Cách đây khoảng 7 năm, Ban quản lý chung cư Ruby Land (phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú) ký hợp đồng với một ban quản lý chung cư của Công ty cổ phần Quản lý nhà toàn cầu Global Home). Sau thời gian đầu "mưa thuận gió hòa" thì đã bắt đầu phát sinh những mâu thuẫn giữa ban quản lý và cư dân về không gian để xe; diện tích công cộng bị chiếm dụng.
Trước thực trạng này, một số hộ đã "đình công" bằng việc ngừng đóng phí quản lý chung cư thì đã bị cắt nước gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. Còn tại chung cư Miếu Nổi (Phường 3, quận Bình Thạnh), quá trình vận hành cũng đã xảy ra nhiều mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân. Trong đó, việc tự ý tăng phí sử dụng thang máy (từ 35.000 lên 45.000 đồng/tháng) trái quy định của Luật Nhà ở năm 2014, Thông tư 02/2016 của Bộ Xây dựng).
Theo Sở Xây dựng thành phố, trên địa bàn hiện có 1.518 chung cư với 2.445 lô, bao gồm 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975. Hầu hết các địa phương đều có chung cư. Chung quanh vấn đề phát sinh các tranh chấp, mâu thuẫn, Sở Xây dựng thời gian gần đây liên tiếp nhận được phản ánh liên quan đến quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư, ban quản trị, ban quản lý, đơn vị quản lý vận hành, chủ sở hữu, người sử dụng căn hộ...
Một số vấn đề cũng diễn ra phức tạp, kéo dài, liên quan đến trách nhiệm của nhiều đơn vị quản lý hành chính các cấp, như cấp giấy chứng nhận, xử lý vi phạm trật tự xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, quỹ bảo trì,… Tất cả đều ít nhiều tác động đến chất lượng đời sống của cư dân sinh sống tại các chung cư. Các tỉnh trong khu vực Đông Nam Bộ đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, xu hướng hình thành các chung cư cũng đang trở nên phổ biến. Vì thế, việc giải quyết các vướng mắc, mâu thuẫn trong vấn đề này cần được thực hiện quyết liệt hơn nữa.
Sở Xây dựng thành phố trong báo cáo mới đây với Bộ Xây dựng về thực trạng này cũng đã đề xuất một số biện pháp chế tài cứng rắn với các chủ đầu tư cố tình vi phạm nhiều lần. Trong đó, Sở kiến nghị bổ sung quy định theo hướng cấm hoặc không chấp thuận dự án đầu tư xây dựng chung cư mới đối với chủ đầu tư đang có các dự án nhà chung cư vi phạm nhiều lần về công tác quản lý, sử dụng, quản lý vận hành chung cư.
Thực tế thời gian qua, trước các sai phạm của các chủ đầu tư, ban quản lý đều chỉ mới dừng lại ở việc xử phạt hành chính. Điều này khiến các chủ đầu tư càng chủ quan, thậm chí cố ý thực hiện để đánh đổi lợi ích khác. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của cư dân mà còn gây khó khăn trong công tác quản lý về hành chính của địa phương, gây mất đoàn kết, an ninh trật tự trong khu vực chung cư.
Giải pháp Sở Xây dựng đề xuất được xem là mạnh tay đối với các chủ đầu tư cố tình chây ỳ, vi phạm các quy định của luật pháp. Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước cũng nên áp dụng một số biện pháp cứng rắn khác như: công bố rộng rãi thông tin các chủ đầu tư có sai phạm xây dựng sai phép, không thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, bán hàng trái quy định; chính quyền các địa phương cần có giải pháp tăng cường, chủ động kiểm tra, xử lý đối với các khiếu nại, tranh chấp phát sinh; chủ động báo cáo, tham mưu các phát sinh ngoài khả năng để có hướng xử lý kịp thời.