Nhờ sự quan tâm sâu sát của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số có những đổi thay mạnh mẽ. Ảnh: VĂN BẢO
Nhờ sự quan tâm sâu sát của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số có những đổi thay mạnh mẽ. Ảnh: VĂN BẢO

Xanh thắm những buôn làng nam Tây Nguyên

Lâm Đồng, vùng đất phía nam Tây Nguyên là nơi sinh sống của 47 dân tộc anh em, trong đó hơn một phần tư dân số là đồng bào dân tộc thiểu số.

Những năm qua, nhờ sự quan tâm sâu sát của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số có những đổi thay mạnh mẽ; nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực đã và đang tạo nên miền xanh trên những buôn làng.

Chiều về, ngọn gió đầu hạ quyện hương chè, mùi hương cây trái lan tỏa bên dòng Đạ M’ri hiền hòa. Trước ngôi nhà khang trang của gia đình, bà Ka Hiên, người có uy tín ở thôn Phước Dũng, xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai đang chuẩn bị dụng cụ để chăm vườn sầu riêng.

Trong cuộc gặp không hẹn trước, bà mở lời, xứ này giờ đã khác xưa nhiều, cả xã có rất nhiều triệu phú sầu riêng. Được vậy là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và địa phương; nhưng cốt là khát vọng vươn lên của người dân, giúp nhau cùng phát triển. “Bác Hồ đã dạy, chúng ta đều là anh em, phải sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau...”, bà Ka Hiên nhắc nhớ. Với vai trò là đảng viên, người có uy tín, bà tiên phong thay đổi, quyết tâm biến vùng đất khô cằn thành miền xanh cây trái.

Hơn 20 năm trước, gia đình bà Ka Hiên chuyển đổi vườn cà-phê kém hiệu quả sang cây điều, sau đó trồng xen sầu riêng, chè cành. Giờ đây, vườn cây ấy mỗi năm mang về khoảng 1,2 tỷ đồng.

Bà bảo: “Mình phải làm để người dân thấy rõ hiệu quả thì nói dân mới nghe. Việc chuyển đổi cây trồng hợp lý, áp dụng công nghệ trong sản xuất đã giúp gia đình tăng thu nhập. Mình bỏ ra tiền tỷ để xây ngôi nhà này cùng mua sắm đầy đủ tiện nghi, mua ô-tô hơn 800 triệu đồng”.

Từ thành công của mô hình gia đình mình, bà Ka Hiên bắt đầu tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho bà con rồi cho vay tiền không tính lãi, tìm đầu ra cho nông sản của bà con buôn làng… Đất không phụ lòng người, xã Phước Lộc (tháng 12/2024 sáp nhập xã và mang tên xã Hà Lâm), nơi cư dân phần lớn là người dân tộc thiểu số - hơn 84% dân số, từng nằm trong danh sách đặc biệt khó khăn đã đạt chuẩn xã nông thôn mới như một kỳ tích. Đến nay, mầu xanh cây trái trải dài đến chân núi Lu Mu, người dân xây nhà tiền tỷ, chạy xe hơi đến thăm vườn không còn là chuyện lạ.

Trong những cuộc trò chuyện về công tác giảm nghèo, Bí thư Huyện ủy Đạ Huoai Nguyễn Quý Mỵ đều nhắc đến Phước Lộc như một điển hình. “Những người đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đất này có thu nhập mỗi năm vài trăm triệu đồng đến tiền tỷ giờ không còn là giấc mơ. Qua đó cho thấy, khi có sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và địa phương, nhất là định hướng để phát huy thế mạnh vùng đất và khát vọng vươn lên của người dân thì đất khó cũng nở hoa”, Bí thư Mỵ chia sẻ.

Xanh thắm những buôn làng nam Tây Nguyên ảnh 1

Đồng bào các dân tộc nam Tây Nguyên trong ngày hội văn hóa-thể thao do tỉnh Lâm Đồng tổ chức. Ảnh: VĂN BẢO

Trong làn sương mỏng, giữa vườn atisô xanh mướt tại xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, anh Ha Hang cần mẫn chăm sóc từng bông atisô vào mùa thu hoạch. Vừa làm anh vừa say sưa kể về những đổi thay trên vùng đất có hơn 83% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số bản địa sinh sống này: “Xưa, dân làng mình cứ loay hoay tìm sinh kế, cộng với bản tính trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên đời sống cơ cực lắm. Nhờ sự vào cuộc của các cấp, ngành, nhất là việc đưa những mô hình cụ thể để người dân học hỏi, làm theo cùng với đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế gia đình, đời sống đã trở nên khấm khá”.

