Bảo tồn nghề dệt truyền thống ở Hà Ri

Nghề dệt thủ công truyền thống ở thôn Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp (huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Ba Na. Tuy nhiên, với sự phát triển của xã hội hiện đại, nghề dệt thủ công đang đối mặt nguy cơ mai một, đặt ra yêu cầu cấp bách về bảo tồn và phát huy giá trị của nghề truyền thống này.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân cao tuổi tâm huyết giữ gìn nghề dệt truyền thống.
Nghệ nhân cao tuổi tâm huyết giữ gìn nghề dệt truyền thống.

Tâm huyết với nghề

Nghề dệt ở thôn Hà Ri đã được gìn giữ và truyền lại qua nhiều thế hệ. Bà Đinh Thị Choai, người đã có hàng chục năm làm nghề tại đây chia sẻ, để làm ra sản phẩm hoàn thiện, phải trải qua nhiều công đoạn công phu như kéo sợi, nhuộm mầu và cuối cùng là dệt thủ công. Quá trình này đòi hỏi sự khéo léo và kiên nhẫn, đôi khi mất đến cả tuần hoặc nửa tháng để tạo ra một sản phẩm. Đặc biệt, hoa văn trên các sản phẩm dệt là điểm nhấn thể hiện sự khác biệt và độc đáo của nghề dệt Hà Ri với các họa tiết như hoa sen, mắt lưới... So với các làng nghề dệt khác, hoa văn trên các sản phẩm dệt của thôn Hà Ri cầu kỳ và chi tiết hơn, thể hiện sự sáng tạo vượt bậc của người thợ nơi đây.

Những sản phẩm dệt không chỉ đơn thuần là vật dụng hằng ngày mà còn chứa đựng trong đó tình cảm, tâm hồn của người tạo tác. Mỗi họa tiết hoa văn trên từng tấm vải là câu chuyện về văn hóa, tập quán và thế giới quan của đồng bào Ba Na. Qua từng công đoạn, từ chọn sợi len, kéo sợi, nhuộm mầu cho đến quá trình dệt, người thợ luôn đặt vào đó tất cả sự tỉ mỉ và tâm huyết.

Bà Đinh Thị Đươi, nghệ nhân dệt tại thôn Hà Ri cho biết, nghề dệt tuy vất vả, tốn nhiều công sức nhưng bà con vẫn duy trì vì tình yêu với nghề truyền thống. Bà tâm sự: “Nếu không truyền lại cho thế hệ sau, nghề dệt sẽ mai một. Dù khó khăn đến đâu, chúng tôi vẫn cố gắng để các cháu nhỏ học nghề, hiểu giá trị truyền thống của dân tộc mình”.

Ông Nguyễn Văn Tư, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Hiệp cho biết, xã đã xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận làng nghề dệt thổ cẩm thôn Hà Ri là làng nghề truyền thống. Chính quyền xã cũng đã có kế hoạch phục hồi, phát triển nghề dệt, từ tập hợp tài liệu đến đề xuất các chính sách hỗ trợ đào tạo và phát triển làng nghề. Khi làng nghề được công nhận sẽ là bước đệm quan trọng để quảng bá sản phẩm, giúp người dân tạo thêm giá trị kinh tế. Chính quyền xã cam kết sẽ đồng hành cùng bà con để nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường mới, đặc biệt là gắn kết với ngành du lịch để tạo nguồn thu nhập ổn định.

Giải pháp bảo tồn và phát triển

Dù mang nhiều giá trị văn hóa song nghề dệt thủ công tại Hà Ri đang đối mặt nguy cơ mai một. Sự phát triển của các ngành công nghiệp hiện đại, cùng những thay đổi trong nhu cầu thị trường đã khiến thế hệ trẻ ít quan tâm đến việc kế thừa nghề truyền thống. Việc truyền dạy nghề hiện nay chủ yếu diễn ra tại nhà và phụ thuộc vào sự nhiệt tình của những người lớn tuổi. Tuy nhiên, thời gian và điều kiện học nghề bị giới hạn khiến số lượng người theo nghề ngày càng giảm sút. Bên cạnh đó, sản phẩm dệt thủ công chưa tìm được đầu ra ổn định. Thiếu cơ hội quảng bá và phát triển thị trường đã hạn chế khả năng cạnh tranh của các sản phẩm này, gây khó khăn cho người dân trong việc duy trì nghề.

Do vậy, chính quyền địa phương cần phối hợp với các tổ chức xã hội để tạo điều kiện về cơ sở vật chất và kinh phí, từ đó thúc đẩy việc truyền dạy nghề một cách hiệu quả hơn. Đặc biệt, cần tổ chức các hội chợ triển lãm, các sự kiện văn hóa để quảng bá sản phẩm dệt, mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao giá trị kinh tế cho nghề. Nghề dệt ở Hà Ri cũng có tiềm năng lớn trong việc gắn kết với phát triển du lịch. Du khách khi đến đây có thể trải nghiệm trực tiếp quy trình sản xuất sản phẩm, từ việc kéo sợi, nhuộm mầu đến dệt vải. Đây không chỉ là cơ hội để quảng bá văn hóa địa phương mà còn giúp tăng thu nhập cho người dân, tạo thêm động lực để họ gìn giữ và phát huy nghề truyền thống. Cùng với đó, việc xây dựng các sản phẩm dệt độc đáo, mang tính kỷ niệm sẽ tạo sức hút đối với du khách, đồng thời khẳng định vị thế của làng nghề trên thị trường.

Ông Lê Minh Thông, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Thạnh cho biết, thời gian qua, huyện đã triển khai thực hiện chương trình hành động của Tỉnh ủy cùng kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh liên quan đến bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống trên địa bàn. Điển hình là việc xây dựng Đề án Bảo tồn và phát triển làng nghề dệt cổ truyền của xã Vĩnh Hiệp. Đề án này đã hoàn thiện và đang được các cấp có thẩm quyền thẩm định để trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Trong đó, đề án nhấn mạnh việc bảo tồn các giá trị lịch sử lâu đời của làng nghề, đề xuất các chính sách đào tạo, tập huấn cho đồng bào dân tộc thiểu số nhằm duy trì và phát triển nghề dệt truyền thống. Ngoài ra, xã Vĩnh Hiệp đã chủ động lập hồ sơ trình lên Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Nông nghiệp và Môi trường để thẩm định, công nhận thôn Hà Ri là làng nghề truyền thống. Đây không chỉ là nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa mà còn nhằm gắn kết phát triển làng nghề với du lịch cộng đồng, tạo ra các sản phẩm hàng hóa độc đáo, thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương và tạo công ăn việc làm cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.

Nghề dệt thủ công tại thôn Hà Ri là di sản văn hóa quý báu của đồng bào Ba Na và là một phần quan trọng trong bức tranh kinh tế-xã hội địa phương. Việc bảo tồn và phát huy nghề dệt đòi hỏi sự nỗ lực từ phía người dân và sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp chính quyền. Đây không chỉ là cách để giữ gìn bản sắc văn hóa mà còn mở ra hướng đi mới, bền vững và phát triển lâu dài cho thôn Hà Ri.