Cần đánh giá kỹ hơn hiệu quả của các biện pháp xử lý nợ xấu

Tại phiên làm việc thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 14/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại phiên họp. (Ảnh Duy Linh)
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại phiên họp. (Ảnh Duy Linh)

Trình bày báo cáo tổng kết Nghị quyết số 42 và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố đã chủ động, tích cực triển khai đầy đủ, kịp thời các chương trình/kế hoạch hành động bám sát tinh thần của Nghị quyết số 42. Với sự nỗ lực, quyết tâm cao của ngành ngân hàng, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, sau gần 5 năm thực hiện, Nghị quyết số 42 đã được triển khai nghiêm túc, đúng mục tiêu, định hướng và đạt được kết quả quan trọng.

Theo đó, nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý, kiểm soát và tỷ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì ở mức dưới 2%. Tổng nợ xấu chưa xử lý xác định theo Nghị quyết số 42 của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đến 31/12/2021 giảm 17,21% so thời điểm Nghị quyết số 42 có hiệu lực (15/8/2017). Tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 được xử lý từ 15/8/2017 đến 31/12/2021 đạt trung bình khoảng 5,67 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2,15 nghìn tỷ đồng/tháng so kết quả xử lý nợ xấu trung bình tại thời điểm trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, từ khi có hiệu lực thi hành, Nghị quyết đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện định hướng, chính sách đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; tạo niềm tin đối với hệ thống các tổ chức tín dụng nói riêng và toàn xã hội nói chung đối với công tác xử lý nợ xấu trong nền kinh tế; đóng góp quan trọng vào kết quả cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Trong thời gian áp dụng Nghị quyết, nợ xấu được xử lý của hệ thống các tổ chức tín dụng có nhiều tiến triển, nhất là nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42. Các hình thức xử lý nợ xấu được đa dạng hóa, đặc biệt là xử lý nợ xấu nội bảng thông qua hình thức khách hàng tự trả nợ tăng mạnh so trước đây.

Để bảo đảm đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ các kết quả đã đạt được, các ý kiến đề nghị cần đánh giá  rõ hơn về thực trạng nợ xấu và kết quả xử lý nợ xấu tương ứng; hiệu quả của các biện pháp khác quy định tại Nghị quyết; thực trạng hoạt động của thị trường mua bán nợ xấu; phân tích rõ hơn việc thực hiện một số quy định về thu giữ tài sản bảo đảm, phối hợp giữa các cơ quan liên quan; ngoài ra, đề nghị bổ sung đánh giá tác động của việc thực hiện Nghị quyết đối với sự phát triển của hệ thống các tổ chức tín dụng nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cần quan tâm hơn đến chính sách đa dạng hóa các đối tượng tham gia trực tiếp vào công tác xử lý nợ xấu, chính sách quy định về giao dịch nợ xấu, chứng khoán hóa nợ xấu cũng như các dịch vụ hỗ trợ xử lý nợ xấu. Có ý kiến cho rằng, khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu trong thời gian tới không nên chỉ giới hạn đối với nợ xấu của các tổ chức tín dụng, mà cần tính đến nợ xấu của nền kinh tế để có tính bao quát; hơn nữa, việc xử lý nợ xấu sẽ đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.

Tham gia phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, Chính phủ cần nêu rõ căn cứ để kéo dài thời gian áp dụng Nghị quyết số 42 và nếu có kéo dài thì thời hạn kéo dài cũng chỉ tối đa đến 31/12/2023. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, cần giao cụ thể mục tiêu của giai đoạn kéo dài thời gian áp dụng Nghị quyết số 42; trách nhiệm của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương trong việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết này để trình Quốc hội xem xét, quyết định. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tính ngay định hướng hoàn thiện khung khổ pháp lý cho xử lý nợ xấu.  

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, Chính phủ cần nghiên cứu tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, ý kiến tham gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện báo cáo tổng kết, thực hiện Nghị quyết số 42. 

Theo đó, cần phân tích làm rõ về thực trạng nợ xấu, kết quả xử lý nợ; đánh giá kỹ hơn hiệu quả của biện pháp xử lý nợ xấu và lưu ý các chỉ tiêu cơ bản quan trọng, so sánh các mục tiêu và kết quả tổng thể so quy định tại Nghị quyết 42. Thực trạng của hoạt động thị trường mua bán nợ xấu ảnh hưởng việc quyền thu giữ tài sản bảo đảm nợ xấu đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bổ sung thêm đánh giá tác động của việc thực hiện Nghị quyết đối với sự phát triển của hệ thống, các tổ chức tín dụng và nền kinh tế nói chung.

Đồng thời, đánh giá kỹ hơn về các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp khắc phục khi kéo dài thời hạn áp dụng của Nghị quyết 42, lưu ý các mục tiêu, giải pháp hoàn thiện các hướng dẫn để thực hiện Nghị quyết bảo đảm đầy đủ, thống nhất; tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị cả Trung ương và địa phương, gắn trách nhiệm của Chính phủ, các cơ quan tổ chức cụ thể thực hiện Nghị quyết.     

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thống nhất bổ sung Nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ Nghị quyết số 42 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2022; thống nhất áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn thông qua nghị quyết tại một kỳ họp trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp tháng 5/2002.

Có thể bạn quan tâm

back to top