Cải cách môi trường kinh doanh

Yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết

Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 và duy trì tốc độ tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo, yêu cầu cải cách môi trường kinh doanh trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đây không chỉ là nền tảng để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, mà còn là động lực chiến lược thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân - một trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, phát triển bứt phá.
0:00 / 0:00
0:00
Nguồn VCCI
Nguồn VCCI

Nhận diện những điểm nghẽn cố hữu

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng và đẩy mạnh cải cách thể chế đã được Đảng và Nhà nước xác định là trọng tâm trong định hướng phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn tới. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân được xác lập là một trong những động lực quan trọng của tăng trưởng.

Trong Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh vai trò của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trong việc xây dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn, bình đẳng, thuận lợi và minh bạch. Mới đây, ngày 4/5, Bộ Chính trị đã ban hành một nghị quyết chuyên đề đột phá về phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết số 68-NQ/TW) - một bước tiến chiến lược nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển mạnh mẽ và bền vững của Việt Nam đến giữa thế kỷ XXI.

Tuy nhiên, để khu vực tư nhân có thể thật sự “cất cánh”, môi trường kinh doanh cần được cải thiện một cách toàn diện và thực chất. Dữ liệu từ báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2024 mà Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố cho thấy, môi trường kinh doanh đã ghi nhận một số cải thiện tích cực, nhưng vẫn tồn tại những điểm nghẽn cố hữu, đặc biệt là về tiếp cận đất đai, chi phí tuân thủ pháp luật và chất lượng thực thi ở một số địa phương.

Cải cách thể chế - nền móng cho tăng trưởng cao và bền vững

Muốn cải cách mạnh mẽ, nhất quán và có tính hệ thống, Việt Nam cần phải có kế hoạch. Theo đó, ưu tiên hàng đầu là tiếp tục cải cách thể chế kinh tế, với trọng tâm là cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng minh bạch, hiệu quả và thân thiện với doanh nghiệp.

Thứ nhất, cần đẩy mạnh cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp. Theo báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024, khoảng 24% doanh nghiệp cho biết họ phải dành trên 10% thời gian để tìm hiểu và thực hiện đúng các quy định pháp luật - một tỷ lệ vẫn còn cao.

Dù tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng thời gian thực hiện thủ tục hành chính ngắn hơn quy định đã tăng lên 83%, nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin, thiếu hướng dẫn rõ ràng từ cơ quan nhà nước.

Trong bối cảnh Chính phủ thúc đẩy chuyển đổi số và cải cách hành chính, việc tăng cường áp dụng dịch vụ công trực tuyến và liên thông dữ liệu giữa các cơ quan quản lý sẽ giúp giảm đáng kể gánh nặng này. Việc rút ngắn thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm nguồn lực mà còn nâng cao niềm tin vào Chính phủ.

Thứ hai, cần cải cách mạnh mẽ công tác quy hoạch và tiếp cận đất đai. Đây là một trong những điểm nghẽn lớn nhất mà doanh nghiệp đang đối mặt. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết không đối mặt với khó khăn trong tiếp cận đất đai, từ đa số đã chuyển sang thành thiểu số, từ con số 55% của năm 2021 đã giảm xuống còn 33% trong năm 2024, phản ánh các khó khăn về đất đai rất phổ biến. Đặc biệt, thủ tục xác định giá đất vẫn bị đánh giá là mất nhiều thời gian và thiếu minh bạch, gây cản trở nghiêm trọng đến đầu tư sản xuất.

Do vậy, cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai, có cơ chế định giá đất đai một cách thuận lợi, minh bạch, đồng thời tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch và giao đất tại địa phương.

Thứ ba, cần nâng cao năng lực thực thi pháp luật và hiệu quả của các cơ quan hành chính. Một môi trường kinh doanh tốt không thể chỉ dựa vào chính sách “trên giấy”, mà cần sự chuyển hóa thành hành động cụ thể của hệ thống chính quyền các cấp. Chất lượng điều hành kinh tế địa phương cần được cải thiện thông qua việc nâng cao trình độ cán bộ, tăng tính minh bạch trong thực thi, đồng thời áp dụng chế tài nghiêm khắc đối với hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Tỷ lệ tiếp thu ý kiến đóng góp của VCCI đối với các dự thảo văn bản pháp luật trong năm 2024 đạt 51,98%, một con số thể hiện nỗ lực cải thiện của cơ quan soạn thảo. Tuy nhiên, vẫn còn dư địa lớn để nâng cao hiệu quả phản hồi chính sách.

Hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân trong nước

Một mục tiêu cải cách quan trọng là tạo lập một “mặt bằng” công bằng, thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân phát triển. Trong nhiều năm qua, cộng đồng doanh nghiệp đã phản ánh về tình trạng so doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì doanh nghiệp tư nhân trong nước đang đối mặt với nhiều bất lợi thậm chí gặp nhiều rào cản.

Để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân trong nước nhất là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cần khuyến khích ưu tiên (như doanh nghiệp tư nhân sản xuất lớn, ngành nghề công nghiệp nền tảng, công nghệ chiến lược…) cần có các biện pháp cụ thể và mạnh mẽ hơn. Việt Nam cần phải thiết kế nhiều nhóm chính sách làm bệ đỡ cho khu vực này phát triển như yêu cầu mua hàng; quy định tỷ lệ thầu phụ bắt buộc; tăng cường việc Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ; chính sách hỗ trợ vốn; chính sách khuyến khích phát triển đổi mới, sáng tạo công nghệ bằng các giải pháp như tài chính, thuế, nhân lực, mặt bằng… Đồng thời, cần xây dựng các chính sách hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (vốn chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam) để giúp họ nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới công nghệ và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việc phát triển các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, kết nối thị trường và tư vấn pháp lý sẽ là những “bệ đỡ” hiệu quả cho khối doanh nghiệp này.

Tăng cường đối thoại và phản hồi chính sách

Một trong những điểm sáng của cải cách thời gian qua là việc Chính phủ và các bộ, ngành ngày càng chủ động lắng nghe, phản hồi ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, để quá trình này thực sự hiệu quả, cần thể chế hóa cơ chế đối thoại công-tư thành một hoạt động thường xuyên, có tính ràng buộc và trách nhiệm cao hơn.

Các hiệp hội doanh nghiệp cần đóng vai trò là “cầu nối” giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, không chỉ phản ánh khó khăn, vướng mắc mà còn tham gia tích cực vào quá trình xây dựng và phản biện chính sách. Cơ quan quản lý nhà nước, ở chiều ngược lại, cần nâng cao năng lực phân tích tác động chính sách, đánh giá chi phí-lợi ích, đặc biệt là từ góc độ doanh nghiệp.

Việt Nam đang đứng trước một ngã rẽ quan trọng. Những thành tựu nổi bật trong cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân những năm qua là nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển mới. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu tăng trưởng tham vọng trong năm 2025 và xa hơn, Việt Nam cần một chương trình cải cách thể chế quy mô lớn, có tính hệ thống và được thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ.

Cải cách môi trường kinh doanh không chỉ là điều kiện cần, mà còn là động lực cốt lõi để Việt Nam hiện thực hóa khát vọng hùng cường, sánh vai cùng các quốc gia phát triển. Và để điều đó trở thành hiện thực, không có con đường nào khác ngoài việc tiếp tục cải cách-cải cách sâu rộng, cải cách thực chất và vì doanh nghiệp, vì người dân!