Cũng như nhiều hộ đồng bào dân tộc Cơ Ho khác, sinh kế gia đình Ha Hang chủ yếu dựa vào rẫy cà-phê già cỗi, cái khó cứ bám lấy từng mùa vụ. “Nhờ chính quyền đứng ra làm cầu nối, hỗ trợ vay vốn, chúng tôi được tham gia chuỗi liên kết trồng atisô với doanh nghiệp sản xuất dược liệu. Được công ty hướng dẫn kỹ thuật trồng, bảo đảm đầu ra, gia đình có nguồn thu nhập ổn định, mỗi tháng khoảng 30 triệu đồng. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây cũng thoát nghèo nhờ liên kết này”, anh Ha Hang cho biết.

Ai từng đến vùng đất này hơn 10 năm trước mới có thể thấy rõ sự khác biệt của Đạ Sar tươi mới hôm nay. Năm 2012, khi bắt tay xây dựng nông thôn mới, Đạ Sar mới có năm tiêu chí, tỷ lệ hộ nghèo hơn 12%; thu nhập bình quân đầu người gần 13 triệu đồng. Hôm nay, Đạ Sar là xã đầu tiên của huyện Lạc Dương đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bùi Văn Trình, việc quan tâm tạo sinh kế cho người dân là một trong những yếu tố quan trọng để xóa nghèo bền vững, từng bước nâng cao đời sống. Đó cũng là điều cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới.

Cách đây khoảng 15 năm, khi nghe nói “đi Đam Rông” nhiều người giật mình, bởi ám ảnh những cung đường nhầy nhụa hoặc phải len lỏi băng rừng. Ngày mới thành lập, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số của huyện hơn 93% và tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến ba phần tư dân số; cơ sở hạ tầng thiếu thốn; đời sống nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số nghèo nàn, lạc hậu… (thuộc danh sách những huyện nghèo nhất nước, trong Chương trình “30a” của Chính phủ).

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đam Rông Liêng Hót Ha Hai, ngày mới thành lập năm 2004, Đam Rông là huyện khó khăn nhất, đông đồng bào dân tộc thiểu số nhất tỉnh Lâm Đồng. Qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, xứ nghèo một thuở đã vươn lên mạnh mẽ và đang quyết tâm đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Huyện Đam Rông hiện có 8 xã, 53 thôn; dân số hơn 58 nghìn người, trong đó có hơn 65% là người dân tộc thiểu số. Đến cuối năm 2024, tất cả 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người hơn 47 triệu đồng, tăng gấp 18 lần so với năm 2005.

Ông Ha Hai cho biết: “Cách để Đam Rông xóa nghèo nhanh, bền vững là “cho cá” để kịp thời bù đắp thiếu hụt, rồi trao cho dân “cần câu” làm phương kế làm ăn lâu dài. Giờ đây, tính ỷ lại đã nhường chỗ cho tư duy đổi mới, phương cách làm ăn mới”. Nhờ chủ trương đúng, triển khai tốt cùng ý chí vươn lên của người dân, sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, Đam Rông đã ra khỏi danh sách huyện nghèo “30a” như một kỳ tích.

Xanh thắm những buôn làng nam Tây Nguyên ảnh 2

Đồng bào dân tộc thiểu số Lâm Đồng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: VĂN BẢO

Sinh thời, Bác Hồ chưa có dịp đến thăm Tây Nguyên, nhưng luôn trăn trở về nhiệm vụ chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là vùng Tây Nguyên. Thực hiện di nguyện của Người, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách, tập trung đầu tư nguồn lực phát triển vùng đất phía tây Tổ quốc, nhất là sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW và mới đây là Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, tạo ra những cơ hội mới cho Tây Nguyên hướng đến một khu vực phát triển xanh, bền vững.

Hơn 5 năm qua, từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, Lâm Đồng đã huy động hơn 15 nghìn tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, hiện tất cả 106 xã trong tỉnh đã đạt chuẩn. Tổng nguồn lực đầu tư dành riêng vùng dân tộc thiểu số tại địa phương hơn 1.264 tỷ đồng; nhờ đó kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số chuyển biến rõ nét, thu nhập bình quân đầu người gần 45 triệu đồng/năm.

Điều đáng chú ý, toàn tỉnh có 353 doanh nghiệp do người dân tộc thiểu số làm chủ; hơn 50 hợp tác xã, tổ hợp tác do người dân tộc thiểu số đứng đầu. “Những kết quả này là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực không ngừng, quyết tâm vươn lên mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng trong hành trình xây dựng và phát triển quê hương, nhất là vùng dân tộc thiểu số”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái bày tỏ.

back to top