Huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) không chỉ là một địa phương vùng núi cao giàu tiềm năng du lịch, mà còn là vùng đất nổi tiếng với loại sâm quý giá (sâm Ngọc Linh). Đây là tài nguyên quý báu có giá trị lớn về mặt kinh tế, y học, văn hóa và việc khai thác bền vững là điều cần thiết.
Đánh thức tiềm năng du lịch
Nằm dưới chân núi Ngọc Linh, huyện Nam Trà My có khí hậu nhiệt đới gió mùa, thích hợp cho sự phát triển của đa dạng thực vật và sinh vật quý hiếm. Với địa hình đồi núi cao, thung lũng bị chia cắt bởi nhiều sông suối, ghềnh thác đã tạo nên cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, hoang sơ. Nơi đây còn có hệ thống rừng nguyên sinh đa dạng và phong phú về hệ động, thực vật bao gồm: Khu dự trữ Nước Là, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, hệ sinh thái rừng Ngọc Linh. Hiện nay, toàn huyện Nam Trà My có hơn 1.500 hộ dân đăng ký trồng sâm Ngọc Linh với hơn 1.650 ha. Sâm Ngọc Linh giờ đây đã trở thành cây chủ lực làm giàu của bà con dân tộc thiểu số, giúp đời sống của người dân nơi đây thay đổi rõ rệt.
Từ lâu đời, trên vùng đất này có nhiều tộc người cùng cộng cư sinh sống. Sự gắn kết cộng đồng trong đấu tranh, sinh hoạt, lễ hội, tín ngưỡng đã tạo nên những giá trị văn hóa vừa phong phú, vừa đặc sắc, độc đáo và mang đậm dấu ấn của vùng đất, con người xứ sở sâm Ngọc Linh. Các hoạt động như lễ hội sâm; phiên chợ sâm; lễ hội mừng lúa mới, cúng máng nước, cúng thần núi; lễ hội cồng chiêng… của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Nam Trà My đã hình thành vùng đất có nền văn hóa đa sắc tộc. Đây được coi là một trong những tiềm năng lớn về phát triển du lịch, thu hút du khách đến nghiên cứu, tham quan, tìm hiểu về truyền thống cách mạng và bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nam Trà My Nguyễn Thế Phước, với những tiềm năng du lịch vốn có, trong thời gian qua, huyện Nam Trà My đã chỉ đạo các ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng và tái hiện các nghi thức, nghi lễ của đồng bào các dân tộc trở thành sản phẩm du lịch. Tổ chức nhiều hoạt động nhằm gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương gắn với các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí, giới thiệu các sản phẩm, hàng hóa lưu niệm, các món ẩm thực, đặc sản của huyện để quảng bá, thu hút và phục vụ khách du lịch.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Nam Trà My đã dần hình thành các điểm du lịch gắn với các di tích lịch sử, văn hóa và sinh thái. Với tuyến du lịch về nguồn khám phá lịch sử-văn hóa, điểm nhấn lớn nhất là Căn cứ quốc gia Liên khu ủy và Ban quân sự khu V, Di tích Ban cán sự miền Tây. Với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du khách có thể ghé thăm Thác 5 Tầng, Suối Đôi, Làng văn hóa Tak Chươm, Suối nước nóng, Làng văn hóa Cheng Tong và Vườn sâm Tak Ngo…
Tuy nhiên, muốn khai thác, phát triển du lịch theo hướng bền vững, đòi hỏi các địa phương phải tiếp tục giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc để xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, phù hợp với từng địa phương một cách có định hướng, có quy hoạch và chọn lọc để tăng tính hấp dẫn với du khách. Huyện và các địa phương cần xây dựng một chiến lược tổng thể phát triển du lịch hiệu quả hơn; cần có chính sách, cơ chế mang tính đặc thù riêng để thu hút đầu tư phát triển loại hình du lịch độc đáo này.
“Huyện Nam Trà My xác định một trong những yếu tố then chốt để phát triển du lịch bền vững là bảo vệ và phát huy nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa. Du lịch không chỉ giúp nâng cao đời sống người dân mà còn phải bảo đảm bảo tồn các giá trị môi trường và xã hội. Huyện vận dụng có chiến lược phát triển du lịch với sự tham gia của cộng đồng, giúp người dân trực tiếp hưởng lợi từ sự phát triển du lịch và tạo ra những tác động tích cực đối với môi trường và xã hội”, ông Nguyễn Thế Phước chia sẻ.
Tận dụng thế mạnh nguồn tài nguyên thiên nhiên
Từ năm 2017, khi cây sâm Ngọc Linh được Chính phủ xác định là sản phẩm quốc gia, tỉnh Quảng Nam đã khuyến khích và hỗ trợ giống cho người dân trồng sâm. Ðến nay, diện tích quy hoạch vùng bảo tồn và
phát triển sâm Ngọc Linh đã được xác định là hơn 15.000 ha (trong đó từ độ cao 2.000m trở lên có hơn 2.200 ha, ở độ cao từ 1.200-2.000m có hơn 13.300 ha) chủ yếu tập trung tại huyện Nam Trà My. Vùng núi cao Nam Trà My được mệnh danh là thủ phủ của sâm Ngọc Linh.
Nhằm nâng cao chất lượng phát triển du lịch gắn với sâm Ngọc Linh, huyện Nam Trà My đã cụ thể hóa các Nghị quyết của Huyện ủy thành các đề án, dự án đi vào thực chất, hiệu quả. Thời gian qua, huyện cũng đã hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với tri thức dân gian về trồng, chế biến, phát triển sâm Ngọc Linh.
Ngày 18/11/2024, Tỉnh ủy Quảng Nam ban hành Nghị quyết về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Trong đó, tập trung đầu tư hạ tầng thiết yếu, hạ tầng khung, phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng tại vùng sâm Ngọc Linh. Đầu tư xây dựng Làng du lịch cộng đồng, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, tổ chức các hội chợ, lễ hội sâm Ngọc Linh... nhằm tuyên truyền, quảng bá hình ảnh cây sâm Ngọc Linh đến với người dân trong và ngoài nước. Thu hút ít nhất 5 doanh nghiệp đầu tư phát triển loại hình du lịch sâm gắn với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Tạo các tuyến du lịch kết nối các địa phương từ vùng thành phố, đồng bằng đến vùng trồng, chế biến sâm Ngọc Linh nhằm phát triển du lịch và quảng bá hình ảnh vùng trồng sâm. Tổ chức các chương trình du lịch kết nối với vùng trồng, chế biến sâm và phát triển di sản văn hóa phi vật thể quốc gia về sâm Ngọc Linh.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết, có thể nói du lịch sâm tại huyện Nam Trà My là một điểm du lịch mới lạ. Trên thế giới có bốn nước xây dựng du lịch sâm rất phát triển như: Hàn Quốc, Mỹ, Canada và Nga. Riêng Việt Nam có một trong những loại sâm quý nhất thế giới, nhưng hiện nay ngành du lịch sâm chưa phát triển mạnh. Nếu như huyện Nam Trà My nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung tận dụng được thế mạnh nguồn tài nguyên thiên nhiên sâm Ngọc Linh thì trong thời gian tới ngành du lịch sâm sẽ phát triển rực rỡ.
“Tôi hy vọng với sự nỗ lực của người trồng sâm, của những người làm du lịch và nỗ lực bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, trong tương lai không xa, ngành du lịch sâm sẽ phát triển. Du khách tới đây sẽ được trải nghiệm, được tận hưởng những dịch vụ du lịch mới lạ, cụ thể là gắn với con người vào thiên nhiên”, ông Hồ Quang Bửu chia sẻ ■