt Nam chưa có khung khổ pháp lý cho tài sản trong game và hoạt động dựa trên cơ sở nội dung số, tài sản số, nên Tập đoàn Sky Mavis, một trong bốn kỳ lân công nghệ “tỷ đô” thuần Việt Nam có hệ sinh thái game rất đa dạng và tiềm năng đã chọn Singapore làm điểm đến. Tiếc thay, đây không phải là trường hợp duy nhất.
Từ thực trạng này, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Câu lạc bộ VINA Fintech, kiêm Chủ tịch Trung tâm Quản lý tài sản số đã nêu ra hai vấn đề chính yếu mà Việt Nam phải giải quyết được: Đó là, tính pháp lý và hiệu quả kinh tế của việc giao dịch tài sản mã hóa. “Nhà nước cần khuyến khích dòng tiền số chảy vào kinh tế một cách hiệu quả, vừa để bảo đảm quyền lợi nhà đầu tư, vừa quản lý hiệu quả thị trường này để biến tiềm năng thành lợi ích bền vững trong kỷ nguyên số”, ông Nguyễn Đình Thắng nhấn mạnh.
Chủ động kiến tạo “sân chơi” hợp pháp
Nhận thức rõ cơ hội và những thách thức từ thị trường tài sản số, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển công nghệ blockchain và nghiên cứu thí điểm thành lập sàn giao dịch tài sản số trong nước. Một đề án về cơ chế thí điểm có kiểm soát (sandbox), cũng được Bộ Tài chính trình Chính phủ với mục tiêu vừa tạo môi trường thử nghiệm an toàn, vừa chuẩn bị khung pháp lý phù hợp với thực tiễn và xu hướng quốc tế.
Đề án thí điểm sẽ chỉ cho phép những đơn vị, doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện nghiêm ngặt tổ chức sàn giao dịch tài sản số. Các nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam sẽ có địa chỉ hợp pháp để giao dịch, đầu tư hoặc mua bán tiền số thông qua các sàn thí điểm do doanh nghiệp được cấp phép tổ chức. Không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn, quyết định cho phép thí điểm còn thể hiện quyết tâm của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân và doanh nghiệp, đồng thời ngăn chặn hoạt động bất hợp pháp liên quan đến tài sản số.
Hiện nay, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số đã được đưa ra xem xét tại kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XV, dự kiến sẽ được Quốc hội phê chuẩn tại kỳ họp thứ 9 diễn ra vào tháng 5/2025 này. Những nỗ lực trong tạo dựng nền tảng pháp lý ban đầu vững chắc, sẽ tạo động lực lớn cho ngành công nghiệp blockchain Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững trong tương lai.
Theo đánh giá của ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), việc luật hóa tiền số, tài sản mã hóa là một trong những nỗ lực thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực này.
Tiến bước nhưng thận trọng
Theo các chuyên gia, để thị trường tài sản số phát triển lành mạnh, cần đồng bộ nhiều giải pháp, từ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao năng lực giám sát, quản lý rủi ro đến đào tạo nhân lực chuyên sâu trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), blockchain. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về tài sản số, những cơ hội và rủi ro đi kèm, cũng cần được đẩy mạnh. Chỉ khi nhà đầu tư hiểu rõ bản chất tài sản số và môi trường pháp lý vận hành minh bạch, thị trường mới có thể vận hành ổn định, góp phần thúc đẩy kinh tế số phát triển bền vững.
Hơn nữa, để duy trì an toàn trong việc triển khai blockchain trên diện rộng, các doanh nghiệp phải đầu tư vào các giải pháp bảo mật, quản lý rủi ro, và bảo đảm tính ổn định. Đây đều là những thách thức không nhỏ. Lời giải cho vấn đề này, theo ông Phan Đức Trung, chính là sớm hình thành hệ sinh thái blockchain toàn diện, đồng bộ trên nền tảng blockchain “Make in Việt Nam” chất lượng cao. Trong đó, các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu và các cơ quan quản lý có thể liên kết chặt chẽ với nhau, thúc đẩy các sáng kiến đổi mới, tạo môi trường hợp tác tích cực giữa các bên, giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn ở phạm vi toàn cầu trong ngành blockchain, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên công nghệ số.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Huyền Dinh - CEO Công ty AlphaTrue nhìn nhận, lĩnh vực tài sản mã hóa là lĩnh vực khá đặc thù, có khả năng thu hút rất nhiều vốn đầu tư từ các cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam. Song muốn thúc đẩy dòng vốn FDI, Việt Nam cần xây dựng hệ thống các quy định đồng bộ với các chuẩn mực quốc tế.
Chia sẻ quan điểm này, TS Wayne Huang, đồng Sáng lập và là CEO của XREX, đơn vị tư vấn dịch vụ theo dõi phòng chống rửa tiền cho cơ quan quản lý Đài Loan (Trung Quốc) và Singapore, đánh giá, Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn để bứt phá trên thị trường tài chính phi tập trung nhờ mức độ chấp nhận và sự phổ biến của tài sản mã hóa trong cộng đồng người Việt Nam. Khi được luật định rõ ràng, thị trường tài sản mã hóa sẽ được tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ.
Thị trường tài sản số sẽ là một phần tất yếu của nền kinh tế số. Việt Nam cần chủ động kiến tạo sân chơi hợp pháp, vững bước theo xu thế toàn cầu nhưng cũng phải đủ thận trọng để bảo vệ lợi ích quốc gia và quyền lợi của người dân. Định hướng đúng đắn, khung pháp lý vững chắc và sự đồng hành chủ động giữa Nhà nước và doanh nghiệp chính là nền tảng để thị trường tài sản số Việt Nam phát triển lành mạnh.