Phát triển du lịch nông thôn khu vực miền trung

Bài 2: Thúc đẩy kinh tế nông thôn bền vững

Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách tham quan, trải nghiệm tại làng cổ Lộc Yên. (Ảnh: nhandan.vn)
Du khách tham quan, trải nghiệm tại làng cổ Lộc Yên. (Ảnh: nhandan.vn)

Tháo gỡ điểm nghẽn

Đến với huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa) vào mùa thu hoạch trái cây, du khách được thỏa thích khám phá vẻ đẹp của những vườn cây trái đang độ trĩu cành; thưởng thức những đặc sản trái cây ngon nức tiếng như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bưởi da xanh… Đây còn là vùng đất có nhiều nét văn hóa, lễ hội truyền thống của người Raglai nên có sức cuốn hút du khách.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đinh Văn Dũng, tuy có nhiều tiềm năng nhưng mức độ phát triển du lịch của Khánh Sơn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Những hạn chế có thể kể đến như: chưa có nhiều sản phẩm du lịch đặc thù; thiếu các tour du lịch sinh thái gắn với núi rừng, nông nghiệp, nông thôn và cộng đồng...

Để thúc đẩy phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn, huyện Khánh Sơn đã có những định hướng về phát triển du lịch nông thôn như: Xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Hòn Dung (xã Sơn Hiệp); duy trì và phát huy các nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ như đan lát, làm gùi, nỏ, làm nhạc cụ phục vụ nhu cầu mua sắm, làm quà lưu niệm cho du khách; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, truyền thống tiêu biểu của dân tộc Raglai gắn với phát triển du lịch; xây dựng điểm du lịch sinh thái nông nghiệp tại xã Sơn Bình; liên kết các nhà vườn tạo điều kiện cho du khách tham quan vườn trái cây.

Khánh Hòa có khá nhiều di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc quý và nhiều loại địa hình, văn hóa đa dạng và giàu bản sắc, sản vật phong phú, hội tụ các yếu tố để phát triển loại hình du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, Khánh Hòa chú trọng đầu tư, thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, nghiên cứu phát triển các loại hình du lịch gắn với nông nghiệp, làng nghề truyền thống và môi trường sinh thái trên quan điểm phát triển du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên và các giá trị truyền thống, văn hóa.

Tuy có tiềm năng lớn nhưng các mô hình du lịch nông thôn mới hình thành, thiếu sự gắn kết với các đơn vị lữ hành chuyên nghiệp nên chưa đem lại hiệu quả cao. Các hộ dân làm du lịch trên nền tảng nông nghiệp chủ yếu là tự phát, quy mô nhỏ, chưa chuyên nghiệp, chưa hình thành điểm đến du lịch hấp dẫn…

Với lợi thế về cảnh quan Quảng Bình trải rộng từ vùng biển đến miền núi và điệp trùng của dãy Trường Sơn, có hệ thống hang động Phong Nha-Kẻ Bàng...nhiều địa phương trên địa bàn đã hình thành mô hình homestay, farmstay và các sản phẩm du lịch cộng đồng. Trong số hơn 40 khu, điểm, sản phẩm du lịch được nhiều du khách trong nước và quốc tế lựa chọn, nhiều sản phẩm gắn với khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tạo ra nhiều nền tảng cơ bản, vững chắc và thật sự đã mang lại lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho người dân.

Tuy nhiên, du lịch nông thôn Quảng Bình vẫn còn nhiều hạn chế khi sản phẩm du lịch còn đơn điệu, thiếu kỹ năng chuyên môn. Cơ sở hạ tầng tại nhiều điểm đến chưa được đầu tư đúng mức; công tác xúc tiến, quảng bá du lịch chưa được đầu tư đúng mức, chưa ứng dụng hiệu quả các nền tảng số để tiếp cận du khách.

Động lực phát triển nông thôn

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm, để du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng Quảng Bình thật sự phát triển, yếu tố không thể thiếu chính là các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương, do đó, sự hợp tác, tham gia tích cực của cộng đồng trở thành chìa khóa để xây dựng một ngành du lịch bền vững.

Do đó, cần bảo tồn, quảng bá di sản văn hóa và tự nhiên, phát triển sản phẩm, trải nghiệm du lịch độc đáo; tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch để khai thác thị trường khách; thúc đẩy sự hợp tác và liên kết dịch vụ tại địa phương, tạo ra các chương trình du lịch phong phú và đa dạng hơn nhằm thu hút du khách.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng cho biết, tỉnh tập trung đẩy mạnh phát triển cơ sở, phát huy tiềm năng, lợi thế về nông thôn, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững; tập trung xây dựng chiến lược phát triển du lịch vừa theo chiều rộng, vừa từng bước chuyển dịch theo chiều sâu, lấy sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo làm mũi nhọn kết hợp với du lịch bổ trợ như vui chơi giải trí, mua sắm, tham quan và trải nghiệm văn hóa địa phương.

Tỉnh đang nghiên cứu chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, phát triển các loại hình du lịch ở nông thôn gắn với nông nghiệp, làng nghề truyền thống, du lịch sinh thái; gắn phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, giá trị di sản văn hóa-nghệ thuật, bảo vệ môi trường; huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển du lịch nông thôn.

Quảng Nam cũng đã đề ra các giải pháp đẩy mạnh đầu tư phát triển du lịch, nhất là phát triển du lịch nông thôn. Theo đó, tỉnh thực hiện tốt công tác quy hoạch và đầu tư tại các điểm du lịch nông thôn, bảo đảm không phá vỡ cảnh quan, môi trường; thu hút nhà đầu tư các sản phẩm du lịch nông nghiệp quy mô lớn, chất lượng cao nhưng vẫn bảo đảm cộng đồng được tham gia và hưởng lợi từ sản phẩm du lịch này.

Cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, kiến thức, hành động cho cán bộ, người dân, cộng đồng và du khách về phát triển du lịch nông thôn bền vững trong xây dựng nông thôn mới; tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn gắn với gia tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp, các làng quê, làng nghề ở vùng nông thôn; tập trung đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp làm du lịch đi đôi với giáo dục về du lịch tại cộng đồng dân cư.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng cho biết, sắp đến, Quảng Nam đẩy mạnh sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong phát triển sản phẩm du lịch; phát huy vai trò của các công ty lữ hành trong việc kết nối đưa du khách đến tham quan, lưu trú, mua sản phẩm. Tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn.

Tăng cường truyền thông, xúc tiến quảng bá; ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch cộng đồng, nông nghiệp nông thôn. Điều khó khăn hiện nay đó là thiếu các cơ chế, chính sách để phát triển du lịch nông thôn một cách đồng bộ; cơ sở hạ tầng giao thông, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ du lịch nông thôn vẫn còn hạn chế, chưa đồng bộ; các dịch vụ du lịch có quy mô nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu du khách; liên kết ngành giữa du lịch, nông nghiệp và khu vực nông thôn để tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm còn hạn chế; công tác bảo tồn và khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống vùng nông thôn vẫn còn hạn chế, việc phát huy tài nguyên chưa tương xứng với tiềm năng.

Do vậy, để du lịch nông thôn phát triển nhanh và bền vững, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần sớm ban hành Bộ tiêu chí về điểm du lịch nông thôn; đồng thời chính quyền địa phương cần chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào du lịch nông nghiệp, nông thôn.