Ngày 4/7, Phó Thủ tướng Lê Thành Long chủ trì Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030 theo quyết định 1893/QĐ-TTg ngày 25/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, sau 5 năm triển khai chương trình, mạng lưới y dược cổ truyền được củng cố và phát triển đồng bộ trên phạm vi toàn quốc. Đến nay, cả nước có 66 bệnh viện y dược cổ truyền công lập và 10 bệnh viện y học cổ truyền tư nhân; tỷ lệ giường bệnh y học cổ truyền đạt 16% trên tổng số giường bệnh chung...
Trong giai đoạn 2020–2025, đã có 30 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia về y dược cổ truyền được phê duyệt và triển khai.
Lĩnh vực phát triển dược liệu đã có bước đột phá, tại Việt Nam hiện ghi nhận hơn 5.100 loài thực vật, nấm, hàng trăm loài động vật, khoáng vật và tảo biển có công dụng làm thuốc. Đã có 25 tỉnh, thành phố xây dựng được quy hoạch vùng trồng cây thuốc, các đơn vị và cơ sở thu mua dược liệu trong nước tăng, cơ sở nuôi trồng dược liệu phát triển mạnh mẽ.
Tuy đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng theo đánh giá công tác phát triển y dược cổ truyền trong 5 năm qua chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và thế mạnh vốn có. Hầu hết các mục tiêu đề ra trong chương trình đều chưa đạt được; các nhiệm vụ giao cho Bộ Y tế đều chưa hoàn thành; đầu tư nguồn lực cho y dược cổ truyền chưa tương xứng với vai trò và tầm quan trọng của y dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe nhân dân...

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long khẳng định, y dược cổ truyền là một bộ phận quan trọng của nền y học Việt Nam. Y dược cổ truyền đã đi cùng lịch sử dân tộc với tứ chẩn (vọng, văn, vấn, thiết – 4 phương pháp khám bệnh cơ bản trong y học cổ truyền).
Phó Thủ tướng cho biết, sau 5 năm thực hiện Quyết định 1893/QĐ-TTg, Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại được triển khai nghiêm túc, với bốn kết quả tích cực.
Một là, mạng lưới khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền được đầu tư xây mới, nâng cấp và mở rộng;
Hai là, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh ngày càng tốt hơn; tỷ lệ người bệnh được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bằng y học cổ truyền ngày càng tăng; chất lượng dược liệu, thuốc y học cổ truyền được nâng lên.
Ba là, xã hội hoá trong y học cổ truyền ngày càng phát triển; công tác đào tạo cán bộ y học cổ truyền và nghiên cứu khoa học được chú trọng.
Bốn là, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý và khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền được quan tâm hơn.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc phát triển y dược cổ truyền còn nhiều hạn chế. Hầu hết các chỉ tiêu đề ra trong Quyết định 1893/QĐ-TTg chưa đạt được. Do đó, cần phân tích xác định những nguyên nhân để đưa ra các giải pháp phù hợp.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Thành Long yêu cầu quán triệt chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Bộ Y tế nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam, đó là: “Phát triển Y học cổ truyền kết hợp với Y học hiện đại. Cần nâng cao vai trò của y học cổ truyền trong chăm sóc sức khoẻ, đặc biệt trong điều trị bệnh mãn tính và phục hồi chức năng; kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong chẩn đoán và điều trị; đẩy mạnh nghiên cứu về các bài thuốc dân gian, nâng cao tính khoa học của y học cổ truyền; đầu tư vào các trung tâm nghiên cứu đông y, phát triển các phương pháp chữa bệnh hiệu quả bằng thảo dược; hỗ trợ đào tạo bác sĩ y học cổ truyền, mở rộng mô hình kết hợp đông-tây y”.
Bên cạnh đó, trong dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân cũng yêu cầu đẩy mạnh kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong đào tạo nhân lực y tế, phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt trong điều trị các bệnh mãn tính, phục hồi chức năng, phòng bệnh bằng các phương pháp dưỡng sinh, thực dưỡng…
“Cơ sở chính trị, quyết tâm, ý chí của người đứng đầu đã rõ thì bây giờ trách nhiệm của chúng ta là phải tổ chức thực hiện, làm sao y dược cổ truyền phải thực sự phát triển đúng tầm", Phó Thủ tướng nêu rõ.

Phó Thủ tướng đề nghị, phải đổi mới mạnh mẽ tư duy. Có những giải pháp hết sức cụ thể, khả thi, mang tầm chiến lược lâu dài; rà soát lại các cái văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để xem hàm lượng, yêu cầu, quy định về mặt nội dung và tổ chức thực hiện liên quan đến y dược học cổ truyền hiện đã đủ chưa.
Về công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, Phó Thủ tướng đề nghị, phải có vị trí xứng đáng về mặt nghề nghiệp đối với y dược cổ truyền; sớm hoàn thành thủ tục để xây dựng mới cơ sở 2 Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần phải có các nghiên cứu khoa học mang dấu ấn của chúng ta, có các sản phẩm tương tự như sản phẩm OCOP của y học cổ truyền Việt Nam.
Về phát triển dược liệu, Phó Thủ tướng cho rằng, nên học tập mô hình của Quảng Nam trước đây (nay là Đà Nẵng), với đề án phát triển và hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam, với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực.
Phó Thủ tướng nhất trí với ý kiến về kết hợp bốn nhà, trong đó, Nhà nước tạo điều kiện về cơ chế chính sách. Bên cạnh vai trò của khoa học công nghệ, thì vai trò của doanh nghiệp là không thể thiếu. Đặc biệt phải có các tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực này, nhằm hỗ trợ người nông dân, nhà khoa học để tạo ra dược phẩm cụ thể.
Phó Thủ tướng Lê Thành long cũng yêu cầu cần tăng cường thông tin, tuyên truyền nhằm quảng bá các sản phẩm, dịch vụ, giá trị văn hóa của y học cổ truyền; nâng cao nhận thức của người dân về các phương pháp phòng ngừa và điều trị bằng y học cổ truyền, thuốc cổ truyền.
Ngoài Bộ Y tế, Phó thủ tướng cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường có chính sách phù hợp, đặc thù, mở rộng thí điểm cho thuê môi trường rừng để thúc đẩy phát triển nguồn dược liệu trong nước....
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các Bộ: Y tế, Ngoại giao tổ chức xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới nhằm khai thác hiệu quả thị trường ngoài nước.
Bộ Dân tộc và Tôn giáo tiếp tục chỉ đạo phát triển dược liệu, phát huy lợi thế dược liệu quý, có giá trị kinh tế trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.