Thời gian qua, hàng loạt án phạt dành cho những ca sĩ, diễn viên, người mẫu có hành vi ăn mặc phản cảm được thi hành đã cho thấy quyết tâm của các nhà quản lý văn hóa trong việc thanh lọc môi trường biểu diễn nghệ thuật. Ca sĩ Hương Tràm, Quán quân Giọng hát Việt 2012 bị cấm biểu diễn ba tháng và nộp phạt 10 triệu đồng vì ăn mặc hở hang trong một lần biểu diễn ở quán bar. Tiếp đó, cô người mẫu nổi tiếng xinh đẹp và sắc sảo Hà Anh cũng đã phải chịu mức phạt tương tự khi mặc trang phục nhạy cảm trong một buổi trình diễn. Tuy nhiên, đúng như phát biểu của Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Ðăng Chương tại Hội nghị tổng kết năm 2014 vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Hà Nội: Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ có quy định, chế tài xử phạt khi các ca sĩ, người mẫu... tham gia vào hoạt động nghệ thuật biểu diễn, còn những hình ảnh phản cảm được họ đưa lên blog, mạng xã hội, trang tin trực tuyến thì Cục không đủ thẩm quyền xử lý. Ðây mới chính là môi trường "tiếp tay" nhiều nhất cho trào lưu khoe thân của những kẻ muốn nổi tiếng nhanh chóng không phải bằng tài năng.
Quả thật, lướt qua diện mạo của những trang tin tổng hợp, những diễn đàn, blog hay mạng xã hội thời gian gần đây, sẽ thấy nhan nhản những cụm từ như "xuyên thấu", "mỏng tang", "hở bạo", "lộ hàng"... đính kèm những bức ảnh siêu nhạy cảm. Ðặt trong bối cảnh truyền thông mạng đang trở thành phương tiện thống soái trong việc tiếp cận, tiêu thụ thông tin, khi mà Việt Nam đang trở thành quốc gia có số lượng người truy cập in-tơ-nét hàng đầu Ðông - Nam Á thì rõ ràng, môi trường mạng chính là mảnh đất màu mỡ nhất để những sao xẹt tung hê những hình ảnh lộ trên hở dưới. Tính chất dân chủ, khả năng siêu liên kết, lan tỏa thông tin sâu rộng, những thế mạnh của in-tơ-nét đã bị lợi dụng để phục vụ cho những mục đích phản văn hóa, phản nghệ thuật. Và đi kèm trào lưu ấy là sự hình thành của cả một đội quân hùng hậu chỉ chuyên "săn" những hình ảnh gây nóng mắt trên blog cá nhân, tường facebook của những người được coi là "của công chúng" để mang về "xào nấu", đăng lại lên các trang tin trực tuyến, các trang báo mạng để câu "view", bảo đảm bài toán lợi nhuận. Vòng tròn ấy cứ quay theo chiều "đôi bên cùng có lợi", thế nên, những người muốn nổi tiếng nhờ tai tiếng hay những "sao" đã hết thời tội gì không tận dụng để tên tuổi được hâm nóng?
Ðáng ngạc nhiên là lâu nay, những ca sĩ, diễn viên, người mẫu khi vi phạm thẩm mỹ trong nghệ thuật biểu diễn sẽ bị xử phạt, nhưng những trang tin đăng tải lại những hình ảnh nhạy cảm, hở hang của họ lại chẳng mấy khi bị động đến. Thực trạng này không chỉ gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề đạo đức, lối sống của một số người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn mà còn cho thấy sự lúng túng về cơ chế xử lý của các cơ quan chức năng. Sự lúng túng này nếu không được tháo gỡ, xử lý ngay thì chắc chắn vấn đề sẽ còn khó kiểm soát hơn nữa.
