Cần thiết phục dựng Điện Kính Thiên ?

NDĐT- Ý tưởng phục dựng Điện Kính Thiên một lần nữa lại được đưa ra trao đổi, bàn bạc tại cuộc hội thảo do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức sáng 17-8, với sự tham góp ý kiến của nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực di sản kiến trúc và bảo tồn.
Thềm rồng đá trước nền điện Kính Thiên.
Thềm rồng đá trước nền điện Kính Thiên.

Đây không phải là lần đầu tiên, mà nhiều năm trước, khi di tích Hoàng Thành Thăng Long được phát lộ, nhiều người đã có mong muốn phục dựng các công trình kiến trúc ở đây, trong đó quan trọng nhất là Điện Kính Thiên. Nhiều cuộc hội thảo đã bàn về vấn đề này, từ phục dựng 3D cho đến ý tưởng phục dựng thực tế được đưa ra trao đổi, với mong muốn dựng lại một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc và nhiều ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, đây vẫn là một dự án “thách đố” các nhà khoa học và các nhà quản lý, bởi còn quá nhiều khó khăn để có thể bắt tay thực hiện.

Hoàn trả không gian

Cuộc hội thảo lần này đặt ra ý tưởng có phần bài bản hơn, đó là “Nghiên cứu hoàn trả không gian nền Điện Kính Thiên”. Nhiều chuyên gia cho rằng, với một di tích kiến trúc thì điều quan trọng nhất, chính là không gian mà nó tồn tại. Điện Kính Thiên – một trong hai dấu tích cực kỳ quý hiếm thuộc thời Lê sơ hiện còn sót lại trên mặt đất của Hoàng Thành Thăng Long (cùng với Đoan Môn), hiện chỉ còn lại dấu vết nền móng, bậc thềm có đôi rồng đá nổi tiếng và bậc lan can chạm khắc tinh xảo. Trên nền móng được cho là nền điện, hiện đang tồn tại tòa nhà Pháo binh hai tầng do thực dân Pháp xây dựng vào năm 1886. Chung quanh khu vực nền điện là những kiến trúc thời thuộc Pháp. Vì thế, nếu nhìn vào khu vực điện Kính Thiên hiện nay, rất khó hình dung không gian Điện Kính Thiên thời xưa.

Qua kết quả thám sát khảo cổ học và qua nghiên cứu một số thư tịch cổ, các nhà khoa học cũng cho rằng di tích chính điện Kính Thiên đã được tu sửa qua nhiều thời kỳ khác nhau. Ngay cả nền điện - theo PGS.TS Tống Trung Tín (Viện Khảo cổ học) – cũng đã bị biến dạng cực mạnh không dễ nhận biết phần nào là di tích điện Kính Thiên thời Lê sơ, phần nào được xây dựng từ thời Nguyễn.

PGS. TS Phan Khanh đồng ý với cách đặt vấn đề của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội là phải hoàn trả trước tiên không gian của Điện Kính Thiên, chí ít trong điều kiện có thể là vào thời Lê. Nhưng đó cũng chính là vấn đề khó khăn nhất. Bởi hiện tại, các công trình kiến trúc kiểu Pháp đang “bao vây” không gian Điện Kính Thiên. Theo TS. Phan Khanh, “không có cách nào khác” là phải nâng lùi Nhà con Rồng khoảng vài chục mét trên không gian vườn bưởi trước nhà hầm D67. Còn ngôi nhà hai tầng sau Đoan Môn chắn ngang trước nền điện Kính Thiên cần được nghiên cứu chuyển dịch từ hướng nằm ngang hiện nay sang nằm dọc và chuyển ra phía tường di tích giáp với đường Hoàng Diệu hoặc đường Nguyễn Tri Phương. Hai tòa nhà một tầng có hành lang gần sát trước nền Điện cũng cần được chuyển dịch sang phải và sang trái để không che khuất Điện Kính Thiên sau khi được phục hồi.

Phục dựng như thế nào ?

