Cây điều thời giá thấp

Vì vậy, phong trào lập vườn điều đã rộ lên ở tỉnh, nhất là sau vụ điều 2005 với mức giá hạt điều thô lên đến 14.000-15.000 đồng/kg. Ấy thế mà hiện một số người dân ở tỉnh Bình Phước đang đốn hạ hàng loạt những vườn  điều đang sung sức để trồng cao su.

Người Bình Phước đa số sống bằng nghề nông. Bên cạnh tăng gia sản xuất các giống cây ngắn ngày như: đậu, mè, bắp..., đa số nông dân ở đây đều "cắm" điều để ăn lâu dài. Thời gian qua, cây điều thực sự là cây đổi đời của người dân trong tỉnh.

Cây làm giàu cho nông dân Bình Phước

Trồng điều tốn ít công chăm sóc, năng suất lại cao, nhu cầu tiêu thụ lớn nên giá cả khá tương đối. Với mức giá hạt điều 10.000 đồng/kg, gia đình nào chịu khó chăm sóc cho cây thì tính trung bình năng suất 1 ha cũng đạt khoảng hai tấn là tương đương với gần 20 triệu đồng ha/năm. Một hộ gia đình nếu có khoảng 2-3 mẫu điều thì sẽ giải quyết tạm ổn cuộc sống hằng ngày.

Khi hạt điều có giá, trong tỉnh đã rộ lên phong trào trồng điều. Người vốn ít thì trồng khoảng 1-2 mẫu; kẻ tiền nhiều thì dăm mười mẫu. Người thì đi mua đất rẫy, người thì sẵn sàng phá bỏ cả vườn cây ăn trái...

Không chỉ nông dân mà ngay cả những người có công ăn việc làm ổn định cũng "cất công" đi trồng điều. Trước năm 2000, một mẫu đất rẫy trống có giá cao lắm cũng chỉ chục triệu đồng/ha nhưng còn tùy thuộc vào tình trạng đất đai, đường sá đi lại, có muốn bán cũng không phải dễ, nhất là những vùng xa. Nhưng khi người có nhu cầu trồng điều tăng mạnh đã tạo điều kiện đẩy giá đất rẫy, vườn điều lên cao vùn vụt, tăng lên gấp 2-3 lần so với trước đây.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Phước, diện tích và năng suất cây điều ở tỉnh tăng rất mạnh mấy năm gần đây. Theo thống kê, đến đầu năm 2006, toàn tỉnh có 93.071 ha điều đang cho thu hoạch. Vụ mùa 2005, toàn tỉnh  đạt được 114.985 tấn. Trong năm nay, theo kế hoạch, toàn tỉnh sẽ trồng mới thêm khoảng 2.000 ha, trong đó tập trung phát triển ở các huyện Phước Long,  Bù Đốp.

Thực tế đã xác nhận cây điều có giá trị kinh tế cao nhưng thói quen của  người nông dân cũng luôn thay đổi theo nhu cầu của thị trường. Chính vì vậy, khi cây, con nào hút hàng giá cao, mọi người lại ồ ạt đầu tư; nhưng đến khi giá cả sụt xuống lại lo lắng, phá bỏ. Do vậy, việc người dân khắp nơi hiện lại đổ xô vào đầu tư trồng cao su là một điều không có gì lạ và đáng ngạc nhiên.

Khi điều hạ giá

Khoảng 10 năm về trước, không ít gia đình ở Bình Phước đã lao đao vì cây cao su. Khi ấy, một số nông dân đã phải chặt bỏ cả vườn cao su để trồng điều vì  không thể kham nổi do hằng năm phải đầu tư phân bón chăm sóc quá nhiều nhưng đến khi thu hoạch mủ lại mất giá, lỗ lã triền miên.

Đến nay, khi hạt điều xuống giá, hình ảnh ấy đã lại tái diễn với cây điều. Dọc theo cả một đoạn đường chính đi ngang qua khu vực huyện Đồng Phú - khu vực tập trung các thương lái thu gom củi điều - có thể thấy ở hai bên đường củi điều chất đầy thành những đống cao. Những vườn điều nếu trước đây xanh  tốt thì nay đã bị bứng sạch gốc, cành điều nằm ngổn ngang, thân điều được cưa  gọn từng khúc chờ thương lái đến mua.

Nếu sau vụ điều năm 2005, hạt điều thô đứng ở mức giá 14.000-15.000 đồng/kg đã làm nông dân nơi đây háo hức với cây điều bao nhiêu thì nay họ lại đang thất vọng về cây điều bấy nhiêu.

Nguyên nhân chủ yếu là mủ cao su có giá  cao, thu hoạch được gần quanh năm trong khi giá hạt điều lại thấp; cộng với mùa điều vừa qua vì thời tiết thất thường đã ảnh hưởng đến năng  suất cây điều nên từ đó "động lực" cho người nông dân triệt hạ điều càng cao. Người ta đốn hạ không chỉ những vườn điều già cỗi năng suất thấp mà  ngay cả những vườn điều tơ mới cho thu hoạch được vài ba năm.

Gia đình bà Nguyễn Thị Gần, ngụ tại xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú vừa mới đốn hạ trắng ba ha điều chín năm tuổi. Bà Gần cho biết: với hơn ba ha điều nhưng ở vụ mùa vừa rồi gia đình bà chỉ thu về được hơn 10 triệu đồng, không đủ trả tiền phân thuốc, trong khi đó còn phải đi thuê công làm. Hiện nay, gia đình bà đã phá hết điều  trồng cây mì và đầu tư mua giống cao su về trồng.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Đỗ Mười, Trưởng phòng nông nghiệp Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Phước, thì tỉnh không có chủ trương hạ điều mở rộng diện tích cao su, vì cây điều được xem là cây trồng chủ lực của tỉnh. Tình trạng đốn điều trồng cao su là do một số người dân chủ động chuyển đổi cây trồng. Do trồng cao su đòi hỏi mức đầu tư cao nên vì vậy chỉ những gia đình có điều kiện kinh tế mới dám phá bỏ điều.

Bình Phước là một trong những vùng nguyên liệu điều cho ngành chế biến hạt điều của cả nước. Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu cho 51 cơ sở chế biến hạt điều của tỉnh, hạt điều Bình Phước còn được xuất sang các địa phương khác qua hệ thống thu mua của các công ty.

Theo quy hoạch, từ nay đến 2010, diện tích điều của tỉnh sẽ đạt khoảng 165.000 ha, trong đó 120.000 ha trồng trên đất nông nghiệp còn lại đưa vào phát triển rừng phòng hộ. Do phần lớn diện tích điều của tỉnh là giống cũ nên năng suất hạt không cao; song Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh khuyến khích người nông dân tỉa cành, chú ý đến khâu chăm sóc vườn cây nên đến nay năng suất của cây điều đã được cải thiện nhiều.

Vì vậy, theo như nhận định của ông Mười, tình trạng chặt điều đi để trồng cao  su chỉ dừng ở với một số đối tượng. Tuy nhiên vấn đề cần quan tâm nhất ở  đây là đến bao giờ người nông dân mới có được tư tưởng sản xuất ổn định.