Theo đại diện lãnh đạo xã Hưng Trạch, Hát Tuồng Bội xuất hiện trên địa bàn vào khoảng thế kỷ thứ XVI và có nguồn gốc từ phía bắc theo các bậc tiền nhân di cư vào. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, đến năm 2001, nghệ thuật dân gian truyền thống này mới được phục hồi. Một trong những nét đặc sắc của Hát Tuồng Bội (làng Khương Hà, xã Hưng Trạch) là ở chỗ: đây là loại hình nghệ thuật của giới quý tộc cung đình, tầng lớp trí thức thượng lưu; nhưng cũng là sinh hoạt văn hóa, tinh thần của đông đảo người dân.
Nội dung các tích tuồng đều toát lên tư tưởng nhân văn sâu sắc, chứa đựng tình yêu quê hương, đất nước, thiên nhiên, tình yêu đôi lứa, nghĩa vợ chồng,… Âm sắc các vở tuồng trầm hùng mà sâu lắng tạo cảm giác gần gũi, có sức truyền cảm, lay động lòng người.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ tuồng truyền thống Khương Hà Trần Xuân Định cho biết, người diễn tuồng ở làng là những diễn viên chân đất. Dù không được đào tạo về hát và diễn tuồng nhưng bằng sự say mê và tình yêu với tuồng bội, các bác, các o tự luyện tập rồi trở thành diễn viên, đào kép lúc nào chẳng hay. Lớp trước, các ông Võ, ông Đoan trên sân khấu thật oai nghiêm với vai phó soái, tướng soái trong cân đai, áo mũ; nhưng sáng hôm sau lại là 2 ông nông dân chất phác vác cày lên vai, dắt trâu ra đồng. Hồi trước là o Nữ, giờ là o Huề như được “đo ni đóng giày” cho vai mỹ nhân kế chuốc rượu tướng giặc say mèm, rồi vung gươm quyết trả thù nhà đền nợ nước...
Năm 2008, lần đầu tiên Câu lạc bộ tuồng truyền thống Khương Hà được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mời tham gia đợt tập huấn 20 ngày tại Nhà hát tuồng Trung ương. Hiện, đây cũng là làng duy nhất ở Quảng Bình có câu lạc bộ tuồng biểu diễn phục vụ người dân địa phương và các lễ hội của làng, xã; kinh phí hoạt động do dân tự đóng góp. Nhiều năm trước, diễn viên bỏ tiền túi ra mua sắm trang phục, đạo cụ hay nhặt nhạnh vật dụng rồi tự chế.
Một chiếc cặp sách cũ chế ra mũ chánh tướng, vải áo mầu tận dụng khâu thành yếm cô đào. Người làng giúp làm việc đồng áng cho họ có thời gian tập luyện và hỗ trợ tiền trong các buổi diễn để mua sắm thêm trang phục. Câu lạc bộ gồm 17 thành viên thì trong đó có cặp là vợ chồng, nhiều chị em ruột cùng tham gia. Giờ đây, được huyện Bố Trạch và xã Hưng Trạch quan tâm nên câu lạc bộ được cấp thêm kinh phí mua trang phục và tiền bồi dưỡng cho diễn viên sau các buổi diễn.
Điều mà Chủ nhiệm Câu lạc bộ tuồng truyền thống Khương Hà trăn trở, là các diễn viên không chuyên đều cao tuổi trong khi lớp trẻ chưa thật sự quan tâm, yêu mến loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này. Việc đưa nghệ thuật tuồng bội vào trường học cũng chưa thực hiện được.
Ông Định chia sẻ: “Trước đây, Câu lạc bộ tuồng Khương Hà được mời diễn thường xuyên cho dự án du lịch cộng đồng trong khu vực và ở Phong Nha-Kẻ Bàng phục vụ du khách. Tuy nhiên, vì một số lý do nên các buổi diễn bị gián đoạn rồi tạm dừng. Rất mong các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ kết nối trình diễn nghệ thuật truyền thống gắn với phát triển du lịch trên vùng đất Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng”.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bố Trạch Nguyễn Hữu Hồng, qua mỗi dấu mốc lịch sử, Hát Tuồng Bội vẫn luôn có mặt trong đời sống văn hóa, tinh thần và trở thành loại hình văn hóa nghệ thuật đặc sắc, độc đáo của người dân. Đồng thời góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm và ý chí, khát vọng vươn lên, xây đắp cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân Hưng Trạch anh hùng.
Để xứng đáng với danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, giữ gìn hồn cốt của quê hương, cấp ủy, chính quyền các cấp cùng cộng đồng cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục và quảng bá di sản; chú trọng truyền dạy, đào tạo thế hệ kế cận. Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư, hỗ trợ nghệ nhân và các câu lạc bộ về cơ sở vật chất; tạo điều kiện để các em nhỏ, thanh thiếu niên yêu thích, học hỏi và thực hành nghệ thuật tuồng; đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa, gắn việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch.