Sự chuyển mình của giao thông Thành phố Hồ Chí Minh (Tiếp theo và hết) (★)

Bài 2: Giao thông, đòn bẩy phát triển kinh tế-xã hội

Những dự án giao thông trọng điểm đang được chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện không chỉ là đòn bẩy để phát triển kinh tế-xã hội mà còn là động lực, tạo ra cực phát triển mới cho cả vùng Đông Nam Bộ.
0:00 / 0:00
0:00
Tuyến Metro số 1. (Ảnh THÀNH ĐẠT)
Tuyến Metro số 1. (Ảnh THÀNH ĐẠT)

Hiện thực hóa cơ chế đặc thù

Giám đốc Sở Giao thông công chánh Thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết: Giai đoạn 2006-2015 là thời kỳ thành phố bắt đầu công cuộc hiện đại hóa kết cấu hạ tầng với những công trình, dự án lớn trở thành biểu tượng của thành phố được đưa vào khai thác, như các đại lộ Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt- Mai Chí Thọ, Xa lộ Hà Nội, tuyến đường Phạm Văn Đồng, các cầu Phú Mỹ, Thủ Thiêm.

Tổng vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông cho giai đoạn 2016-2025 khoảng 176.220 tỷ đồng, tăng 2,63 lần so với giai đoạn 2006- 2015. Trong đó, riêng giai đoạn 2021-2025, thành phố thực hiện 331 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 126.357 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi số dự án so với giai đoạn 2016-2020.

Giao thông là lĩnh vực có vai trò quan trọng, chính yếu trong đầu tư công của Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, vốn đầu tư công dành cho phát triển hạ tầng giao thông chính là động lực giúp tăng trưởng và phát triển bền vững.

Năm 2024, thành phố dành nguồn vốn đầu tư công khoảng 79.000 tỷ đồng cho các dự án; trong đó cho hạ tầng giao thông chiếm khoảng 70%. Con số này tiếp tục tăng vào năm 2025 và những năm tiếp theo. Thành phố dự kiến, giai đoạn 2026-2030 tổng nguồn vốn dành cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông (chưa kể các dự án đường sắt đô thị) là 467.654 tỷ đồng.

Theo ông Trần Quang Lâm, có được những thành quả vượt bậc, làm cho bộ mặt giao thông thành phố chuyển biến mạnh mẽ là nhờ các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội để Thành phố Hồ Chí Minh có chính sách đặc thù đầu tư và huy động nguồn lực phát triển giao thông. Đơn cử, như dự án đường vành đai 3 nhờ vận dụng Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội, chỉ trong sáu tháng thủ tục đầu tư được phê duyệt, công tác đền bù giải phóng mặt bằng thực hiện chưa đến một năm và đến nay, sau gần hai năm thi công, dự án chuẩn bị đưa vào khai thác 14,7 km đầu tiên.

Theo Trưởng ban Quản lý Đường sắt đô thị thành phố Phan Công Bằng, Nghị quyết 188/2025/QH15 ngày 19/2/2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị cho phép thành phố được phê duyệt chủ trương đầu tư và chỉ định thầu,... giúp quá trình đầu tư xây dựng rút ngắn được 3-4 năm so với trước đây, thậm chí nhiều hơn.

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ áp dụng cơ chế đặc thù này, kỳ vọng sớm khởi công tuyến Metro số 2 trong năm 2025; từ năm 2026 trở đi sẽ khởi công thêm các tuyến còn lại, góp phần hoàn thiện đầu tư xây dựng 7 tuyến đường sắt đô thị có chiều dài 355 km từ nay đến năm 2035. Điều này cho thấy, sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương thông qua chính sách đặc thù đã giúp thành phố “khơi thông” và rút ngắn cơ chế, thủ tục, cho phép vận dụng các mô hình và chính sách thu hút đầu tư,... tạo động lực mạnh mẽ để giao thông bứt phá, tạo một cực tăng trưởng cho Thành phố Hồ Chí Minh và cả vùng Đông Nam Bộ.

Khắc phục hạn chế trong đầu tư hạ tầng

Dù hàng trăm km đường, cây cầu, hầm chui cùng các công trình hạ tầng được đầu tư, đưa vào khai thác giúp bộ mặt giao thông thành phố có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn tình trạng ùn tắc giao thông tại các tuyến đường huyết mạch, các cửa ngõ thành phố. Hạn chế này đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh cũng như kìm hãm sự phát triển kinh tế.

Anh Hoàng, một lái xe tải thường xuyên chở hàng từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Củ Chi cho biết: “Dù thành phố đã làm hầm chui nhưng chuyện di chuyển từng chút trên Quốc lộ 22 vẫn như cơm bữa. Tôi hy vọng tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài sớm được khởi công để phá thể độc đạo của tuyến Quốc lộ 22 này”. Tương tự, hình ảnh kẹt xe, ùn tắc giao thông vẫn là nỗi lo lắng, tạo áp lực hằng ngày khi người dân lưu thông trên các tuyến đường huyết mạch nội đô như Cộng Hòa, Trường Chinh, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nguyễn Hữu Thọ; các tuyến ra vào cửa ngõ thành phố như Quốc lộ 13, Quốc lộ 50, đường Nguyễn Văn Linh…

Trong khi những dự án, công trình đang xây dựng lại có tiến độ ì ạch, thậm chí bị “treo” làm chậm kết nối hạ tầng giao thông, tác động xấu đến đời sống của người dân. Theo thống kê, hiện mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn thành phố là 2,38 km/km2 (theo quy chuẩn quốc gia là 10-13,3 km/km2), tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị là 13,88% (theo quy chuẩn là 24-26%)… chính là thách thức cần được nỗ lực tháo gỡ, đầu tư mạnh mẽ đối với hạ tầng giao thông.

Theo Sở Giao thông công chánh Thành phố Hồ Chí Minh, sự gia tăng nhanh về dân số cơ học, công tác quy hoạch hạ tầng giao thông chưa đồng bộ với quy hoạch phát triển kinh tế là nguyên nhân chính phải đối mặt. Cùng với đó, quy hoạch chung còn chậm điều chỉnh, chưa sát với thực tiễn cuộc sống dẫn đến hạ tầng giao thông chậm “bắt nhịp” với đòi hỏi của thực tế.

Ngoài ra, vướng mắc tồn tại nữa là năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu còn yếu kém, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng ì ạch, địa phương còn đứng ngoài cuộc dẫn đến nhiều công trình thi công kéo dài từ năm này qua năm khác, làm đội vốn đầu tư; thậm chí ảnh hưởng đến chủ trương chung của dự án.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được thẳng thắn nhìn nhận: Hạ tầng giao thông là cốt lõi của nền kinh tế, là chìa khóa then chốt “mở cửa” cho vận hội phát triển; do đó, thành phố sẽ dồn sức mạnh mẽ cải tiến cơ chế và thủ tục, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, góp phần khơi thông các nguồn lực phát triển. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để thành phố tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo. Thành phố Hồ Chí Minh bước vào kỷ nguyên vươn mình, khẳng định vị thế của một đô thị đặc biệt; trong đó hạ tầng giao thông sẽ tất yếu là trụ cột, tiền đề để thành phố mang tên Bác huy động tối đa các nguồn lực tạo sức bật mới, niềm tin mới cho nền kinh tế phát triển bền vững.

(★) Xem Trang Đông Nam Bộ số ra ngày 7/4/2025.