Hầu hết các nhà khoa học đều đồng ý về mặt chủ trương cần phải bắt đầu dự án nghiên cứu phục dựng Điện Kính Thiên. Nhưng phục dựng như thế nào là một câu hỏi khó trả lời. Từ tòa chính điện mang tên Càn Nguyên đời Lý, Thiên An thời Trần, Kính Thiên đời Lê, Long Thiên đời Nguyễn, cho đến khi bị thực dân Pháp phá bỏ và xây nhà Pháo binh vào năm 1886, trải hơn 10 thế kỷ, thật khó để nói đâu là yếu tố nguyên gốc. Hình ảnh may mắn còn sót lại là những bức tranh gravue và ảnh do người Pháp chụp khoảng những năm 1885, ngay trước khi cung điện này bị phá. Nhưng, đó chỉ là hình ảnh cung điện thời nhà Nguyễn, đã được sửa chữa và xây dựng lại. Một công trình hạt nhân quan trọng nhất trong Khu Di tích Hoàng Thành, nơi tập trung quyền lực trong suốt chiều dài lịch sử 10 thế kỷ của dân tộc, nhưng những thứ có thể nhìn thấy được lại quá ít ỏi. KTS Lê Thành Vinh (Viện Bảo tồn di tích) cho rằng, “phục dựng như thế nào?” vẫn là một câu hỏi mà mọi câu trả lời ở thời điểm này đều là vội vàng. Cần phải nghiên cứu một cách nghiêm túc và thận trọng hơn nữa.

TS. Đặng Văn Bài thiết thực hơn khi đặt ra câu hỏi “Phục dựng để làm gì ?”. Theo ông, chúng ta cần phải xác định rõ mục tiêu phục dựng, cần phải biết rõ chúng ta phục dựng tòa cung điện để đó để làm gì trước khi bàn đến việc di dời các công trình trong khu di tích. Bởi theo ông, nếu để thờ cúng hay chiêm bái, thì càng cần phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng trước khi quyết định phục dựng, bởi nguồn tư liệu hiện có chưa thể đáp ứng. Trải chiều dài qua nhiều thời đại, tu sửa, xây lại như vậy, chúng ta xác định sẽ phục dựng cung điện ở thời đại nào? Và điều quan trọng, là việc di dời các công trình trong khu di tích cũng cần được cân nhắc.

TS. Lưu Trần Tiêu cho rằng, một trong những tiêu chí của Di tích Hoàng Thành Thăng Long khi UNESCO công nhận là Di sản thế giới, chính là tính liên tục của một trung tâm chính trị- quyền lực trải qua hơn 10 thế kỷ. Như thế, những công trình kiến trúc hiện đại hiện còn trên mặt đất cũng là những di tích lịch sử - văn hóa, không dễ di dời hay phá bỏ. Theo ông, nên thống nhất chủ trương tiếp tục tập hợp tư liệu, khảo cổ, trong 10 năm tới có kết quả nghiên cứu phác thảo cũng là “hạnh phúc” rồi. Cũng chung quan điểm này, TS Nguyễn Viết Chức cho rằng, giá trị kiến trúc, văn hóa, lịch sử của Điện Kính Thiên cần phải được nghiên cứu và đặt trong quần thể di tích lịch sử văn hóa và cách mạng của Hoàng Thành Thăng Long. Trong một mảnh đất mà di tích chồng di tích như ở đây, thì mọi sự xáo trộn cần phải được cân nhắc kỹ càng.

Thậm chí, KTS Lê Thành Vinh còn cho rằng, phục dựng không nhất thiết phải là xây dựng lại toàn bộ công trình như đã từng có. Phục dựng có thể là tái hiện theo một hình thức nào đó, có thể chỉ là hình vẽ trên giấy, có thể là hình ảnh 3D, có thể là một mô hình, một hình ảnh trong không gian thật được tạo ra bằng các hiệu ứng ánh sáng…

Điện Kính Thiên là tên gọi kiến trúc trung tâm quan trọng nhất của Hoàng thành Thăng Long vào các triều đại Lê, Mạc, Lê Trung hưng. Đây là nơi nhà vua họp với các đại thần để bàn mọi việc trọng đại của đất nước. Điện Kính Thiên cũng là nơi vua tiếp các sứ thần ngoại giao nước ngoài. Do vai trò quan trọng như thế nên Điện Kính Thiên được xây dựng quy mô nhất, tráng lệ nhất, và là tâm điểm của Hoàng thành và Cấm thành Thăng Long thời Lê, là nơi đặt ngai vàng của Hoàng đế - biểu trưng cao nhất của quyền lực quốc gia. Có thể trích dẫn rất nhiều sự kiện quan trọng diễn ra ở Điện Kính Thiên (trước đó gọi là Điện Càn Nguyên, điện Thiên An) đã được chép trong sử liệu của các triều đại phong kiến nước ta như Việt Sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt thông cương giám mục…

Có thể bạn quan tâm

back to top