Có một thực tế là đối tượng tiếp nhận thông tin mạng hiện nay chủ yếu là những bạn trẻ ở lứa tuổi chưa hoàn toàn làm chủ được bản thân, dễ bị tác động và học theo thần tượng. Thử hỏi, nếu cứ tiếp xúc thường xuyên với những trào lưu khoe thân, cởi đồ trên các báo mạng hay các trang mạng xã hội thì những người trẻ sẽ xác định đâu là tiêu chí định giá sự nổi tiếng? Câu trả lời có lẽ không ở đâu xa bởi hậu quả nhãn tiền là có một bộ phận giới trẻ Việt Nam đã và đang tự gây chú ý bằng cách đưa những bộ ảnh "tự sướng" hở hang lên những trang mạng cá nhân và chờ cho chúng được nhân bản với tốc độ chóng mặt. Bằng con đường này, Bà Tưng hay Quân Kun..., những gương mặt nhạt nhòa về khả năng nghệ thuật đã thành "hiện tượng mạng" với những tư thế chụp ảnh uốn éo, hở hang đến mức bệnh hoạn. Cũng từ đây, cả một lực lượng đông đảo những hot boy, hot girl tự phong trên mạng đã xuất hiện, thu hút sự chú ý của dư luận bằng trào lưu chụp ảnh khoe thân. Ấy là bằng chứng cho thấy hệ quy chuẩn về chân - thiện - mỹ của chúng ta đang bị lệch lạc, thay vào đó là những giá trị "ảo" đi ngược lại với quan điểm thẩm mỹ của dân tộc.
Nói tới đây, lại nhớ đến câu chuyện của một thầy giáo đã về hưu khi về thăm lại trường cũ. Ba tầng của trường căng ba biển hiệu rõ nét "Nói không với ma túy", "Nói không với mại dâm", và "Nói không với bạo lực". Ðành rằng, những khẩu hiệu này hướng đến mục đích tốt là răn dạy học sinh tránh xa tệ nạn, nhưng người thầy chia sẻ, sau khi đọc xong, trong đầu ông chỉ đọng lại ba từ ma túy, mại dâm và bạo lực. Ðiều này nghĩa là nhiều khi, không phải cứ cảnh báo liên hồi, liên tiếp một cách trực diện đã mang lại hiệu quả. Thay vì đó, nên chăng hãy trưng ra những biển hiệu như "Sống đoàn kết, chan hòa, thân ái" hay "Sống lành mạnh"..., có lẽ sẽ giảm bớt được ấn tượng hay sự chú ý của học sinh đối với những tệ nạn xã hội. Quay trở lại thực trạng những bức ảnh nhạy cảm của các người mẫu, diễn viên, ca sĩ... hay những hot boy, hot girl mới nổi được xuất hiện tràn lan trên những trang tin điện tử hay mạng xã hội, thiết nghĩ, dù là được đăng dưới hình thức làm mờ, bôi đen kèm theo những câu chữ mang tính phê phán thì sự xuất hiện với tần suất, mức độ dày đặc tất yếu cũng sẽ gây ra những tác dụng ngược, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhận thức và hành vi của các bạn trẻ.
Ðối với những công cụ truyền thông mang tính cá nhân như blog, facebook, việc áp đặt, kiểm soát thông tin gần như là không thể, thay vào đó chúng cần được định hướng. Và để làm tốt công tác định hướng đó, trước tiên, những tờ báo mạng, những trang tin điện tử phải đi đầu trong việc lựa chọn, quản lý hình ảnh và xử lý thông tin. Trước thực trạng tràn ngập ảnh "rác văn hóa" trên các trang tin trực tuyến, để mang lại môi trường lành mạnh cho nghệ thuật biểu diễn cũng như truyền thông mạng, rất cần sự bắt tay chặt chẽ giữa những cơ quan quản lý văn hóa và cơ quan quản lý truyền thông. Cụ thể, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cùng Bộ Thông tin và Truyền thông cần phải có những biện pháp xử lý mạnh tay với những trường hợp cố tình vi phạm thẩm mỹ biểu diễn hay những cá nhân, cơ quan cố tình đăng tải những hình ảnh phản cảm lên những phương tiện thông tin đại chúng.
Trong quá trình tiếp biến văn hóa, việc chịu ảnh hưởng của những yếu tố văn hóa nước ngoài là điều tất yếu. Xu hướng cởi mở trong thời trang được hình thành cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, cởi mở đến mức độ nào để vẫn giữ được nét đẹp văn hóa riêng của người Việt Nam lại là điều đáng bàn. Nếu việc tiếp thu không được xử lý qua một bộ lọc thì rốt cuộc cũng chỉ là tiếp thu sống sượng. Vì thế, bên cạnh việc cùng vào cuộc để thanh, kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng, thì vấn đề mấu chốt vẫn là phải đào tạo, giáo dục thẩm mỹ, trang bị cho mỗi công dân những "bộ lọc" trong quá trình giao lưu văn hóa.