Quần thể di tích Bà Triệu hấp dẫn khách thập phương

Trong suốt chiều dài lịch sử, Thanh Hóa là vùng đất địa linh nhân kiệt, có bề dày truyền thống văn hóa hàng ngàn năm, có vị thế đặc biệt trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc.

0:00 / 0:00
0:00
Một phần kiến trúc đền Bà Triệu dưới chân núi Gai, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Một phần kiến trúc đền Bà Triệu dưới chân núi Gai, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có nhiều di tích, di sản gắn liền với thời kỳ đấu tranh chống ách phong kiến bắc thuộc, giành độc lập, tự chủ.

Người dân xứ Thanh tham gia cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, sau đó nêu cao truyền thống yêu nước, kiên cường chống ách áp bức, đô hộ của nước Đông Ngô. Năm 230, Thứ sử nhà Ngô là Lữ Đại đã tàn sát hàng nghìn người dân Cửu Chân, châm ngòi cho các cuộc khởi nghĩa. Tại vùng núi Quân Yên (huyện Yên Định ngày nay) Triệu Thị Trinh khẳng khái: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển đông, đánh đuổi giặc Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ tôi đâu chịu khom lưng làm tỳ thiếp cho người” và cùng anh trai Triệu Quốc Đạt bí mật chuẩn bị lực lượng, lương thảo, vũ khí chống lại nhà Ngô.

Khi kế hoạch bị phát hiện, Triệu Thị Trinh cùng anh trai và quân sĩ rút sang Ngàn Nưa xây dựng căn cứ sau đó đánh chiếm làm chủ lỵ sở Tư Phố. Nghĩa quân đã giải phóng vùng xuống phía nam và tiến ra bắc hợp quân với ba anh em họ Lý xây dựng căn cứ Bồ Điền (nay thuộc xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc). Nhà Ngô cử Lục Dận, Thứ sử Giao Châu chỉ huy 8.000 quân tiến vào Cửu Chân nhằm đàn áp cuộc khởi nghĩa.

Bà Triệu Thị Trinh cùng nghĩa quân chặn đánh giặc từ các cửa biển: Thần Phù, Lạch Trường và trên toàn tuyến phòng thủ phía bắc đã diễn ra khoảng 30 trận giao chiến, khiến quân giặc than vãn: “Vung tay đánh cọp xem còn dễ, đối diện bà Vương mới khó sao”. Quân Lục Dận vây hãm Bồ Điền và trong trận chiến ngày 22 tháng 2 âm lịch năm Mậu Thìn 248, Triệu Thị Trinh hy sinh anh dũng tại núi Tùng.

Ba tướng họ Lý tiếp tục chiến đấu đến người cuối cùng. Khởi nghĩa Triệu Thị Trinh tô thắm thêm tinh thần yêu nước, bản lĩnh bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam. Để tưởng nhớ các anh hùng dân tộc, tại các căn cứ kháng chiến và địa danh lịch sử ở Thanh Hóa, nhiều công trình, cụm di tích đã được bảo tồn qua hàng nghìn năm. Các địa danh Na Sơn, Am Tiên thuộc các huyện: Như Thanh, Triệu Sơn; đền thờ Bà Triệu dưới chân núi Tượng Lĩnh, đình làng Phú Điền ở xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc nhiều lần được trùng tu, tôn tạo và bảo tồn. Khu di tích đền Bà Triệu được công nhận là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt năm 2014.

Trưởng ban quản lý di tích đền Bà Triệu Nguyễn Văn Tĩnh cho biết, di tích có diện tích 4ha, gồm các đơn nguyên: Tiền đường, trung đường, hậu cung được trùng tu, tôn tạo, kết nối thành hình chữ công. Nhà tiền đường cùng các cấu kiện gỗ lim, cột đá, đồ thờ, đại tự “thượng đẳng đại vương” được bảo tồn nguyên gốc. Trong quần thể di tích còn có đình Phú Điền với kiến trúc thời Nguyễn, trong đó một số cụm điêu khắc, họa tiết hoa văn trên cấu kiện gỗ thuộc thời Lê được tái sử dụng qua các lần trùng tu. Các đề tài chạm khắc trên gỗ kết hợp hài hòa giữa văn hóa truyền thống, Nho giáo và yếu tố dân gian. Trên các bức cốn khắc hình người phụ nữ là hình ảnh hiếm gặp trên cấu kiện các ngôi đình ở xứ Thanh cùng thời kỳ.

Tại hậu cung đình Phú Điền, nơi thờ Bà Triệu là Thành hoàng làng cùng ba tướng họ Lý, các vị tôn thần đã kề vai, sát cánh trong chiến đấu để bảo vệ quê hương. Tín ngưỡng thờ tự, suy tôn người có công với nước trường tồn cùng lịch sử dân tộc, được trao truyền qua các thế hệ. Ngoài đền Bà Triệu, đại đình Phú Điền còn có các điểm di tích: Miếu Bàn Thề, nghè Đệ Tứ, khu lăng mộ Bà Triệu cùng ba tướng họ Lý ở núi Tùng. Núi Tùng từng là đài quan sát trong hệ thống căn cứ Bồ Điền xưa. Từ khu mộ ba ông tướng họ Lý, du khách theo lối đi lên, qua hơn 300 bậc sẽ tới đỉnh núi Tùng, nơi có khu lăng mộ bà Triệu được chế tác bằng đá xanh nguyên khối. Từ đây có tầm nhìn bao quát và Tổng đốc Thanh Hoá triều Nguyễn Vương Duy Trinh nhận xét: “Ngẫm mà xem phong cảnh Phú Điền. Sau có núi, trước có sông làm án. Phong cảnh ấy và giang sơn ấy nên công hầu, công tước là đây”.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc Vũ Văn Thanh cho biết: Cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương luôn quan tâm bảo vệ các di tích và tham gia các hoạt động, nhiệm vụ được phân công. Cộng đồng dân cư vẫn bảo tồn các trò chơi, trò diễn dân gian như trò nhà Mạc, nấu cơm thi, kéo co, chơi cờ tướng; lưu giữ các tài liệu bằng chữ nôm ghi lại các sự kiện lịch sử, nghi thức rước kiệu, tế lễ và lựa chọn những cá nhân tiêu biểu mặc trang phục truyền thống tham gia các hoạt động thực hiện nghi lễ tín ngưỡng.

Theo Ban Quản lý khu di tích, năm 2024 có hơn 70.000 lượt khách đến tri ân, tham quan trong đó có khoảng hàng chục nghìn học sinh tham gia hành hương về nguồn, tìm hiểu lịch sử và trải nghiệm văn hóa truyền thống. Tượng đài Bà Triệu dự kiến được khởi dựng trên đỉnh núi Gai kết hợp với khu lăng mộ ở núi Tùng. Dự án đã được ghi vốn đầu tư. Trong tương lai, khu di tích sẽ có nhà trưng bày tư liệu, hiện vật nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch và nâng cao chất lượng phục vụ đáp ứng nhu cầu tham quan của nhân dân.